Giải pháp kinh tế để bảo vệ môi trường của Nhật Bản: Khuyến khích bằng thuế

Theo Đạt Quốc/daibieunhandan.vn

Cũng giống với nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới, Nhật Bản ưu tiên sử dụng giải pháp kinh tế trong hoạt động bảo vệ và giữ gìn môi trường. Giải pháp này xuất phát từ ưu điểm có tính phòng ngừa cao bởi đánh trực tiếp vào lợi ích kinh tế mà giới kinh doanh hướng tới. Trong số đó, thuế được coi là giải pháp quản lý môi trường hiệu quả nhất và được áp dụng thống nhất, linh hoạt ở Nhật Bản.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thuế hạn chế và thuế ưu đãi

Năm 1973, Nhật Bản đã áp dụng chính sách thuế nhiên liệu đối với xe ô tô, nhất là xe chạy trong đô thị để hạn chế lượng xe lưu thông. Năm 1989, Nhật Bản tiến hành dán nhãn sinh thái đối với một số loại hàng hóa tiêu dùng. Việc làm trên đã được người mua ủng hộ nhiệt tình và đưa Nhật Bản dần trở thành hình mẫu về nhãn hàng sinh thái trên thế giới.

Cùng với các đạo luật thuế được ban hành trước đây, trong những năm vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã xây dựng và ban hành các đạo luật thuê mới và sửa đổi các đạo luật thuê cũ cho phù hợp với chiến lược bảo vệ môi trường trong thế kỷ XXI.

Nếu trước đây các đạo luật thuế chủ yếu hướng tới “phạt nặng” các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng thì ngày nay, việc ban hành các đạo luật thuế mới còn hướng tới khuyến khích phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải, phát triển các loại nhiên liệu thay thế, bảo vệ và khai thác nước sạch…

Chẳng hạn, để khuyến khích xây dựng các doanh nghiệp tái chế chất thải rắn, Nhật Bản đã thông qua đạo luật “Khuyến khích các cơ sở tái chế chất thải”, cho phép giảm thuế tối đa đối với tài sản cố định, hàng hóa do các doanh nghiệp tái chế chất thải sản xuất; giảm thuế và gia hạn thời gian ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp xử lý nước thải công nghiệp; tăng thuế suất đối với các chủ sở hữu ô tô cũ, hoặc ưu đãi thuế cho các chủ sở hữu ô tô sử dụng công nghệ cao để giảm thiểu ô nhiễm; kéo dài thời hạn áp dụng giảm thuế bất động sản và thuế văn phòng đối với doanh nghiệp sử dụng phương tiện xử lý chất thải… Sau khi các đạo luật về thuế ra đời, người dân Nhật và các doanh nghiệp thực hiện đạo luật này một cách triệt để.

Điều này có lẽ xuất phát từ ý thức và nét văn hóa có tính khoa học và trật tự trong gia đình, ngoài xã hội. Thêm vào đó là việc đóng thuế khá đơn giản thông qua tài khoản ngân hàng cá nhân hoặc đóng trực tiếp cho cơ quan quản lý mọi lúc mọi nơi.

Hướng tới xây dựng một xã hội có chu kỳ vật chất bền vững, kiềm chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, ứng phó với biến đổi khí hậu, Nhật Bản ban hành thuế môi trường vào năm 2012 và đẩy mạnh thực hiện xúc tiến chương trình “chất lượng” xanh.

Cụ thể, Nhật Bản tiến hành thu thuế carbon đối với các sản phẩm dầu thô và các sản phẩm hóa dầu, than đá và mức thu này tăng dần từ năm 2012 đến nay. Thuế carbon được thu ở Tokyo đối với xăng là 1,9 yen/lít, dầu diesel là 2,1 yen/lít. Đối với hộ gia đình ở khu vực đô thị mức đóng thuế carbon là 100 yen/tháng.

Trong giao thông, người ta sử dụng thuế giao thông xanh các loại phương tiện khác nhau, công nghệ khác nhau sẽ có mức đóng thuế khác nhau. Mức đóng thuế thấp nhất dành cho phương tiện giao thông xanh như tàu điện, xe điện hoặc các phương tiện tiết kiệm năng lượng.

Đối với đồ gia dụng, Nhật Bản thu phí tái chế đồ gia dụng. Phí này đã được Chính phủ nghiên cứu và điều chỉnh phù hợp. Tháng 11/2008, phí tái chế điều hòa, tivi, tủ lạnh... được hạ thấp giúp tăng cường việc thu gom đồ gia dụng, giảm bớt gánh nặng cho người tiêu dùng trước khi truyền hình analog chấm dứt hoạt động.

Để giảm thiểu chất thải rắn và tái sử dụng các chi tiết, linh kiện ô tô, Nhật Bản tiến hành thu phí tái chế. Từ tháng 1/2005 đến tháng 3/2009 có 92,77 triệu ô tô phải nộp phí tái chế với tổng trị giá lên tới 912,1 tỷ yen.

Với các đô thị nằm trên các đảo, cách ly với xung quanh, người ta khởi động chương trình hỗ trợ tiền đặt cọc tái chế. Năm 2008, 28 đơn vị đô thị được hỗ trợ tiền đặt cọc tái chế cho 23.000 xe. Các loại thuế, phí này được người dân, doanh nghiệp đóng đầy đủ, bởi theo họ, điều này thể hiện một phần trách nhiệm với môi trường chung.

Hơn nữa việc đóng thuế và phí khá đơn giản, thông qua hệ thống quản lý thuế của chính quyền địa phương, hoặc mạng nên người dân thực hiện một cách dễ dàng. Việc giám sát đóng thuế được giao cho cơ quan thuế và chính quyền địa phương, trong khi đó việc sử dụng tiền phí, thuế bảo vệ môi trường được thông báo một cách công khai, minh bạch.

Nhật Bản rất quan tâm tới việc phân loại chất thải rắn từ nguồn và tái sử dụng các vật liệu nhựa, bao bì thay vì đốt. Ví dụ, năm 2009, tại thành phố Tokyo, người ta đặt các thùng thu gom đồ gia dụng hỏng tại các nhà ga tàu điện ngầm.

Với sáng kiến này, thành phố Yokohama năm 2009 đã tiết kiệm được một khoản kinh phí tương đương 110 tỉ yên nhờ xóa bỏ kế hoạch tái thiết hai nhà máy đốt rác trong thành phố và giảm 3 tỷ yen chi phí vận hành hằng năm. Hay thành phố Chiba có thể tiết kiệm được xấp xỉ 20 tỷ yen nhờ không xây dựng thêm một nhà máy xử lý chất thải rắn.

Linh hoạt theo điều kiện kinh tế

Điều nhấn mạnh là, thuế được Chính phủ thực hiện rất linh hoạt, chính quyền địa phương, người dân và các doanh nghiệp ở Nhật Bản hưởng ứng nhiệt tình.

Không chỉ thực hiện nghiêm túc các giải pháp kinh tế do Chính phủ đưa ra, các doanh nghiệp còn có nhiều sáng kiến cá nhân. Ví dụ, tại thành phố Sapporo, Câu lạc bộ Sư tử đã đưa ra chương trình khuyến khích người dân đem các loại thùng, khay, túi nhựa, vỏ đồ hộp tới bán lại cho các siêu thị trong vùng.

Các siêu thị này tập hợp và tiến hành chuyển chúng tới các nhà máy tái chế hoặc có thể sử dụng để đóng thùng một số loại hàng hóa cồng kềnh nhằm tiết kiệm chi phí mua bao bì mới để đóng gói.

Khó khăn đặt ra đối với các doanh nghiệp thực hiện thuế môi trường cũng như các chỉ tiêu chất lượng xanh là sản phẩm của họ thường có giá thành cao. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Nhật Bản trì trệ suốt hàng thập kỷ qua, một số doanh nghiệp có ý trì hoãn thời gian đóng thuế cũng như xem xét lại phương án sản xuất.

Khi sử dụng nguồn rác thải tái chế thành nguyên liệu đầu vào thì các sản phẩm thường đạt được chất lượng không cao so với dùng nguyên liệu tinh và nếu tách được hết các tạp chất làm nguyên liệu đầu vào của rác tái chế thường nảy sinh chi phí lớn dẫn đến giá thành tăng cao, do vậy sẽ khó hấp dẫn người tiêu dùng.

Để khắc phục khó khăn này, Chính phủ Nhật Bản đã có nhiều biện pháp khuyến khích tuyên truyền vận động người tiêu dùng đồng thời có ưu đãi thích hợp đối với các doanh nghiệp. Trong một số trường hợp đặc biệt để phục hồi kinh tế, Chính phủ Nhật Bản sẽ tạm ngừng việc đóng thuế môi trường và đương nhiên động thái này được các doanh nghiệp tán thành.

Chẳng hạn, thuế môi trường được ban hành từ năm 1997, đến năm 2010, do khó khăn Chính phủ Nhật Bản tạm ngừng việc đóng thuế và hiện nay đang xem xét việc đóng thuế trở lại đối với các doanh nghiệp.