"GDP không phải là thước đo tốt”

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Đó là những quan điểm được GS. Joseph Stiglitz, người đạt giải Nobel Kinh tế năm 2001 tại buổi Tọa đàm Phấn đấu tăng trưởng, sẵn sàng với yếu kém - Viễn cảnh kinh tế năm 2014 vừa diễn ra sáng ngày 19/3/3014 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

"GDP không phải là thước đo tốt”
Cần đánh giá lại thước đo GDP. Nguồn: internet
Cần đánh giá lại thước đo GDP

Thực tế, đây không phải lần đầu vị Giáo sư này đưa ra nhận định này. Ngay từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008, việc đánh giá lại vai trò của GDP càng trở nên thôi thúc.

Khi đó, GS. Joseph Stiglitz đã nhận xét: “Khi Bhutan dùng chỉ số GNH, một số người nói rằng đó là bởi vì họ muốn người ta không chú ý đến nền kinh tế nhỏ bé, tăng trưởng thấp của họ. Nhưng tôi thì nghĩ ngược lại. Cuộc khủng hoảng tài chính khiến cho chúng ta nhận thấy rằng các thước đo kinh tế học lâu nay quá tệ. Vì rõ ràng, GDP của Mỹ trông có vẻ tốt đấy nhưng sau đó chúng ta nhận ra rằng tất cả chỉ là ảo ảnh”.

Thực tế, GDP là tổng sản phẩm hàng hóa và dịch vụ mà một quốc gia tạo ra trong một khoảng thời gian nhất định. GDP tính toán kích cỡ một miếng bánh, chẳng quan tâm đến chất lượng các thành phần cấu tạo nên - những quả táo tươi hay bị hư thối vẫn được đếm như nhau.

Các nước phát triển có thực sự tốt như vẻ ngoài?

Nhận định rằng, 6 năm nay, từ khi Lehman Brother sụp đổ, tình hình kinh tế thế giới có cải thiện so với trước, nhưng vẫn rất khó khăn.

“Chúng ta nói đang hồi phục, nhưng thực tế còn cách  xa so với gì ta mong muốn. Ngay cả nước Đức, điển hình thành công nhất của châu Âu, cũng chỉ có tỷ lệ tăng trưởng 1% trong thời gian qua. Song điều đáng nói là có tới 30% người dân nghèo nhất của đức giảm thu nhập. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng trưởng lại chỉ dành cho những người giàu nhất.  Vì thế, dù Đức được coi là bài học thành công, thì tôi lại đánh giá đó là thất bại ”, GS. Stiglitz vào đề một cách thẳng thắn.

GS. Stiglitz nguyên là Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và từng là Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Mỹ, một nhà tư vấn chính sách tầm cỡ cho các nước đang phát triển.

Tiếp theo là trường hợp của Mỹ. Vị giáo sư này cho biết, quốc gia này đang quay trở lại đà tăng trưởng, nhưng còn yếu ớt, tốc độ tăng trưởng không đủ nhanh để tạo việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp. Cứ 6-7 người, thì có 1 người muốn có việc làm cố định nhưng không tìm được.

“Từ khi bắt đầu thời kỳ hội phục vào 2009, mức tăng rơi vào 1% số người có thu nhập cao nhất, nên thực sự nước Mỹ không có sự hồi phục gì cả.

Trung vị thu nhập của người dân Hoa Kỳ năm 2012 thấp hơn năm 1989. Có nghĩa là ¼ thế kỷ không tăng thu nhập gì cả”, vị chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới chỉ rõ.

Còn nếu tách ra nhóm, thì nhóm nam giới có mức thu nhập trung bình năm 2012 thấp hơn so với 40 năm trước.

Như vậy, cũng giống như Đức, trong 1/4 thế kỷ không có sự cải thiện thu nhập với hầu hết người dân, thế nhưng với những người giàu nhất, thì thu nhập lại tăng lên nhanh chóng.

Ông lấy ví dụ, Apple đã trở thành doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thế giới, nhưng công ty này chỉ tạo ra 49.000 việc làm trên cả nước và trong đó 30.000 là người lao động bán lẻ lương thấp. Chưa kể việc công ty này còn tìm nhiều cách để tránh thuế, thiếu trách nhiệm giải quyết các vấn đề an sinh xã hội.

Một sự thất bại khác của hệ thống kinh tế nước này chính là sự đối xử với sự già hóa dân số. Dân số ngày càng già đi, số người 50-60 tuổi tăng lên. Tình trạng này đã trở thành vấn đề xã hội lớn.

Nếu một nền kinh tế năng động, thì Chính phủ phải đưa ra được những chính sách đào tạo lại để các lao động này có công việc mới. Thế nhưng, “Nền kinh tế Mỹ ném họ vào thùng rác”, GS. Stiglitz ví von.

Câu trả lời từ chính quyền và FED rằng, đó là vấn đề dân số và phớt lờ tính trầm trọng của nó đối với nền kinh tế.

Ở châu Âu tình hình thậm chí còn tệ hơn. GS. Stiglitz cho rằng, châu Âu đã sai lầm khi đưa ra Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Euro) không tạo được hiệu quả, dẫn tới tình trạng suy thoái. Phần lớn châu Âu hiện nay vẫn đang ở trong giải đoạn suy trầm. Hiện tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này vào khoảng 12%, riêng tỷ lệ thất nghiệp trung bình của thanh niên là 25%. Tình hình tại các quốc gia như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp… còn nghiêm trọng hơn với tỷ lệ thất nghiệp khoảng 25%, thanh niên là khoảng 40%.

GDP bình quân đầu người sau khi điều chỉnh theo lạm phát ở tất cả các quốc gia châu Âu, trừ Đức, đều thấp hơn so với cách đây 5 năm. GDP hiện tại thấp hơn 25% so với trước khủng hoảng.

“Đây là con số đáng sửng sốt, cho thấy suốt 1/2 thập kỷ khu vực này hoàn toàn trì trệ”, vị giáo sư này cho hay.

Vậy đâu là thước đo của nền kinh tế?

 “GDP không phải là thước đo tốt thể hiện hiệu quả kinh tế. Chúng ta cần phải suy nghĩ đến những thước đo khác. Đang có sự dịch chuyển trên toàn cầu về vấn đề này. Đây là vấn đề quan trọng với Việt Nam để tham gia vào cuộc thảo luận này”, GS. Stiglitz đề xuất.

“Tôi đi dự cuộc họp ở Trung Quốc, tại Viện Hàn lâm khoa học ở Bắc Kinh, chúng tôi được phát một cái mặt nạ. Do sự ô nhiễm của thành phố này khiến dân cư không thể thở được. Nếu chúng ta không thở được thì GDP có đủ không. Nếu tăng trưởng GDP mà không thở được, thì xã hội có thể phát triển được không?”, giáo sư đặt câu hỏi.

Ông cũng chỉ rõ, chúng ta đang sống trong không gian chật hẹp, thì không thể bỏ qua nguồn không khí, chất lượng cuộc sống. Không thể cứ tăng trưởng đã rồi tăng trưởng xanh sau. Bởi, chi phí để xanh hóa rất lớn.

Vì thế, theo ông, phải gắn kết chính sách xanh trong kế hoạch tăng trưởng ngày hôm nay.

“Khi nói đến tăng trưởng xanh có nghĩa là nói đến bền vững về môi trường.

Tăng trưởng của Mỹ không bền vững về kinh tế vì dựa trên số lượng nợ lớn. Vì thế, Việt Nam cần khuyến khích đầu tư, nhưng đầu tư phải dựa trên tiết kiệm chứ không phải là dựa trên nợ”, GS. Stiglitz khuyến nghị.

Vậy thước đo nào có thể thay thế GDP? Giáo sư Stiglitz trước đây và bây giờ vẫn là người ủng hộ việc xây dựng các thước đo hiệu quả hơn về sự phồn vinh của một quốc gia.

Ông khẳng định, thực tế các thước đo hạnh phúc không loại bỏ GDP mà GDP là yếu tố bổ sung góp phần làm nên hạnh phúc.

Nhấn mạnh tới việc xây dựng mô hình tăng trưởng phải có lợi cho mọi nhóm xã hội, GS. Stiglitz dẫn chứng mô hình phát triển kinh tế của Brazil. Quốc gia này đang giảm được mức độ bất bình đẳng, vì 20 năm qua họ giải quyết vấn đề giảm nghèo, cải thiện các dịch vụ công như giáo dục, y tế…

“Tính bền vững về mặt xã hội trong tăng trưởng kinh tế không tốt khi tăng trưởng chỉ mang lại lợi ích cho 1% giàu nhất. Ở nghĩa này, các nền kinh tế phát triển đang thất bại và các nền kinh tế mới nổi thành công khi giảm được số người nghèo và bình đẳng xã hội được nâng cao”, ông nói.

Việt Nam cần phải làm gì?

Theo vị giáo sư này, thì chính sách kinh tế vĩ mô rất quan trọng. Cụ thể tại Việt Nam là vấn đề tỷ giá hối đoái. Đây chính là biến quyết định khả năng cạnh tranh và ảnh hưởng đến lạm phát. Vì thế, để có sự cân bằng không dễ.

Trung Quốc phần lớn thành công đã giữ được tỷ giá hối đoái thấp và tránh được lạm phát.

“Điểm mấu chốt của chính sách kinh tế vĩ mô của chúng ta là tỷ giá thấp, nhưng lạm phát thấp”, GS. Stiglitz nhấn mạnh.

Cũng theo GS. Stiglitz, không có nền kinh tế nào thành công, mà không có khu vực tài chính tốt.

Ở Mỹ, những người tài năng nhất làm trong khu vực tài chính, đây cũng khu vực có nhiều đổi mới.

“Nhưng là đổi  mới để lách luật, đổi mới để tạo ra sự rủi ro, làm những cái không nên làm. Vì vậy, có ý kiến là chẳng có đổi mới nào của khu vực tài chính là tốt cho tăng trưởng kinh tế”, ông bảo.

Vì thế, GS. Stiglitz gợi ý, Việt Nam phải có quy định điều tiết mạnh khu vực tài chính. Cụ thể, phải đảm bảo khu vực tư nhân làm việc cầnlàm, không được làm những việc nó không nên làm.

Điều đáng quan tâm là là phải cấp tín dụng cho khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và đánh giá khả năng trả nợ.

Chỉ rõ rằng, cấp tín dụng cho khối doanh nghiệp này ở Việt Nam là rất khó, vì đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đánh giá năng lực và thương hay thất bại, ông Stiglitz nhấn mạnh, vai trò Chính phủ ở đây rất quan trọng.

“Mỹ có chính sách quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa, để hạn chế sự thất bại của khu vực này và chính sách này thành công”, ông nói.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, những nước thành công là những nước can thiệp thông qua việc đưa ra những hướng dẫn chung, nhưng không can thiệp bằng biện pháp hành chính.

Kinh nghiệm thế giới cũng chỉ ra rằng, không chỉ là vấn đề tăn trưởng kinh tế làm tăng bất bình đẳng, mà là chính sách và lợi ích nhóm.

“Khi có nhóm tập đoàn kinh tế can thiệp chính sách thì tiền chỉ đưa cho những người giàu nhất. Quy luật kinh tế không tạo ra bất bình đẳng, mà chính là lợi ích nhóm. Vì thế, trong cải cách thể chế phải làm sao để tăng trưởng, mà không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm trong chính sách”, ông Stiglitz khẳng định.

Trong thời gian tới, GS. Stiglitz khuyến nghị nên tập trung phát triển vào sản xuất, xuất khẩu phần mềm và nông nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của tăng trưởng kinh tế xanh, với cảnh báo cần tích hợp các chính sách bảo vệ môi trường vào phát triển kinh tế ngay từ bây giờ.