Doanh nghiệp nhà nước Indonesia được yêu cầu “tự thân vận động”

Theo Hải Châu/thoibaokinhdoanh.vn

Trong thời gian tới, Chính phủ Indonesia quyết định sẽ cắt dần “bầu sữa” ngân sách dành cho các doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy khu vực này chủ động hơn trong việc huy động vốn trên thị trường và sử dụng vốn một cách hiệu quả, tránh lãng phí.

Khối doanh nghiệp nhà nước đang chi phối nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Indonesia. Nguồn: Internet
Khối doanh nghiệp nhà nước đang chi phối nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Indonesia. Nguồn: Internet

Đánh giá về chủ trương lớn này của Chính phủ Indonesia, nhiều chuyên gia cảm thấy rất phấn khởi và lạc quan trước triển vọng đa dạng hóa của thị trường.

Lợi ích cho tất cả

Theo thông tin từ Bộ trưởng Các doanh nghiệp nhà nước (BUMN) Rini Soemarno, bắt đầu từ năm 2018, 118 doanh nghiệp với doanh thu lên tới 133 tỷ USD, sẽ phải tự thân vận động đi tìm nguồn vốn mới, thay vì chỉ trông chờ ngân sách rót về như trước. 

Ông Soemarno cho biết: “Chúng tôi muốn doanh nghiệp nhà nước phải là lực lượng tiên phong, nghiên cứu và đề xuất với chính phủ những vấn đề cần phải thay đổi để có thể tiếp cận các nguồn vốn mới. Chúng tôi làm tất cả những việc này với mục tiêu thị trường vốn trở nên hoàn thiện hơn, thanh khoản cao hơn và hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư”.

Theo kế hoạch, khối doanh nghiệp nhà nước Indonesia sẽ chi 616.000 tỷ Rupiah (tương đương 46 tỷ USD) trong năm 2018 để xây dựng sân bay và đập thủy điện, cung cấp điện và đảm bảo thống nhất giá nhiên liệu trên cả nước. 

Trong khi đó, BUMN sẽ tập trung phát triển nhà ở, phát hành chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, bán thêm trái phiếu Komodo (trái phiếu quốc tế bằng đồng Rupiah, đặt theo tên loài thằn lằn nổi tiếng ở phía đông Indonesia), cũng như cổ phần hóa nhiều bệnh viện và khách sạn.

Đánh giá về chủ trương lớn này của chính phủ Indonesia, nhiều chuyên gia cảm thấy rất phấn khởi và lạc quan trước triển vọng đa dạng hóa của thị trường. Việc các doanh nghiệp nhà nước phải bước ra khỏi bàn tay bao bọc của chính phủ sẽ mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư (vì có nhiều lựa chọn hơn) và doanh nghiệp (vì phải hoạt động chuyên nghiệp hơn để đáp ứng kỳ vọng của nhà đầu tư).

Là nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á nhưng thị trường vốn Indonesia lại chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và có phần khiêm tốn so với một số nước láng giềng. 

Theo tính toán của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), quy mô thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Indonesia chỉ đạt 180 tỷ USD trong tháng 9/2018, trong khi của Malaysia là 299 tỷ USD. Mức vốn hóa thị trường chứng khoán Indonesia xấp xỉ 482 tỷ USD, còn Thái Lan là 507 tỷ USD, cho dù quy mô nền kinh tế Thái Lan chỉ bằng một nửa Indonesia.

Nguồn tín dụng trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu được xem là một rào cản khiến nhiều doanh nghiệp Indonesia gặp khó khăn trong việc huy động vốn, buộc họ phải chấp nhận rủi ro cao hơn khi đi vay bằng ngoại tệ. 

Bài toán này, theo ông Soemarno, sẽ được giải quyết một khi các doanh nghiệp nhà nước tạo lập được một thị trường trái phiếu Komodo, bởi “điều cốt lõi là tính thanh khoản và có nhiều tổ chức phát hành khác nhau từ các lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế”.

Tổng lực cả quốc gia

Nhận định về lộ trình triển khai chủ trương mới, ông Soemarno cho rằng các công ty trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng cần “lĩnh ấn tiên phong”, tiếp theo sau là hàng không và viễn thông; tất cả phải là những doanh nghiệp nhà nước uy tín, hoạt động hiệu quả nhất.

Theo BUMN, khối doanh nghiệp nhà nước đang chi phối rất nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế Indonesia, từ xây dựng cho đến viễn thông, xi măng với tổng tài sản trị giá 6.694 nghìn tỷ Rupiah. 

Trong thời gian tới, BUMN sẽ giao nhiệm vụ, triển khai một số kế hoạch sắp xếp, tái cơ cấu nhiều doanh nghiệp nhà nước, như sáp nhập khoảng 70 bệnh viện sắp chào bán công khai lần đầu vào năm tới; phát hành cổ phiếu lần đầu công ty con PT Patra Jasa (chuyên kinh doanh khách sạn và bất động sản) của công ty dầu mỏ PT Pertamina; công ty xây dựng PT Adhi Karya và đơn vị vận hành đường sắt PT Kereta Api Indonesia thành lập liên doanh để xây dựng tuyến đường sắt đô thị Jakarta; Listrik Negara xây dựng thêm 2.000 km đường truyền tại điện để cạnh tranh với các nhà máy điện tư nhân thu phí cao; huy động ngân sách để thực hiện mục tiêu phát 35.000 MW điện vào cuối năm 2019 của Tổng thống Joko Widodo…

Ông Soemarno nhận định: “Một đất nước rộng lớn, đa dạng như Indonesia cần sự ủng hộ của tất cả mọi người chứ không thể nào chỉ có chính phủ hành động một mình. Đôi khi tôi nghe mọi người hỏi tại sao doanh nghiệp nhà nước lại làm nhiều việc thế. Nhưng nếu chúng ta muốn cải thiện kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng ở một quốc gia như Indonesia thì các doanh nghiệp nhà nước cần phải sẵn sàng tham gia”.