Đồng bạc xanh sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tiếp theo?

Theo CNBC

6 tháng cuối năm 2013, thị trường sẽ rộ lên dự đoán Mỹ tiến tới chấm dứt chính sách tiền tệ nới lỏng và điều này có thể đẩy đồng USD tăng vọt trong ít nhất là 5 năm tới. Và, cuối cùng thì các thị trường mới nổi sẽ lâm vào 1 cuộc khủng hoảng với dòng tiền nóng bị rút ra ồ ạt. Đây là nhận định vừa được chuyên gia kinh tế độc lập Andy Xie đưa ra.

 Đồng bạc xanh sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tiếp theo?
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo dự báo của Xie, Dollar index - chỉ số đo lường diễn biến của đồng bạc xanh so với các đồng tiền còn lại trong rổ tiền tệ - sẽ tăng lên mức 100 điểm trong vòng 3 năm tới, tăng 25% so với mức hiện tại. Chỉ số này tăng giá bởi nền kinh tế Mỹ đã có những dấu hiệu hồi sinh: hoạt động sản xuất tháng 1 chạm mốc cao nhất 9 tháng và có thể đặt dấu chấm hết cho các chương trình nới lỏng định lượng được Cục dự trữ liên bang (Fed) liên tục tung ra trong thời gian qua.

Cựu chuyên gia kinh tế của Morgan Stanley cho rằng đồng USD tăng giá sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tại các nền kinh tế mới nổi, giống như những gì đã diễn ra ở các nước Mỹ Latinh trong những năm 1990 và ở châu Á năm 1997. Khi đó, USD tăng giá so với đồng nội tệ của các nước và dẫn đến nợ nước ngoài tăng đột biến.

 “Trong suốt 10 năm qua, đồng USD liên tục giảm giá so với các đồng tiền khác. Dòng tiền nóng đổ vào các thị trường mới nổi tạo ra bong bóng tài sản. Khi đồng USD quay đầu tăng giá, thanh khoản cũng không còn và tạo ra 1 vòng tròn luẩn quẩn”, ông bổ sung thêm. 

Các nước BRIC (gồm Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc) đã trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn quốc tế. Do đó, đây cũng là những nước dễ bị ảnh hưởng nhất. Xie cho rằng Brazil và Ấn Độ là những nước chịu nhiều rủi ro nhất bởi đây là 2 nước tiếp nhận dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều nhất.
Ở Brazil, các nhà đầu tư nước ngoài là 1 bộ phận không nhỏ hoạt động trên thị trường trái phiếu. Theo dữ liệu từ Reuters, khối ngoại hiện nắm giữ khoảng 12,3% lượng trái phiếu.

Trong khi đó, ở Ấn Độ, các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng đối với thị trường chứng khoán nước này khi tạo ra tới 30% lợi nhuận của toàn thị trường. Năm ngoái, dòng vốn đầu tư từ các định chế tài chính nước ngoài đạt 23 tỷ USD – mức cao thứ 2 từ trước đến nay. 

Tuy nhiên, khi đồng USD mạnh trở lại, tất cả các giao dịch này sẽ bị đảo ngược và khiến đồng nội tệ của các nước mới nổi lao dốc, lạm phát và lãi suất đều tăng trong khi trái phiếu chính phủ giảm giá. 

Mặc dù vậy, một số chuyên gia vẫn cho rằng hiện nay các nền kinh tế mới nổi đã khỏe mạnh hơn so với trong quá khứ và do đó có thêm sức đề kháng trước việc dòng vốn bị rút ra ồ ạt. 

Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế cao cấp đến từ Credit Agricole, bác bỏ lập luận cho rằng đồng nội tệ của các nước mới nổi dễ bị tác động bởi xu hướng dịch chuyển của dòng vốn. Ông cho rằng mặc dù đồng USD sẽ tăng giá so với euro và yên, tiền tệ của các nước mới nổi vẫn sẽ tăng giá so với USD do nền tảng kinh tế khỏe mạnh. 

Theo dự đoán của Credit Agricole, trong 3 năm tới, đồng rupee của Ấn Độ và đồng real của Brazil sẽ tăng giá lần lượt 7% và 5,5% so với đồng USD.