Đường tới TPP: Ông Obama không còn nhiều thời gian

Theo daibieunhandan.vn

Không thể thu hẹp bất đồng sau 4 ngày đàm phán marathon Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), thất bại của các nhà thương lượng Mỹ tại Hawaii cuối tuần qua đã phủ bóng đen lên chính sách xoay trục sang châu Á của Tổng thống Obama trong khi thời gian để ông thúc đẩy thông qua thỏa thuận này không còn nhiều.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ganh đua giữa những người khổng lồ

Vòng đàm phán thất bại do bất đồng chủ yếu giữa Nhật Bản và Mỹ, hai đối tác lớn nhất trong TPP, liên quan đến mặt hàng ô tô. Trong khi Nhật Bản muốn Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ các loại thuế đánh vào linh kiện ô tô nước này xuất khẩu sang Mỹ, thì Washington muốn làm rõ nguồn gốc của các linh kiện đó có phải từ một khu vực thương mại tự do hay không. New Zealand cũng khẳng định không ủng hộ một thỏa thuận không tạo điều kiện cho mở cửa mạnh mẽ các thị trường bơ sữa, ám chỉ Mỹ, Nhật Bản và Canada. Thời gian bảo hộ độc quyền đối với mặt hàng dược phẩm cũng là một “bài toán hóc búa” khi Mỹ không nhượng bộ trước yêu cầu của các đối tác. Washington muốn các công ty dược sẽ có 12 năm bảo hộ độc quyền các sản phẩm công nghệ sinh học, trong khi hầu hết các thành viên đều cho rằng thời gian độc quyền quá lâu sẽ đẩy giá thành dược phẩm lên cao, khiến người dân khó có thể tiếp cận các mặt hàng với giá hợp lý.

Việc các bên giữ quan điểm cứng rắn đối với những khúc mắc còn tồn đọng, vốn đòi hỏi quyết tâm chính trị cao, đã khiến các nhà thương thuyết một lần nữa bỏ lỡ cơ hội kết thúc đàm phán TPP trong tháng 7.2015 như mục tiêu đề ra ban đầu. Cái khó ở chỗ, bất đồng chủ yếu là giữa các nước lớn, và bên nào cũng muốn bảo vệ lợi ích của mình.

Con đường không quá xa

TPP được ví như một trụ cột kinh tế và “hòn đá tảng” trong chính sách “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là cơ hội để Washington cân bằng với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực này. Tổng thống Obama đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán lần này, đặc biệt sau khi ông được Quốc hội Mỹ trao Quyền đàm phán nhanh (TPA), cho phép Nhà Trắng toàn quyền đàm phán để thúc đẩy các hiệp định thương mại với các đối tác bên ngoài và Quốc hội chỉ được quyền bỏ phiếu tán thành hoặc bác bỏ.

Trên thực tế, TPA vẫn chỉ là yếu tố “cần” chứ chưa “đủ” để khiến các nước tham gia đàm phán sẵn sàng gạt bỏ những bất đồng sâu sắc trong các vấn đề gai góc và nhạy cảm nhất. Việc một lần nữa lỡ hẹn với TPP cũng khiến cho tiến trình trình hiệp định này lên Quốc hội Mỹ để phê chuẩn trong năm nay gặp nhiều khó khăn và khó đạt được mục tiêu như dự kiến.

Thất bại trong việc hoàn tất thỏa thuận của các Bộ trưởng Thương mại là một đòn giáng đối với ông Obama. Ông không còn nhiều thời gian khi chiến dịch tranh cử cho cuộc đua vào Nhà Trắng tháng 11.2016 đã bắt đầu được khởi động và phe Dân chủ không bỏ lỡ cơ hội sử dụng TPP như một đòn công kích. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Rosa DeLauro, một người phản đối thỏa thuận, nói: “Thất bại trong vòng đàm phán TPP ở Maui làm thay đổi chiều hướng các cuộc tranh luận ở Mỹ. Thế bế tắc này nhấn mạnh các vấn đề bất ổn đối với những ai quan tâm đến tương lai của tầng lớp trung lưu ở Mỹ”.

Obama cũng không thể chậm chân trước Trung Quốc trong bối cảnh Bắc Kinh đang thúc đẩy nhiều sáng kiến kinh tế và thương mại với khu vực châu Á với mục tiêu đặt dấu chấm hết cho một trật tự toàn cầu dựa trên tiềm lực kinh tế Mỹ. Dự án Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cùng tham vọng về một đồng nhân dân tệ được sử dụng ở cấp độ toàn cầu đang được triển khai mạnh mẽ. Thêm vào đó là dự án Một vành đai, một con đường - sáng kiến được hình thành từ hai bộ phận gồm: “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa” (SREB) - được xây dựng dọc theo hành lang Âu - Á từ bờ Thái Bình Dương tới biển Baltic - và “Con đường Tơ lụa trên biển thế kỷ XXI” (MSR). Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” sẽ đi qua ba lục địa Á - Âu - Phi, kết nối vòng tròn kinh tế Đông Á sôi động với các nền kinh tế phát triển ở châu Âu.

Khi hoàn thành, “Một vành đai, một con đường” sẽ tạo thành mạng lưới kinh tế thương mại dài lớn nhất thế giới với tiềm lực phát triển bao trùm khu vực rộng lớn với dân số 4,4 tỷ người, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 21.000 tỷ USD (chiếm 30% GDP toàn cầu) và có thể tạo ra giá trị thương mại hơn 2.500 tỷ USD trong vòng một thập kỷ cũng như liên kết với các thị trường đang nổi lên có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Thời gian một năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Obama không dài, nhưng cũng không ngắn để ông có thể hoàn thiện nốt di sản của mình. Trở lại với TPP, mặc dù rời Hawaii mà không có thỏa thuận cuối cùng nào được ký kết, song hầu hết quan chức của các nước tham gia đàm phán đều có chung nhận định, các cuộc thương lượng vừa qua đều “mang tính xây dựng” và TPP “vẫn trong tầm tay”.