Giải mã sự kiện địa chính trị đang khiến nhà đầu tư quốc tế lo lắng trong những ngày này

Theo Thanh Hải/Trí thức trẻ

Với sự bất ổn tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ làm tài sản của đất nước này bốc hơi ngày càng nhanh, giới phân tích đang bận rộn dự báo những quốc gia nào khác có thể bị "lây nhiễm" và điều này có ý nghĩa gì đối với các nhà đầu tư quốc tế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp khó khăn về kinh tế kể từ đầu năm. Đồng tiền của họ đã mất khoảng 33% giá trị do đợt kích thích tài khóa lớn, lạm phát ngày càng tăng và thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ.

Đặc biệt, sau động thái tăng gấp đôi thuế đánh vào thép nhập khẩu từ nước này của Tổng thống Mỹ Donald Trump, các tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ gồm cả thị trường chứng khoán và đồng lira đã lao dốc không phanh. 

Cũng đã có sự can thiệp của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về các quyết định chính sách của ngân hàng trung ương, nhưng điều đó chỉ tiếp tục gây bất ngờ cho nhà đầu tư và làm nổi bật thêm sự rớt giá của đồng tiền nước này.

Các ngân hàng châu Âu

Vào cuối tuần trước, các bản tin của những phương tiện truyền thông cho biết rằng các quan chức tại Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang dành sự quan tâm cho các ngân hàng phía nam châu Âu, vì họ đã cho vay một lượng đáng kể tiền ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này cho thấy nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu tại các ngân hàng châu Âu có thể gặp rủi ro. ECB đã từ chối bình luận về các bản tin.

Dữ liệu từ Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) – nơi thường được gọi là ngân hàng trung ương của các ngân hàng trung ương - cho thấy rằng các ngân hàng Tây Ban Nha đang bị người Thổ Nhĩ Kỳ nợ 83,3 tỷ USD, các ngân hàng Pháp bị nợ 38,4 tỷ USD, và các ngân hàng ở Ý bị nợ 17 tỷ USD. Các nhà điều hành ở châu Âu được cho là đang lo lắng rằng đồng lira yếu hơn sẽ dẫn đến những vụ vỡ nợ trong các khoản vay nước ngoài.

Cổ phiếu của UniCredit, BNP Paribas và BBVA đã giảm khoảng 3% trong phiên giao dịch cuối tuần trước, sau khi có tin cho là các ngân hàng châu Âu có mức "phơi nhiễm" cao nhất đối với Thổ Nhĩ Kỳ, kéo theo chỉ số Stoxx 600 của châu Âu bị giảm 0,7% và chỉ số ngân hàng giảm 1,3%.

Trong nghiên cứu của mình, Carsten Hesse, một chuyên gia kinh tế châu Âu tại Berenberg, lưu ý rằng một số ngân hàng khu vực đồng Euro đang chịu áp lực "do tiếp xúc vốn trực tiếp với các ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tham gia vào các khoản vay hợp vốn (một khoản vay được cung cấp bởi một nhóm người cho vay)".

Nhật Bản, Mỹ

Khi được hỏi về tác động của những rắc rối đang diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Timothy Ash, một chiến lược gia cao cấp về thị trường mới nổi tại Bluebay Asset Management, nói với CNBC rằng "có khả năng phần lớn là trong lĩnh vực ngân hàng ở giai đoạn này".

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng sự "phơi nhiễm" đó là "khá quốc tế". "Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Trung Đông - tất cả mọi người đều bị", ông nói thêm.

Các con số của BIS cũng cho thấy rằng các ngân hàng Nhật Bản đang bị nợ 14 tỷ USD, Vương quốc Anh cho vay 19,2 tỷ USD, còn Mỹ bị "dính" khoảng 18 tỷ USD.

Đồng Lira tiếp tục lao dốc

Cũng trong phiên giao dịch cuối tuần trước, đồng lira đạt mức thấp kỷ lục khác, khi rơi xuống chỉ còn 5,9976 so với đồng USD. Ông Erdogan đã đích thân xuất hiện để làm dịu bớt cơn bão kinh tế khi nói rằng các công dân Thổ Nhĩ Kỳ không nên lo lắng về chuyện đồng tiền yếu hơn.

"Có nhiều chiến dịch khác nhau đang được thực hiện. Đừng chú ý đến chúng. Đừng quên rằng nếu họ có đô la, thì chúng tôi có người dân của mình và có Thiên Chúa. Chúng tôi đang làm việc chăm chỉ. Hãy nhìn vào những gì chúng tôi đã làm hồi 16 năm trước và hãy nhìn chúng tôi vào thời điểm này", Erdogan nói với những người ủng hộ.

Tác động "khiêm tốn"

Mặc dù những nỗi sợ của Thổ Nhĩ Kỳ đang lan rộng đến phần còn lại của châu Âu nhưng các nhà phân tích vẫn khá lạc quan về những rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu và các nhà đầu tư nước ngoài. Roger Jones, người đứng đầu mảng cổ phiếu tại quỹ đầu tư London Capital, lưu ý rằng có thể có hậu quả đối với các công ty bảo hiểm châu Âu, mặc dù là "khiêm tốn".

"Một số ngân hàng châu Âu và các công ty bảo hiểm có sự ‘phơi nhiễm’ với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nó chỉ ở mức khiêm tốn trong bối cảnh tổng thể. Nhìn chung, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là một thành phần nhỏ trong lợi nhuận của công ty châu Âu, trong đó không có tên tuổi cụ thể nào được xem là bị phơi nhiễm quá mức", Jones nói với CNBC qua email.

Các thị trường trái phiếu

Trong khi đó, khủng hoảng kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng có thể mang lại những vấn đề cho nợ chính phủ ở châu Âu, có khả năng ảnh hưởng đến nhà đầu tư trái phiếu và những chính phủ mà phụ thuộc vào các thị trường nợ để cung cấp tài chính cho những kế hoạch chi tiêu của họ.

"Tôi không mong lợi suất trái phiếu của khu vực đồng Euro thực sự bị ảnh hưởng vì Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng về lợi nhuận, các nước trong khu vực đồng euro có lợi suất trái phiếu cao nhất có lẽ sẽ là những quốc gia có thể cảm thấy tác động nhỏ", Hesse, chuyên gia của ngân hàng Berenberg, nói với CNBC qua email.

Ông đã đề cập rằng trong trường hợp này, Hy Lạp và Ý, cũng như Tây Ban Nha có thể bị ảnh hưởng, "do sự phơi nhiễm trong lĩnh vực ngân hàng với Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn mức trung bình".

Tuy nhiên, ông không cho rằng rủi ro mà Thổ Nhĩ Kỳ có thể trở thành một vấn đề về nợ chính phủ là lớn. "Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một nền kinh tế tương đối nhỏ - trị giá 850 tỷ USD, và không có nhiều khả năng đây sẽ là sự kiện nợ chính phủ", Ash nói trong một email.

Chế độ "chờ và xem"

Các nhà đầu tư đang sử dụng cách tiếp cận "chờ đợi" để xem xét các vấn đề kinh tế ở Thổ Nhĩ Kỳ, chủ yếu là do khó mà dự đoán được ngân hàng trung ương nước này có thể làm gì.

"Quan điểm của chúng tôi là vẫn đứng ngoài để quan sát vào lúc này và tiếp tục không tiếp xúc với Thổ Nhĩ Kỳ cho đến khi có sự rõ ràng về kế hoạch kinh tế và tiền tệ của ngân hàng trung ương", Jones từ London và Capital nói với CNBC.