G7 có nên trở thành G3 hoặc G5?

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Hội nghị Thượng định Nhóm các nước phát triển (G7) đã khép lại song vẫn còn nhiều băn khoăn đặt ra: Phải chăng G7 đang lạc hậu với chính mình trước chuyển động mạnh mẽ của tình hình thế giới?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động lớn: từ việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea cho đến sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hay sự bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi và những căng thẳng biển đảo ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, những gì thể hiện trong Tuyên bố chung cho thấy, thành công của hội nghị chỉ mang tính biểu tượng khi các vấn đề nóng như tình hình Ukraine, cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, vấn đề nợ Hy Lạp chỉ được đề cập một cách chung chung với những lời kêu gọi hình thức hơn là giải pháp cụ thể.

Dường như G7 đang ngày càng mất đi vị thế là lực lượng có tiếng nói định hình thế giới, so với Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hay Nhóm Các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Điều này đặt ra cho G7 một vấn đề lớn: Làm thế nào để tiếp tục khẳng định vị thế của G7 như một tổ chức nền tảng của trật tự toàn cầu, định hình các chuẩn mực và nguyên tắc đối với trật tự thế giới?

Cho đến nay, chưa bao giờ G7 đề cập tới khả năng mời Trung Quốc tham gia trong khi xét về thực lực cũng như tiềm lực kinh tế - quốc phòng, Bắc Kinh đã trở thành cường quốc lớn thứ hai thế giới.

Nếu so sánh với Nga, nước tạm thời đứng bên lề các hoạt động của G7 do cuộc khủng hoảng tại Ukraine, tầm ảnh hưởng kinh tế, tài chính của Trung Quốc thậm chí còn vượt trội hơn. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc hiện đứng thứ hai thế giới và đến giữa thế kỷ này được dự báo sẽ vượt Mỹ.

Hiện, Trung Quốc là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới và đóng vai trò trung tâm ở nhiều thị trường trên thế giới. Về ảnh hưởng chính trị, Trung Quốc không chỉ còn là một cường quốc ở khu vực châu Á mà đang mở rộng ảnh hưởng mạnh mẽ ở phạm vi toàn cầu.

Một điểm nữa cần lưu ý, hiện tổ chức này bị tới 4 thành viên là các nước châu Âu chi phối. Vì thế, chương trình nghị sự của hội nghị thể hiện rõ sự già cỗi của cơ cấu thành viên này.

Rất nhiều chủ đề như thương mại, ổn định tài chính toàn cầu, thị trường trái phiếu quốc tế hay chính sách an ninh thuộc trách nhiệm của Liên minh châu Âu (EU) chứ không phải từng nước thành viên riêng lẻ như Đức, Anh, Pháp hay Italy.

Một vấn đề khác là trong nhiều nội dung thảo luận, 4 nước châu Âu trên cũng có xu hướng đàm phán riêng rẽ với các đối tác, đặc biệt là Mỹ để phục vụ lợi ích quốc gia hơn là để phục vụ cho lợi ích của EU. Ngược lại, Mỹ cũng tận dụng điều này để tác động từng nước phục vụ trước hết cho lợi ích của nước Mỹ.

Tại các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Mỹ vẫn có ảnh hưởng chi phối mặc dù quyền bỏ phiếu của Mỹ chỉ bằng một nửa so với các nước EU cộng lại. Điều này cho thấy chừng nào từng nước lớn trong EU vẫn còn theo đuổi những mục tiêu riêng rẽ thì ở sân chơi toàn cầu, họ vẫn chỉ là những nước có ảnh hưởng tầm trung.

Trong bối cảnh trên, có lẽ đã đến lúc cần một sự cải tổ về cơ cấu đối với G7. Giới phân tích đề xuất nhóm này nên được cơ cấu lại thành G3 với Mỹ, EU, Trung Quốc hoặc G5 (cộng thêm Nhật Bản, Nga) vì điều này sẽ tốt hơn đối với châu Âu.

Vị thế là một thành viên chung đại diện cho cả khối trong G3 hoặc G5 sẽ buộc các nước EU phải hợp tác, đoàn kết hơn, và quan trọng hơn là giúp châu Âu có tiếng nói thống nhất, có trọng lượng.

Việc cải tổ này cũng tốt cho cộng đồng quốc tế bởi chỉ khi ràng buộc Trung Quốc vào những thể chế này mới có thể buộc Trung Quốc có trách nhiệm hơn với cách hành xử của mình trong các vấn đề kinh tế và chính trị của thế giới.