Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2016 của WB và IMF

Theo ncseif.gov.vn

Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2016 ở mức 2,9%. Trong khi IMF đưa ra con số là 3,6%, tương đương mức trung bình của giai đoạn 1980-2014.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

WB lo ngại về tốc độ tăng trưởng

Theo báo cáo mới nhất ngày 6/1 “Triển vọng Kinh tế toàn cầu” của Ngân hàng thế giới - World Bank (WB) được công bố 2 lần/năm dự báo nền kinh tế toàn cầu trong năm 2016 có thể chỉ tăng trưởng ở mức 2,9%, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 6/2015, nhưng vẫn cao hơn tốc độ tăng trưởng 2,4% của năm 2015.

Nguyên nhân, theo WB, là do tốc độ tăng trưởng thấp tại một số nền kinh tế thị trường mới nổi như Trung Quốc và Brazil có thể tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Cụ thể, WB nhận định trong bối cảnh chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo chỉ tăng trưởng 6,7% trong năm nay, thấp hơn so với mức 6,9% của năm 2015 và đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới kể từ năm 1990. Từ giữa năm 2014, Trung Quốc đã trải qua nhiều "cơn bão" tài chính và mới nhất là việc thị trường chứng khoán nước này sụt giảm tới 7% hôm 5/1 vừa qua.

WB cũng dự báo tăng trưởng của hai nền kinh tế thị trường mới nổi khác đã rơi vào suy thoái là Brazil sẽ sụt giảm 3,6% xuống còn 2,5%, và Nga giảm 1,4% xuống còn 0,7%. Cả hai nước này đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng của việc giá cả các loại hàng hóa sụt giảm như dầu mỏ và nông sản.

Báo cáo của WB nhận định sự yếu kém xuất hiện cùng lúc ở các thị trường lớn mới nổi “là một mối lo ngại đối với việc đạt mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và thịnh vượng chung vì các nước này đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng toàn cầu trong thập kỷ qua".

Các chuyên gia WB cũng hạ mức dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển xuống còn 4,8% trong năm nay, thấp hơn 0,4% so với mức dự báo trước đó song cao hơn mức 4,3% trong năm 2015.

Trong khi đó, WB cho rằng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng lên mức 2,7% trong năm nay, cao hơn 0,2% so với năm ngoái, trong khi con số này của châu Âu là 1,7%. Đối với khu vực tiểu vùng Sahara của châu Phi, WB dự báo tăng trưởng sẽ đạt 4,2% trong năm nay, thấp hơn 0,3% so với mức dự báo hồi tháng 6 năm ngoái.

Tăng trưởng năm 2016 “có thể gây thất vọng”

Trong báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF nhận xét: “Kinh tế thế giới trong năm tới sẽ lạc quan hơn với kỳ vọng tăng trưởng trung bình trong dài hạn, nhưng quay trở lại thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ và đồng bộ là rất khó khăn”.

Con số đưa ra là 3,6%, tương đương mức trung bình của giai đoạn 1980-2014. Theo IMF, biến số quan trọng nhất năm 2016 chính là “yếu tố Trung Quốc”, khi mà nền kinh tế nước này tăng trưởng chậm lại. IMF dự báo năm 2016, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ tăng trưởng 6,3%, thấp hơn so với 6,7% năm 2015.

Một số lý do khác cũng được đưa ra khiến người ta nghi ngại tăng trưởng 2016. Đó là hậu quả của cuộc khủng hoảng di cư đối với châu Âu; liệu nước Anh có rút khỏi EU, giá dầu tiếp tục xuống thấp, kinh tế Nga, Brazil vẫn rất khó khăn.

Tổng giám đốc IMF- bà Christine Lagarde phát biểu trên tờ Handelsblatt của Đức đã rằng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2016 “có thể gây thất vọng”. Nguyên nhân chính là do Mỹ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25% trong tháng 12 và còn tăng tiếp; cùng đó là việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ chi phối kinh tế toàn cầu.

“Điều đó đồng nghĩa tăng trưởng kinh tế thế giới có thể sẽ không đồng đều và gây thất vọng trong năm 2016”- theo bà Lagarde. Dân số thế giới già đi cũng là nguyên nhân khiến cho nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng.

Với việc Mỹ tăng lãi suất và đồng USD mạnh lên, theo bà Lagarde sẽ khiến chi phí đi vay trở nên đắt đỏ hơn đối với một số quốc gia, trong đó có những nước mới nổi và đang phát triển. Từ đó, rất có thể nhiều công ty vỡ nợ. Chính vì thế, Tổng giám đốc IMF cảnh báo những nền kinh tế mới nổi cần phải theo dõi chặt chẽ rủi ro ngoại hối mà những công ty lớn phải đối mặt. Các quốc gia xuất khẩu nguyên liệu thô cũng nên sử dụng chính sách tài khóa để thích ứng với tình hình giá thấp.