Đồng minh mong manh

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Dựa trên các lợi ích chung trong khu vực và vấn đề dầu lửa, quan hệ đồng minh Mỹ - Ảrập Xêút là lẽ đương nhiên. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Đông đầy biến động, liên kết giữa hai nước trở nên mong manh.

Dựa trên các lợi ích chung trong khu vực và vấn đề dầu lửa, quan hệ đồng minh Mỹ - Ảrập Xêút là lẽ đương nhiên. Nguồn: internet
Dựa trên các lợi ích chung trong khu vực và vấn đề dầu lửa, quan hệ đồng minh Mỹ - Ảrập Xêút là lẽ đương nhiên. Nguồn: internet

Mỹ và Ảrập Xêút thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1940, trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Các mỏ dầu rất lớn được phát hiện dưới lòng đất của Ảrập Xêút trong thập niên 30 của thế kỷ trước đã giúp vương quốc này trở thành đối tác chính của Mỹ, nước vốn rất khát nhiên liệu. Mặc dù vậy, hai bên đã sớm vấp phải bất đồng.

Riyadh thường xuyên phối hợp với Washington để bảo vệ các lợi ích của Mỹ. Tuy nhiên, ý định của Tổng thống Barack Obama muốn ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran, kẻ thù không đội trời chung của Ảrập Xêút, cũng như cam kết của Nhà Trắng về việc sẽ đưa Mỹ trở nên độc lập về năng lượng, đã làm phức tạp mối quan hệ Mỹ- Ảrập Xêút.

Marina Ottaway, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu quốc tế Woodrow Wilson nhận định, điều quan trọng nhất trong quan hệ này là cả hai bên đều cần đến nhau. Ảrập Xêút vẫn rất quan trọng đối với Mỹ về mặt an ninh năng lượng, còn Ảrập Xêút cảm thấy cần sự bảo vệ của Mỹ.

Với Mỹ, Ảrập Xêút nắm chìa khóa thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực Trung Đông đầy rối ren, do vị thế về mặt tinh thần - nước bảo vệ hai di tích linh thiêng nhất của người Hồi giáo. Trong vụ Iraq đánh chiếm Kuwait năm 1991, Washington đã mở chiến dịch Bão táp sa mạc từ các căn cứ không quân đặt tại các vị trí chiến lược của Ảrập Xêút. Trong phát biểu đánh giá cao người bạn thân thiết, Quốc vương Ảrập Xêút Abdullah vừa băng hà, cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cho hay, đó là giai đoạn hợp tác độc nhất vô nhị giữa hai nước lớn.

Tuy nhiên, theo bà Ottaway, Riyadh chưa bao giờ thực sự bỏ qua cho Washington về việc lật đổ chế độ độc tài Saddam Hussein năm 2003 tại Iraq, vì Ảrập Xêút cho rằng đây là sai lầm lớn khi mở ra cánh cửa để Iran gây ảnh hưởng ở khu vực. Quan hệ giữa hai nước còn trở nên căng thẳng hơn sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001, vì 15/19 tên không tặc là công dân Ảrập Xêút.

Song, hàng loạt vụ khủng bố đẫm máu tại Ảrập Xêút năm 2003 đã thúc đẩy Riyadh trở thành một đồng minh vững chắc hơn của Mỹ trong cuộc chiến chống al-Qaeda. Bên cạnh đó, các máy bay tiêm kích của Ảrập Xêút nằm trong số những lực lượng đầu tiên đến hỗ trợ Không quân Mỹ hồi tháng 9 năm ngoái, nhằm oanh kích lực lượng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria.

Mặc dù vậy, Riyadh đã chỉ trích Washington không can thiệp bằng vũ lực để lật đổ nhà lãnh đạo Syria Bashar al-Assad, kẻ thù xưa nay của Ảrập Xêút, gây ra căng thẳng ngấm ngầm giữa hai nước. Theo nhận định của Salman Shaikh, Giám đốc Trung tâm Brooking Doha ở Washington, quan hệ giữa Mỹ - Ảrập Xêút sẽ không bao giờ được như xưa, nhất là trong một môi trường đầy biến động ở Trung Đông.

Trong số những chủ đề gây bất đồng giữa hai đồng minh truyền thống này, ông Shaikh nêu ra sự bất lực của Tổng thống Obama trong việc thực hiện những lời hứa tái lập quan hệ giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo, hoặc mối liên hệ chặt chẽ giữa Washington với Israel. Thêm vào đó, kể từ khi xảy ra cú sốc dầu mỏ sau cuộc chiến Trung Đông năm 1973, Ảrập Xêút  đã nhận ra vai trò quan trọng của nước này trong khu vực và thế giới, với vũ khí lợi hại trong tay là dầu mỏ. Thời gian gần đây, khi Mỹ tăng sản lượng khai thác dầu, lẽ ra Ảrập Xêút cần cắt giảm nguồn cung dư thừa để duy trì sự cân đối lành mạnh, thì Riyald lại làm điều ngược lại.

Bất đồng lớn khác xuất hiện trong quan hệ Mỹ - Ảrập Xêút là việc  Mỹ nhượng bộ Iran trong đàm phán hạt nhân. Nhiều chuyên gia cho rằng, Ảrập Xêút và Iran đang xảy ra Chiến tranh lạnh. Trong tất cả các vấn đề lớn của khu vực, mỗi lợi thế mà Tehran giành được thì Riyadh coi như thất bại của mình. Mỹ và các nước châu Âu đã mất nhiều tháng để đưa ra những đề nghị về kinh tế cho Tổng thống Iran Hassan Rowhani có quan điểm ôn hòa, nhằm xoa dịu những nhân vật theo đường lối bảo thủ ở Tehran chấp nhận đạt thỏa thuận hạt nhân lâu dài với phương Tây. Tuy nhiên, đối với Ảrập Xêút, ông Rowhani chỉ là hiện thân của chế độ đang tìm cách thống trị Trung Đông. Tham vọng bá chủ khu vực của Iran thậm chí còn khiến Ảrập Xêút lo ngại hơn nhiều so với chương trình hạt nhân của nước này.

Karen Elliot House, chuyên gia về Ảrập Xêút dự báo thời gian tới không tác nhân nào có thể giúp cải thiện mối quan hệ. Ý định của ông Obama muốn thúc đẩy vấn đề hạt nhân Iran bị Riyadh coi là mối nguy lớn nhất từ bên ngoài và tình hình hỗn loạn những ngày gần đây tại quốc gia láng giềng Yemen càng làm tăng quan ngại.