Được và mất khi kinh tế Trung Quốc sa lầy

Theo bizlive.vn

(Tài chính) Thế giới được gì, mất gì khi con thuyền kinh tế của "con rồng châu Á" chòng chành.

Với những tín hiệu không mấy tích cực phát ra trong thời gian gần đây, có vẻ kinh tế Trung Quốc đã bước qua giai đoạn “phát triển thần kỳ” với đà tăng trưởng nóng hai con số để đặt chân vào một giai đoạn suy thoái đầy rẫy bất ổn.

Trong tháng trước, ngân hàng HSBC công bố chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI của Trung Quốc ở mốc 49,6. Đây là con số đáng báo động vì chỉ khi PMI đạt trên 50 mới là dấu hiệu của hoạt động sản xuất được mở rộng. Dậm chân ở ngưỡng này, không những hoạt động sản xuất của Đại lục không được mở rộng, mà còn đang trên đà bị thu hẹp lại.
Được và mất khi kinh tế Trung Quốc sa lầy - Ảnh 1

Trong năm 2013, tăng trưởng GDP nước này chỉ đạt 7,7%, mức thấp nhất trong vòng 15 năm. Tình hình chưa có dấu hiệu được cải thiện khi Thủ tướng Lý Khắc Cường, trong một buổi họp Quốc hội, đã cảnh báo “nền kinh tế sẽ gặp nhiều trở ngại to lớn trong năm 2014”, đồng thời hạ mức tăng trưởng mục tiêu xuống chỉ còn 7,5%. 

Sau đó không lâu, số liệu thống kê của ngân hàng ANZ cho thấy tăng trưởng quý I của Trung Quốc chỉ dừng ở mốc 7%.

Được và mất khi kinh tế Trung Quốc sa lầy - Ảnh 2
Đây là hệ quả của cả một thập kỷ đầu tư quá mức, khi Đại lục rót tiền vào xây hàng loạt nhà máy, đường cao tốc và chung cư, khiến giá trị tài sản cố định của Trung Quốc đi lên, nhưng tốc độ gia tăng hiệu quả của các dự án này lại không theo kịp. 

Một phần nguyên nhân dẫn đến xu hướng này là do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Âu trong hai năm gần đây đã giáng đòn mạnh vào kinh tế Trung Quốc, cụ thể là ở phân khúc nhập khẩu.

Châu Âu khi đó là thị trường tiêu thụ hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, các giao dịch hàng hóa với khu vực này chiếm tới 16% tổng giao dịch toàn cầu của Trung Quốc. 

Không nhận được sự trợ giúp từ nước ngoài trong khi lực cầu nội địa yếu ớt, Trung Quốc buộc phải viện tới gói kích thích trị giá 158 tỷ USD để vực dậy nền kinh tế.

Ngay khi gói kích thích được tung ra, Standard & Poor's đã cảnh báo về tác động trong dài hạn của gói cứu trợ trên, cảnh báo nhiều dự án được xây dựng chưa có tính hiệu quả, gây lãng phí và thổi bùng bong bóng, ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng nước này.

Thêm vào đó, gói cứu trợ không có nhiều vai trò trong việc tái cơ cấu nền kinh tế vốn đang dựa chủ yếu vào xuất khẩu và các dự án đầu tư nằm trong tay các doanh nghiệp quốc doanh.

Khi những cảnh báo trên vận vào thực tế hiện tại, giới chức trách Trung Quốc buộc phải chấp nhận bằng lòng với một đà tăng trưởng kinh tế chậm hơn để phục vụ cho mục đích tái cơ cấu kinh tế theo hướng tập trung vào tiêu dùng trong nước.

Nhưng Trung Quốc hiện giờ như một con tàu lớn đại dương, khi tàu đổi hướng đột ngột, nhiều tàu xung quanh cũng sẽ sóng nước xô chòng chành. Hiệu ứng suy thoái domino đang như bóng ma treo lơ lửng trên đầu các quốc gia vẫn lệ thuộc vào Trung Quốc.

Các nước “giơ đầu chịu báng” đầu tiên sẽ là những quốc gia xuất khẩu nhiều nguyên vật liệu vào Trung Quốc.

Khi Trung Quốc rót tiền vào ào ạt xây dựng cơ sở hạ tầng, cán cân xuất khẩu của nhiều quốc gia cũng chuyển sang thặng dư như Úc xuất than, quặng sắt, khí thiên nhiên, Nam Phi và Brazil xuất khẩu kim loại, Chile xuất khẩu đồng hay Thái Lan, Việt Nam, Indonesia cung cấp cao su, than đá cho nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới.

Tốc độ nhập khẩu nguyên liệu cơ bản của Trung Quốc tăng trưởng chóng mặt khiến nhiều người phải giật mình. Năm 2000, nước này chỉ nhập 70 triệu tấn quặng sắt, nhưng năm 2013, Trung Quốc tiêu thụ 763 triệu tấn quặng nhập, gấp 10 lần so với hơn 10 năm về trước. 

Được và mất khi kinh tế Trung Quốc sa lầy - Ảnh 3
Đồng cũng là nguyên liệu phục vụ xây dựng, sản xuất có sức tiêu thụ leo dốc, từ 1,6 triệu tấn năm 2000 nhảy vọt lên 4 triệu tấn năm 2013, theo số liệu của BCA Research.

Nói đến dầu, 17 năm về trước, Trung Quốc vẫn là một nước xuất siêu dầu, nhưng năm 2013, đây là nước nhập khẩu dầu nhiều thứ hai trên thế giới, tiêu thụ khoảng 5,4 triệu thùng mỗi ngày.

Nhu cầu sản xuất khổng lồ tại Trung Quốc đẩy lượng tiêu thụ các nguồn tài nguyên năng lượng không tái tạo lên chiếm 20% tổng sản lượng toàn thế giới, con số này đối với sản phẩm nông nghiệp và kim loại cơ bản lần lượt là 23% và 40%, đẩy giá những mặt hàng này leo dốc.

Nhưng khi nhu cầu đầu tư vào tài sản cố định tại Trung Quốc bị kìm hãm, nhu cầu thoái trào lại khiến giá nguyên liệu đi xuống.

Tính từ đầu năm tới nay, giá đồng cao cấp tụt 6,58 %, than mất giá 16,15 %, giá quặng sắt trượt 13,23 %, và nặng nề nhất là cao su với mức giảm 27,95 % theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.

Giá cả đi xuống khiến nguồn thu của các nước xuất khẩu bị thu hẹp. Theo số liệu của Cục Kinh tế năng lượng và nguyên liệu Úc cho thấy, số tiền thu về từ việc xuất khẩu cùng một lượng than từ Úc ra nước ngoài trong năm 2013 đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ giai đoạn 2009 - 2011.

Úc là một quốc gia điển hình phải chịu ảnh hưởng từ nhu cầu nguội lạnh dần tại Trung Quốc. Nước này từng hưởng lợi lớn từ việc xuất khẩu kim loại vào Đại lục trong giai đoạn 2008-2009 khi giá đồng tăng vọt cán mốc 200USD/ tấn, hàng nghìn công nhân đã được điều động vào các hầm mỏ để khai thác quặng kim loại phục vụ xuất khẩu.

Nhưng đến năm 2011, khi giá đồng giảm quá nửa dưới 90USD/ tấn khiến lợi nhuận cận biên từ hoạt động xuất khẩu tiêu biến, chính phủ Úc đã phải sa thải hơn 11.000 công nhân mỏ, tương ứng 0,1% lực lượng lao động toàn quốc, góp phần đẩy tỷ lệ thất nghiệp của nước này lên 6% tính đến cuối năm 2013, đỉnh cao nhất trong một thập kỷ, với các vùng có nhiều mỏ khai khoáng có tỷ lệ thất nghiệp tăng hơn 1%.

Viễn cảnh tương tự cũng đe dọa các quốc gia lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu nguyên vật liệu tới Trung Quốc như Canada với vàng, đồng, nickel và hàng nông sản, Nga với dầu mỏ và khí thiên nhiên, hay Brazil với kim loại.

Hai khu vực kinh tế khác cũng sẽ hứng chịu tác động từ giá nguyên vật liệu sa sút là Mỹ và châu Âu. Nếu Trung Quốc hành xử như cách nước này áp dụng vào thời suy thoái kinh tế ngắn giữa thập kỷ trước, thì thép và các vật liệu sản xuất sẽ mất giá trong thời gian tới.

Khi đó, do nhu cầu trong nước đóng băng, hàng tồn kho nguyên vật liệu chất đống, các công ty Trung Quốc đã ồ ạt xuất khẩu thép ra thị trường quốc tế bất chấp mọi giá hòng chốt lỗ, khiến thép rẻ tiền của Trung Quốc tràn ngập thị trường toàn cầu, đẩy giá thép sụt thảm hại và đưa Đại lục cùng các nhà cung cấp Mỹ, châu Âu vào tình thế đối đầu.

Một yếu tố khác có thể gây lũng loạn giá cả thị trường hàng hóa thế giới đến từ Trung Quốc là động thái mở giãn biên độ giao dịch của đồng nhân dân tệ với USD trong tháng trước của Ngân hàng Trung Quốc, tiến tới tự do hóa đồng tiền nội tệ.

Hiện khoảng giãn lãi suất lớn giữa đồng nhân dân tệ và USD đã thu hút những tay đầu cơ  vay USD với lãi suất thấp, sau đó đem USD vừa vay được đổi sang nhân dân tệ, đem cho vay để hưởng lãi suất cao hơn, từ đó ăn chênh lệch lãi suất ngắn hạn.

Nhưng khi lượng nợ gia tăng từ 120% lên tới 215% tổng sản phẩm nội địa trong năm năm vừa qua, cộng với bong bóng tài chính phình to do đầu tư quá mức vào tài sản cố định, Trung Quốc đang triển khai những biện pháp quản lý ngoại hối nhằm kiểm soát việc vay mượn và kinh doanh ngoại tệ.

Để luồn lách luật nhà nước, các nhà đầu cơ đã dùng tới các giao dịch tài trợ thông qua hàng hóa cơ bản như đồng, nhôm và các kim loại quý như vàng, bạc,…

Càng có nhiều nhà đầu cơ tham gia vào thị trường này, nhu cầu “ảo” đối với những mặt hàng trên càng tăng, đẩy giá cả đi lên khi nguồn cung không đổi. 

Theo ước tính của Goldman Sachs, 31% các khoản cho vay ngoại tệ ngắn hạn và 14% tổng các khoản cho vay ngoại tệ ở Trung Quốc được thế chấp bởi các hàng hóa này trong giao dịch ăn chênh lệch tỷ giá.

Nhưng một khi nhu cầu vật chất giảm sút kéo giá hàng hóa đi xuống, các nhà đầu cơ sẽ lập tức bán tháo hàng để chốt lãi tiền mặt, giải phóng một lượng lớn hàng hóa cơ bản ra thị trường, càng tạo sức ép lên giá cả các những mặt hàng này.