Euro mạnh – Nỗi lo mới của châu Âu

Theo Gafin

Một trở ngại mới cho đà phục hồi của kinh tế khu vực đồng euro (eurozone) đó là euro ở mức cao nguy hiểm.

Trong tuần này, euro có lúc lên cao nhất 10 tháng so với euro, giao dịch ở 1,34 USD/EUR. Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker cho rằng, đồng tiền này đang ở mức cao “nguy hiểm”.

Euro mạnh lên sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà xuất khẩu của châu Âu, đặc biệt là Đức. Đức vốn được coi là “trụ cột niềm tin của châu Âu”, nếu xuất khẩu ở đây suy yếu, tăng trưởng kinh tế toàn châu Âu cũng sẽ đặt vào tình trạng báo động, trưởng bộ phận đầu tư tại Aimed Capital Management nhận định.

Hiện tại, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) phát đi tín hiệu rằng sẽ không can thiệp ghìm giá euro. Thành viên ban điều hành ECB Ewald Nowotny cho báo giới hay, hiện tại tỷ giá không phải là mối lo ngại lớn, trong khi đó, chủ tịch ECB Mario Draghi tuần trước cho biết ông không có bất cứ mục tiêu tỷ giá nào.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Citigroup cho rằng, khi euro tiếp tục mạnh lên sẽ buộc ECB phải hạ lãi suất trong quý II năm nay. “Giới chính khách châu Âu ngày càng lo ngại về tác động của đồng euro mạnh đến nền kinh tế khu vực vốn đã yếu ớt”, chuyên gia của Citigroup nhấn mạnh.

Tỷ giá là mối lo ngại không phải chỉ của lãnh đạo eurozone, tại Nhật Bản, ngân hàng trung ương cũng hành động tích cực để ghìm giá đồng yên trong những tuần gần đây.

Tại châu Âu, Thụy Sỹ cũng ghìm đang tăng giá của đồng franc. Trong khi đó, phó thống đốc ngân hàng trung ương Na Uy tuần này cho biết có thể hạ lãi suất vào đầu tháng 3 do đồng kroner của Na Uy đang tăng mạnh vì được coi là tài sản trú ẩn an toàn.

Những động thái trên làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ mới. Phó thống đốc ngân hàng trung ương Nga Alexei Ulyukayev cảnh báo, thế giới đang đứng trên bờ vực một cuộc chiến tranh tiền tệ đi ngược lại với những cam kết trước đó của các nước công nghiệp phát triển.