Đồng Euro - Số 1 bất thành

Theo Đại biểu Nhân dân

Nhiều nước đang phát triển đang giảm mạnh việc nắm giữ đồng euro khi bất ổn kinh tế ở châu Âu dường như chưa thể tìm lối thoát. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ đồng euro trong dự trữ tiền tệ của những nước này đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ qua.

Đồng Euro - Số 1 bất thành
Ảnh minh họa. Nguồn: The English Blog

Khi đồng euro lần đầu tiên được đưa vào phát hành ngày 1/1/1999, nhiều người đã hy vọng rằng nó sẽ nhanh chóng trở thành đối thủ nặng ký của đồng USD dưới tư cách là loại tiền tệ dự trữ hàng đầu. Hồi đầu, đây không phải là một giấc mơ phi thực tế khi mà nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu tích đầy két đồng tiền chung của châu Âu này. Thực tế, đồng euro đã trở thành một loại tiền lưu thông lớn nhất trên thế giới. Tính đến tháng 1 năm nay, tổng số tiền lưu thông của euro trị giá khoảng 1.196 nghìn tỷ USD, vượt hơn đồng USD.

Dẫu vậy, xu thế đó giờ đang có vẻ bắt đầu đảo ngược. Trong thời kỳ khủng hoảng, các nước đang phát triển bắt đầu tìm kiếm ở những nơi khác cho nhu cầu tiền tệ dự trữ của mình và hơn một năm rưỡi qua, họ đã bắt đầu bỏ rơi dần đồng euro. 

Đây là thông điệp ghi trong báo cáo mới nhất được công bố trên báo chí của IMF về tình hình dự trữ tiền tệ của các quốc gia trên thế giới. Theo như báo cáo, các nền kinh tế đang phát triển bắt đầu giảm khoảng 45 tỷ euro trong kho dự trữ của mình vào năm 2012 và đã bán gần 90 tỷ USD trị giá của đồng euro kể từ quý II/2011.

Hiện nay, cơ cấu tài sản tiền tệ hiện nay của các nước đang phát triển là đồng USD  chiếm khoảng 62% trong khi đồng euro chỉ là 24%. Đây là mức thấp nhất trong một thập kỷ qua. Nhiều nước có xu hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng euro và chuyển dự trữ sang đồng yen Nhật, đồng bảng Anh và đồng đô la Australia. Một số chuyên gia còn nhận định, đồng ruble của Nga cũng có thể xuất hiện trong danh sách trên.

Báo cáo của IMF chỉ ra rằng sự tụt dốc gần đây trong việc nắm giữ đồng euro đã gây ra một sự đổ vỡ sau một thập kỷ tăng trưởng của đồng tiền này trong kho dự trữ của các nước đang phát triển khi họ chỉ còn giữ 1/4 ngoại hối dự trữ của mình bằng đồng euro. Theo như Financial Times, đây quả là một mức giảm đáng kể nếu so với tỷ lệ 31% vào năm 2009.

Những số liệu đó ngụ ý rằng cuộc khủng hoảng đồng euro đang diễn ra, vốn là hậu quả của tình trạng nợ chính phủ quá cao ở một vài nước thuộc liên minh tiền tệ chung, đã làm xói mòn niềm tin của thế giới vào đồng euro.

Thực sự, nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung không biết bao giờ mới thoát khỏi sự trì trệ để phục hồi khi mà một số thành viên đang phải vật lộn với những chương trình thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt. Các vấn đề liên tục xuất hiện tại các nước thành viên của Eurozone và EU, từ vấn đề nợ của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Italy… chưa giải quyết xong, nay lại đến vấn đề của Cộng hòa Cyprus. Chắc chắn, Eurozone vẫn đang trong nguy cơ tiếp tục suy thoái kinh tế trong năm nay.

Hơn nữa, tình hình càng chẳng mấy sáng sủa khi nhiều nước Bắc Âu, đặc biệt là nước Đức, lại tỏ ra chẳng mấy mặn mà đối với các chương trình kích thích kinh tế tốn kém. Quan điểm đó đã được nhấn mạnh hồi đầu tuần trong cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Kinh tế Đức Philipp Rosler do Hãng thông tấn Đức thực hiện. Theo ông này, những chương trình kiểu như vậy không có ý nghĩa gì cả mà cái châu Âu cần là các cải cách cấu trúc và những ngân sách có trách nhiệm. Để làm được điều đó cần phải có chương trình thắt lưng buộc bụng thành công.

Trong thời gian đó, việc nắm giữ đồng USD ở các nền kinh tế đang phát triển tiếp tục tăng. Khi trả lời phỏng vấn của tờ Financial Times về những đánh giá của mình đối với bản báo cáo mới đây của IMF, ông Jeffrey Frankel, giáo sư kinh tế học thuộc trường quản lý Kennedy thuộc Harvard cho biết: đồng euro sẽ là đồng tiền đứng thứ hai nhưng tôi chưa thấy một triển vọng nào cho thấy nó vượt lên được đồng USD.

Sức hấp dẫn của đồng euro ngày một giảm xuống còn bởi những thay đổi lớn trên thế giới đã thúc đẩy những loại tiền tệ mới ở các thị trường mới nổi mà những đồng tiền này sẽ thách thức cả đồng USD và đồng euro. Ông Edwin Truman, một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Peterson ở Washington, cho rằng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng đồng euro sẽ khiến tốc độ tăng trưởng chậm lại, lãi suất sẽ duy trì ở mức thấp và sự hấp dẫn chung của những tài sản của đồng euro sẽ thấp.

Trong khi đó, thế giới lại đang hướng tới một hệ thống đa tiền tệ. Chẳng hạn, mới đây, Trung Quốc và Brazil đã ký một hợp đồng hoán đổi tiền tệ trị giá 30 tỷ USD. Theo đó, mỗi bên có thể vay đồng tiền của nhau trong trường hợp xảy ra những khủng hoảng trong hệ thống tài chính quốc tế.

Theo Chủ tịch Ngân hàng thế giới R.Zoellick, nền kinh tế toàn cầu đang chuyển nhanh sang hệ thống đa cực mới với sự nổi lên của nhiều quốc gia đang phát triển, vì vậy cần khuyến khích các nền kinh tế mới nổi “quốc tế hóa” đồng tiền của họ, và đưa các đồng tiền này vào “rổ” tiền tệ SDR (Quyền rút vốn đặc biệt) của IMF, nhằm góp phần giảm sự mất cân bằng toàn cầu.

Hiện nay SDR mới chỉ gồm các đồng tiền chủ chốt là USD, euro, yen Nhật và bảng Anh, do vậy đưa một đồng tiền như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và đồng tiền của một số quốc gia đang nổi khác vào quỹ tài sản dự trữ nhằm bảo đảm sự ổn định trong hệ thống tiền tệ quốc tế là rất cần thiết.