Dự báo nền kinh tế toàn cầu đến năm 2030

Theo kinhtevadubao.com.vn/bloomberg.com

(Tài chính) Theo dự báo kinh tế vĩ mô mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) về triển vọng trong 15 năm tới của nền kinh tế thế giới, thì một số thị trường mới nổi sẽ vụt sáng, ưu thế của Mỹ giảm đi và một số nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ tụt lại phía sau.

Dự báo cho biết, Mỹ vẫn sẽ có đủ tiềm lực để duy trì nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, với 24,8 nghìn tỷ USD trong sản lượng hàng năm.

GDP của Trung Quốc sẽ tăng gấp 2 lần so với hiện tại, giúp cường quốc châu Á gần như hoàn toàn bắt kịp Mỹ.

 Dự báo nền kinh tế toàn cầu đến năm 2030 - Ảnh 1

20 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2030 theo dự báo của USDA, màu xám thể hiện cho 16,8 nghìn tỷ USD của GDP dự kiến trong năm 2015, thanh màu xanh lá cây đại diện cho con số GDP dự kiến đến năm 2030

Ấn Độ, ở vị trí thứ 8 cho đến năm 2015, sẽ vượt qua Brazil, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản để giữ vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các nền kinh tế thế giới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế gọi Ấn Độ là "điểm sáng trong bối cảnh toàn cầu”. Theo ghi chú của IMF, quốc gia này sẽ có lực lượng lao động lớn nhất thế giới trong vòng 15 năm tới, và là một trong số những nước có nguồn lao động trẻ nhất.

Các quốc gia khác sẽ không may mắn như vậy, đặc biệt là các nền kinh tế phát triển. một trong số đó là Nhật Bản, nền kinh tế phát triển rực rỡ cho đến khi bong bóng tài sản tại Nhật Bản bùng nổ vào đầu thập niên 1990, từ đó đất nước này đã phải trải qua nhiều thập kỷ trì trệ. Theo ước tính của USDA, nhiều khả năng Nhật Bản sẽ tiếp tục phải đón nhận nền kinh tế tăng trưởng chậm chạp trong vòng 15 năm tới, điều này sẽ khiến Nhật Bản bị tụt hạng trong bảng xếp hạng kinh tế năm 2030.

Bruce Kasman, nhà kinh tế trưởng tại JPMorgan cho biết: “Có rất nhiều điều không chắc chắn, sẽ có sự khác biệt rất lớn khi gộp lại chỉ số phát triển của các quốc gia trong một thời gian dài".

Bộ Nông nghiệp Mỹ không phải là đơn vị duy nhất và bao quát nhất với xếp hạng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mặc dù nó có ưu điểm đặc biệt là đưa ra được triển vọng dài hạn. Cuối tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng sẽ đưa ra dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu, nhưng với giai đoạn 2 năm.