Đối thoại ASEAN - Ấn Độ lần thứ 8: Tìm kiếm mô hình mới

Theo daibieunhandan.vn

Diễn ra sau khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa thành lập và ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới, mang lại nhiều cơ hội mới với một thị trường 622 triệu dân, Đối thoại Delhi lần thứ 8 với chủ đề “Mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ: Một mô hình mới” được đánh giá là cơ hội để hai bên tăng cường quan hệ đối tác chiến lược.

Đối thoại Delhi lần thứ 8 với chủ đề “Mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ: Một mô hình mới” được đánh giá là cơ hội để hai bên tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Nguồn: internet
Đối thoại Delhi lần thứ 8 với chủ đề “Mối quan hệ ASEAN - Ấn Độ: Một mô hình mới” được đánh giá là cơ hội để hai bên tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Nguồn: internet

Tìm kiếm mô hình mới

Ấn Độ và ASEAN có tiềm năng lớn trong việc tạo ra các chuỗi giá trị khu vực như là một lực đẩy cho hội nhập kinh tế khu vực. Chính vì vậy, trong khuôn khổ cuộc đối thoại, phiên thảo luận của các doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực sản xuất tại Ấn Độ, đặc biệt là giới thiệu sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” (Make in India) và những khía cạnh của việc cùng sản xuất giữa Ấn Độ và ASEAN. Cụ thể là xác định những lĩnh vực hai bên có thể bổ trợ cho nhau; xác định những rào cản trong hợp tác cùng sản xuất giữa hai bên và tìm ra cách thức giải quyết; thảo luận về các hiệp định thương mại khu vực như Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP); đầu tư vào cơ sở hạ tầng; giao dịch thương mại qua biên giới và các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Trong khi đó, phiên thảo luận cấp bộ trưởng tập trung vào chủ đề “Kết nối: Xây dựng con đường hướng tới tương lai chung” và “Cộng đồng kinh tế ASEAN và Ấn Độ: Xây dựng các chuỗi giá trị khu vực”. Tại đây, Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nhấn mạnh năm 2015 đã chứng kiến nhiều diễn tiến quan trọng trong mối quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ. Bà Sushma Swaraj khẳng định những Ấn Độ và ASEAN là hai điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu còn bấp bênh và Cộng đồng ASEAN đã mở ra nhiều cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế - xã hội chung.

Cuộc thảo luận của các học giả thì tập trung vào chủ đề an ninh khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông; hợp tác ASEAN - Ấn Độ và sự năng động của kinh tế biển; tăng cường các mối quan hệ dân sự và hướng tới lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ.

Nền tảng vững chắc

ASEAN và Ấn Độ thiết lập quan hệ đối thoại vào năm 1992 và nâng lên thành quan hệ đối thoại đầy đủ từ tháng 12.1995. Đặc biệt, tháng 12.2012, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Độ đã trở thành điểm mốc mang tính bước ngoặt trong quan hệ hai bên với tuyên bố nâng quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên đối tác chiến lược. Từ đó, Ấn Độ đã tiến hành các hội nghị cấp cao thường niên với ASEAN. Năm 2003, Ấn Độ chính thức tham gia “Hiệp định hợp tác và thân thiện” (TAC) của ASEAN. Tháng 11.2004, ASEAN - Ấn Độ thông qua Tuyên bố “Đối tác vì hòa bình, tiến bộ và thịnh vượng chung” và kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố chung.

Nhìn vào chặng đường hơn hai thập kỷ qua, có thể thấy quan hệ giữa ASEAN và Ấn Độ đã không ngừng được mở rộng và phát triển trên mọi lĩnh vực.

Trong lĩnh vực hợp tác chính trị - ngoại giao, tăng cường quan hệ với ASEAN là một trong những trọng tâm của chính sách “hướng Đông” của Ấn Độ và đã được các quan chức cao cấp Chính phủ Ấn Độ khẳng định nhiều lần. Thực tế mối quan hệ này đã đạt được những bước tiến lớn kể từ khi Ấn Độ ban hành chính sách “hướng Đông” năm 1991. Năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, “Chính sách hướng Đông” của Ấn Độ đã chuyển thành “Hành động phía Đông”, thể hiện sự chủ động hơn của Ấn Độ trong việc tăng cường quan hệ giữa hai cực tăng trưởng trong một châu Á đang nổi lên.

Trong hợp tác kinh tế, ngay từ đầu, chính sách “hướng Đông” được Ấn Độ đưa ra năm 1991 với mục tiêu tăng cường quan hệ toàn diện với các nước ASEAN, trong đó đặc biệt coi trọng lĩnh vực kinh tế. Từ đó đến nay, ASEAN và Ấn Độ thu được những thành quả to lớn trong hợp tác kinh tế. Đặc biệt, sau khi quan hệ của Ấn Độ với ASEAN được nâng lên cấp đối thoại toàn diện, hai bên nhất trí thành lập Hội đồng hợp tác chung ASEAN - Ấn Độ và Nhóm làm việc về thương mại, đầu tư. Hiện thương mại hai chiều ASEAN - Ấn Độ đã tăng gấp 20 lần so với thời điểm năm 1992. Hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên mức 200 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư hai chiều đang gia tăng với các dự án đầu tư của ASEAN ở Ấn Độ trong giao đoạn 2007 - 2015 là 32,4 tỷ USD, trong khi đầu tư của Ấn Độ vào ASEAN đạt 38,6 tỷ USD.

Ấn Độ và ASEAN đã ký Hiệp định tự do thương mại (FTA) về hàng hóa năm 2009 và đi vào hoạt động tháng 8.2011. Tháng 9.2014, Ấn Độ và ASEAN chính thức ký kết FTA về dịch vụ và đầu tư. Hai bên khẳng định quyết tâm tham gia tích cực trong đàm phán Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); gia tăng kết nối về cả hàng không, hàng hải, đường bộ và kỹ thuật số, xây dựng Hành lang Kinh tế Mekong - Ấn Độ; phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa… Hai bên cũng đã hoàn tất việc triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011 - 2015 và nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ thông qua việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch Hành động mới giai đoạn 2016 - 2020.