Doanh nghiệp quốc doanh - “Xương sống” của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu

Theo daibieunhandan.vn

Lâu nay, các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) vẫn được coi là “xương sống” của nền kinh tế Trung Quốc. Đáng chú ý, có tới 59 doanh nghiệp trong khối này như CNOOC hay SINOPEC còn nằm trong danh sách 500 tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới của tạp chí Forbes năm 2011. Tuy nhiên, có vẻ như “xương sống” của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này hiện đang suy yếu khi tỷ lệ sinh lời trên doanh thu của các SOE bắt đầu giảm, và nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thua lỗ kéo dài cho dù họ vẫn nhận được nhiều hỗ trợ từ chính quyền các cấp và đang hưởng lợi nhờ vị thế độc quyền của mình.

Doanh nghiệp quốc doanh - “Xương sống” của nền kinh tế Trung Quốc suy yếu
Lâu nay, các doanh nghiệp quốc doanh (SOE) vẫn được coi là “xương sống” của nền kinh tế Trung Quốc. Nguồn: Internet

“Xương sống” đang suy yếu

Đến cuối năm 2011, Trung Quốc có 144.700 SOE, với tổng giá trị tài sản lên tới 85.400 NDT, trong đó phần lớn các SOE do chính quyền địa phương quản lý. Các SOE này đã tạo ra 39.250 tỷ NDT doanh thu và 2.600 tỷ NDT lợi nhuận, chiếm khoảng 43% tổng lợi nhuận công nghiệp và kinh doanh của nước này.

Theo tờ “China Economic Review”, lợi nhuận của các SOE chủ yếu vẫn đến từ một vài SOE chủ chốt như PetroChina và China Mobile – những tập đoàn có thể gặt hái lợi nhuận lớn nhờ “vị thế độc quyền” của họ. Và “vị thế độc quyền” của các SOE cũng chính là một trong những lợi thế lớn nhất của khối doanh nghiệp này.

Bên cạnh đó, các SOE cũng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của Chính phủ và có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng hơn so với các doanh nghiệp khác. Trong bài viết trên tờ “The Diplomat” gần đây, chuyên gia Eve Cary của Viện Brookings cho biết trên thực tế, năm 2009, có tới 85% các khoản tín dụng được cấp cho các SOE bởi vì, bản thân nhiều ngân hàng cũng thuộc sở hữu nhà nước và họ được chỉ đạo là cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp nhà nước khác. Các SOE có thể thu hút vốn với chi phí rẻ hơn và trả lãi suất thấp hơn cho các khoản vay.

Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã, các số liệu thống kê của Bộ Tài chính Trung Quốc cho thấy lợi nhuận trong năm 2012 của các SOE (bao gồm cả các SOE do chính quyền trung ương và các SOE do chính quyền địa phương quản lý) chỉ đạt 2.200 tỷ NDT (348,56 tỷ USD), giảm 5,8% so với năm trước đó, cho dù tổng doanh thu của khối doanh nghiệp này trong năm ngoái tăng 11% lên 42.380 tỷ NDT. Điều này cho thấy tỷ suất sinh lời trên doanh thu của khối doanh nghiệp này đang giảm.

Đáng chú ý, lợi nhuận năm 2012 của các SOE do các chính quyền địa phương quản lý giảm tới 15,8% so với năm 2011 xuống còn 691,42 tỷ NDT cho dù tổng doanh thu của các doanh nghiệp này tăng tới 11,6%, trong khi lợi nhuận của các SOE do chính quyền trung ương quản lý chỉ giảm 0,4% xuống còn 1.500 tỷ NDT.

Trong số các SOE thua lỗ, đáng chú ý có nhiều tập đoàn lớn. Chẳng hạn, tập đoàn đóng tàu lớn nhất Trung Quốc, China COSCO Holdings Co., là doanh nghiệp đứng đầu danh sách các doanh nghiệp thua lỗ khi bị lỗ tới 9,56 tỷ NDT trong năm 2012 sau khi đã bị thua lỗ 10,45 tỷ NDT trong năm 2011. Tiếp theo là Tập đoàn Nhôm Trung Quốc – nhà sản xuất nhôm lớn nhất nước này – và Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc, với số lỗ tương ứng là 8,23 tỷ NDT và 6,95 tỷ NDT.

Bước sang năm 2013, triển vọng sinh lời của các SOE do địa phương quản lý cũng không mấy sáng sủa hơn. Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng lợi nhuận của khối SOE chỉ tăng 5,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng 7,7% trong cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, tổng lợi nhuận của các SOE do chính quyền địa phương quản lý tiếp tục giảm 14,7% xuống còn 152,89 tỷ NDT.

Trong bài viết trên trang caixin.com, Yang Zheyu, một người đã từng là Phó tổng Biên tập của trang “Cải cách Trung Quốc”, cho biết năm 2011, Viện Nghiên cứu Kinh tế Unirule, một tổ chức nghiên cứu độc lập nổi tiếng ở Trung Quốc, đã từng công bố một báo cáo chi tiết, trong đó khẳng định nếu không có các chính sách giảm thuế, trợ cấp và các hỗ trợ khác từ chính quyền các cấp, khối SOE sẽ lỗ. Cho dù sau đó, một phát ngôn viên của SASAC khẳng định rằng các tính toán trong báo cáo này là sai nhưng điều này cũng đặt ra những vấn đề về tính hiệu quả của các SOE.

Đâu là nguyên nhân?

Nhà nghiên cứu cao cấp Li Jin thuộc Viện Nghiên cứu Doanh nghiệp Trung Quốc (CERI) cho rằng sự suy giảm đà tăng trưởng của khối SOE là do tình trạng thừa công suất, khâu kiểm soát chi phí không hiệu quả và tiến độ nâng cấp công nghiệp diễn ra chậm. Li nói: “Các SOE có lợi nhuận giảm chủ yếu hoạt động trong các ngành công nghiệp truyền thống chứ không phải các ngành công nghệ cao hay các ngành công nghiệp mới nổi. Họ vẫn chủ yếu phụ thuộc vào việc mở rộng đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng và dễ bị tác động bởi những thay đổi trong chu kỳ kinh tế”.

Trong khi đó, chuyên gia Cary cho rằng có hàng loạt vấn đề về cơ cấu và tổ chức tại các SOE. Theo Tân Hoa Xã, kết quả kiểm toán đối với 10 SOE do trung ương quản lý mà Văn phòng Kiểm toán Quốc gia của Trung Quốc công bố hồi tháng 5.2013 cho thấy có rất nhiều vấn đề tại các SOE này như công tác kế toán không chính xác, các báo cáo tài chính không đầy đủ hay quản lý yếu kém các quyết định đầu tư.

Bên cạnh đó, theo Văn phòng Kiểm toán Quốc gia, một số SOE, trong đó có China Mobile và China Huaneng Group, đã vi phạm các luật thuế khi trả cho các nhân viên “các khoản lợi vô hình” như thẻ thành viên phòng tập hay bảo hiểm nhân thọ và điều này cho phép họ có thể chuyển “các nguồn lực công” mà không cần phải nộp thuế.

Theo ông Wen Zongyu, Giám đốc Viện Nghiên cứu Khoa học Tài chính thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc, một nguyên nhân khác dẫn tới tỷ lệ sinh lời của các SOE này là họ có ngân sách khổng lồ nhưng lại quản lý kém. Các số liệu của Bộ Tài chính cho thấy trong 4 tháng đầu năm, chi phí hoạt động của các SOE do chính quyền địa phương quản lý tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi con số này đối với các SOE do chính quyền trung ương quản lý chỉ là 8,8%.

Trong bối cảnh đó, ông Wen cho rằng các SOE cần phải hành động nhanh chóng hơn để xóa bỏ tình trạng thừa công suất, tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm của họ và hoàn thiện hệ thống quản lý để giảm chi phí. Điều quan trọng hơn là các SOE cần phải tìm ra động lực để tiếp tục các cuộc cải tổ và nâng cấp công nghệ nhằm ngăn bản thân họ không rơi vào “vùng biển động”.

Theo bà Cary, tất nhiên, các SOE hài lòng với tình trạng hiện nay và là những đối tượng phản đối các cuộc cải cách kinh tế. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng “cải cách là cần thiết nếu nền kinh tế này (Trung Quốc) phát triển hơn nữa và điều này cũng đã được công nhận rộng rãi bởi ban lãnh đạo Trung Quốc”.