Doanh nghiệp Nhật lao đao bởi đồng Yên mạnh

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Lợi nhuận ròng của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã giảm 25% trong vòng 6 tháng tính tới cuối tháng 9/2016, ghi nhận lần giảm đầu tiên trong 4 năm qua, bắt nguồn từ sự suy yếu của nhiều nền kinh tế đang nổi và đặc biệt là đồng Yên tăng giá mạnh.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang chịu nhiều sức ép khi đồng Yên tăng mạnh.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang chịu nhiều sức ép khi đồng Yên tăng mạnh.

Theo dữ liệu thu thập của Nhật báo kinh doanh Nikkei, lợi nhuận của 501 công ty chủ chốt niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Nhật Bản đã giảm xuống còn 3.620 tỷ Yên (tương ứng 34,5 tỷ USD). Nhóm các công ty này bao gồm 32% doanh nghiệp niêm yết hoạt động trong lĩnh vực phi tài chính.

Trong 6 tháng tính tới cuối tháng 9, tỷ giá trung bình của đồng Yên ở mức 105,2 Yên đổi 1 USD, so với mức 121,9 Yên của giai đoạn cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1999, thời điểm thị trường châu Á chấn động với cuộc khủng hoảng tài chính Nga.

Ước tính, chỉ cần đồng nội tệ Nhật Bản lên giá 1 đơn vị so với USD, thì lợi nhuận của các doanh nghiệp nước này có thể sụt giảm khoảng 0,5%.

Các nhà xuất khẩu của “đất nước mặt trời mọc” chính là những đối tượng đầu tiên gánh chịu hậu quả khi đồng Yên tăng giá. Lợi nhuận của các nhà chế tạo thiết bị chính xác ghi nhận mức giảm 19%, trong khi các nhà sản xuất máy móc điện tử cũng giảm 14%.

Cụ thể, lợi nhuận của Alps Electric “tụt dốc” tới 70% khi đồng Yên tăng giá vượt ngoài mức dự đoán là 110 Yên đổi 1 USD. Tỷ giá bất lợi của đồng nội tệ Nhật Bản cũng khiến lợi nhuận của Fujifilm Holdings giảm 30%, bất chấp doanh số bán trang thiết bị y tế và camera của hãng tăng mạnh.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại tại nhiều nền kinh tế đang nổi cũng tạo ra những “nỗi đau” mới với doanh nghiệp Nhật. Kawasaki Heavy Industries đã đánh mất cơ hội tăng cường đầu tư tại một liên doanh ở Brazil, nhà sản xuất thép JFE Holdings thì ghi nhận mức lỗ ròng đầu tiên trong 5 năm qua, khi giá thép đang phải vật lộn với bối cảnh nguồn cung dư thừa, còn Komatsu và Hino Motors chứng kiến lợi nhuận giảm 40% vì doanh số bán trang thiết bị xây dựng và xe tải đình trệ tại khu vực Trung Đông và Mỹ La-tinh.

Tập đoàn Honda là một trong số ít những điểm sáng hiếm hoi của doanh nghiệp “xứ Phù Tang” ghi nhận lợi nhuận tăng. Sự phổ biến của dòng ô tô Honda Civic mới ra mắt tại Trung Quốc hồi đầu năm nay đã giúp nâng doanh số bán toàn cầu của hãng tăng đáng kể, qua đó góp phần kéo lợi nhuận của Honda tăng 12% trong nửa đầu năm nay.

Giới phân tích dự báo, lợi nhuận ròng của nhiều doanh nghiệp Nhật có thể còn chịu nhiều tác động hơn nữa nếu đồng Yên tiếp tục tăng giá, tùy thuộc vào chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống sắp diễn ra tại Mỹ.

Trước tình hình này, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã điều chỉnh các kịch bản lợi nhuận của mình quanh mức 100 Yên đổi 1 USD, tức mạnh hơn mức tỷ giá hiện tại là 105 Yên đổi 1 USD.

Nhìn chung, các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, dù nhu cầu tiêu thụ hàng hóa có được cải thiện thì lợi nhuận kinh doanh vẫn khó dự đoán chính xác trước những diễn biến bất lợi của đồng nội tệ, ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu của họ.

Riêng đối với các doanh nghiệp Việt Nam, sự tăng giá của đồng Yên Nhật cũng được coi là một tín hiệu không mấy tích cực, khi họ phải bỏ ra nhiều tiền hơn để mua hàng hóa từ Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản là nhà tài trợ song phương lớn nhất của Việt Nam, vì vậy, việc đồng Yên tăng giá mạnh từ đầu năm đến nay khiến chi phí vay nợ của Chính phủ và của doanh nghiệp Việt Nam tăng lên đáng kể.

Chẳng hạn, công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý III với khoản lỗ chênh lệch tỷ giá ngoại tệ là 84,6 tỷ đồng. Với đa phần các khoản vay bằng đồng Yên Nhật, lỗ tỷ giá là một trong những lý do khiến PPC có lợi nhuận sau thuế âm hơn 348 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 443,4 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khó khăn đối với người này lại được coi là cơ hội của người kia. Với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, sự tăng giá của đồng Yên là cơ hội để họ đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản nhờ lợi thế VND rẻ hơn, nhất là các doanh nghiệp đồ gỗ hay dệt may.

Trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu biến động không ngừng, việc dự đoán trước biến động tỷ giá để lựa chọn đồng tiền thanh toán, giao dịch là rất khó. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp phải có biện pháp phòng ngừa biến động và sẵn sàng với các kịch bản tỷ giá khác nhau.