Đồng tiền của Trung Quốc sau 1 tháng vào giỏ tiền tệ quốc tế

Theo baochinhphu.vn

Ngày 30/9, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ban hành giỏ tiền tệ quốc tế mới, trong đó có đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc. Sau 1 tháng, dù thời gian chưa nhiều nhưng diễn biến tỉ giá của đồng tiền này có một số điểm đáng chú ý.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Vào ngày 26/10, tỉ giá tham chiếu của CNY được ấn định ở mức 6,7705 CNY/USD, tăng nhẹ so với tỉ giá tham chiếu 6,7742 CNY/USD áp dụng cho phiên giao dịch trước đó.

Động thái điều chỉnh nâng tỉ giá được tiến hành sau một vài thông tin lạc quan về tình hình kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là dữ liệu về tăng trưởng GDP và “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu tính sơ bộ cho cả tháng 10 và trong 10 tháng vừa qua, CNY giảm khá mạnh so với USD và liên tục dò đáy mới.

Xu hướng giảm giá của CNY so với USD được các nhà quản lý ngoại hối của Trung Quốc lý giải là do USD mạnh lên và cơ chế tỉ giá của Trung Quốc đang từng bước được vận hành theo diễn biến trên thị trường, giảm dần sự can thiệp trực tiếp của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.

Một số chuyên gia cũng cho rằng, CNY không ổn định trong ngắn hạn là do USD mạnh lên, song CNY khó bị mất giá đột ngột nhờ tăng trưởng kinh tế ổn định, dự trữ ngoại hối lớn và tình hình tài chính cân bằng.

Thông tin hỗ trợ cho nhận định này được bắt nguồn từ dữ liệu kinh tế mới được công bố là GDP của Trung Quốc tăng 6,7% trong 3 quý liên tiếp, tương đương với dự báo GDP năm 2016 do Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra, thậm chí cao hơn dự báo do IMF đưa ra là chỉ tăng 6,6%.

Ngoài ra, một thông điệp có tác dụng trấn an thị trường là thông tin do Tân Hoa Xã đưa ra vào ngày 26/10/2016 khi dẫn số liệu của Ủy ban Giám sát và Quản lý ngân hàng Trung Quốc cho biết, tính tới cuối tháng 9/2016, tổng tài sản trong nước của các ngân hàng Trung Quốc đạt 217.300 tỷ CNY (tương đương 32.100 tỷ USD), tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, tổng tài sản của 5 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc chiếm 79.500 tỷ CNY(tương đương 11.740 tỷ USD), tăng 8,1%.

Tuy nhiên, áp lực CNY mất giá vẫn hiện hữu, khi tỉ giá giao dịch trên thị trường thấp hơn nhiều so với tỷ giá chính thức do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc công bố. Trên thị trường tài chính phố Wall, ngày 27/10/2016, CNY được giao dịch ở mức 6,7824 CNY/USD và đang tiếp tục mất giá. Xu hướng lao dốc của CNY buộc Trung Quốc phải điều chỉnh giảm dần tỉ giá tham chiếu để tránh những biến động bất ngờ trên thị trường tài chính, đồng thời sử dụng công cụ truyền thông để trấn an thị trường và các nhà đầu tư.

Về tỉ giá, CNY liên tục mất giá cũng làm nghi ngờ về năng lực cạnh tranh thực sự của nền kinh tế này, và dường như Trung Quốc đã đuối hơi sau những cố gắng tối đa để đưa CNY vào giỏ tiền định giá dự trữ quốc tế. Ngay sau khi được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, CNY đã lao dốc mạnh và Ngân hàng Trung ương Trung Quốc buộc phải điều chỉnh giảm dần giá trị của đồng tiền này so với USD.

Thị trường kỳ vọng, sau khi CNY được đưa vào giỏ SDR, Chính phủ Trung Quốc sẽ không can thiệp vào thị trường tài chính và tỉ giá CNY như hiện nay. Tuy nhiên, nguy cơ CNY bị mất giá mạnh theo xu hướng của những bản tệ khác trên thế giới hoàn toàn có thể xảy ra mà nguyên nhân cơ bản là kinh tế Trung Quốc còn chưa thực sự bền vững.