Dự thảo ngân sách EU hậu Brexit: EU chia rẽ

Theo T.Chi/daibieunhandan.vn

Ngày 23/2, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã nhóm họp tại Brussels, Bỉ, thảo luận việc xây dựng ngân sách dài hạn của khối cho giai đoạn 2021 - 2027, trong bối cảnh Anh sẽ rời EU vào đầu năm 2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Sự thoái lui của Anh, nước đóng góp nhiều thứ hai, sau Đức, vào ngân sách chung của EU, sẽ khiến ngân sách chung của EU bị thâm hụt khoản đóng góp thường niên trị giá từ 10 - 12 tỷ euro (tương đương 12,3 - 14,8 tỷ USD). Do đó, đây là chủ đề chính được lãnh đạo các nước thành viên EU, trừ Anh, thảo luận sôi nổi tại cuộc họp thượng đỉnh lần này.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, các cuộc thảo luận về ngân sách tương lai có thể dẫn tới những thay đổi đáng kể trong chính sách của EU và đây cũng là dịp đánh giá lại tình hình tài chính của EU một cách tổng thể.

Ủy ban châu Âu (EC) muốn tăng ngân sách từ 1% hiện nay lên 1,1 - 1,2% GPD của EU, kết hợp với một số biện pháp cắt giảm chi tiêu và tạo nguồn thu mới, nhằm bù đắp khoảng trống mà Brexit gây ra.

Ngân sách cho 7 năm tới của EU sẽ được dùng để chi trả cho các chính sách chung về an ninh, quốc phòng, nhập cư… Kết quả cuộc khảo sát do hãngBloomberg tiến hành về quan điểm của chính phủ các nước thành viên EU đối với đề xuất của EC cho thấy, nội bộ EU đang chia rẽ về cách bù đắp khoảng trống của Anh trong đóng góp ngân sách chung của khối.

Cụ thể, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan và Áo tuyên bố sẽ không đóng thêm bất cứ khoản nào. Trong khi Đức, Italy và Pháp sẵn sàng tăng khoản đóng góp ngân sách, tuy nhiên với một số điều kiện đi kèm. Bỉ, Phần Lan và Luxembourg mặc dù chưa tỏ rõ lập trường nhưng dường như đang nghiêng về phe thứ nhất.

Với những khoản đóng góp thường niên của các quốc gia thành viên chiếm khoảng 80% hầu bao của EU, việc tăng nghĩa vụ đóng góp tài chính trong liên minh là vấn đề nhạy cảm.

Trong bối cảnh đó, xuất hiện nhiều lời kêu gọi EU cắt giảm chính sách trợ cấp nông nghiệp và phát triển khu vực, còn gọi là chính sách gắn kết, vốn chiếm khoảng 70% chi tiêu của khối.

Chính phủ Hà Lan cho rằng, chính sách nông nghiệp chung và chính sách gắn kết cần được đổi mới mạnh mẽ và tham vọng hơn, nhằm mang lại những khoản tiết kiệm tài chính cần thiết để bù đắp khoản thiếu hụt của Brexit, cũng như chi tiêu cho những ưu tiên mới.