Giữa lo âu và kỳ vọng

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Cụm từ “Abenomics” gắn liền với chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe và được đặt nhiều kỳ vọng như một liệu pháp chữa trị căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Nhật bản. Song, đây có phải là phép nhiệm màu?

Giữa lo âu và kỳ vọng
Cụm từ “Abenomics” được đặt nhiều kỳ vọng như một liệu pháp chữa trị căn bệnh trầm kha của nền kinh tế Nhật bản. Nguồn: internet
Được áp dụng kể từ khi Thủ tướng Shinzo Abe trở lại nắm quyền ở Nhật Bản vào cuối năm 2012, Abenomics hoàn toàn khác biệt với các chính sách kinh tế được các nhà lãnh đạo áp dụng trước đó. Học thuyết kinh tế này được nhìn nhận như một liệu pháp sốc đánh thức nền kinh tế Nhật vốn đã ngủ đông quá lâu và như lời của ông Abe từng tuyên bố, đây sẽ là cơ hội cuối cùng để Nhật Bản giữ vững sức mạnh trên trường quốc tế.

Abenomics là hàng loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng. Chính quyền Abe đã thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ ở mức chưa từng có trong lịch sử, cùng với quá trình bãi bỏ các luật lệ ràng buộc, khiến nhà đầu tư Nhật Bản lạc quan về triển vọng kinh tế đất nước và tích cực đầu tư.

Chính sách nới lỏng tiền tệ và tăng chi tiêu công cũng góp phần hạ giá đồng yen trên thị trường hối đoái. Trong tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên trong vòng 4 năm, đồng USD vượt đỉnh 100 yen, tăng khoảng 30% so với năm 2012. Nhờ tỷ giá đồng yen cạnh tranh, lĩnh vực xuất khẩu cũng có những thay đổi khả quan, trong đó các ngành sản xuất chính của nước này là ô tô và điện tử được hưởng lợi nhiều nhất do có giá rẻ hơn tại các thị trường nước ngoài.

Tokyo cũng rót một khoản ngân sách lớn cho nền kinh tế, cam kết thúc đẩy đầu tư cho lĩnh vực tư nhân và hoạt động của khối doanh nghiệp, hoạch định chương trình phát triển kinh tế cho 5 năm tới. Cùng với đó là giảm mạnh thuế thu nhập doanh nghiệp, cải cách tư pháp và thiết lập các hệ thống mới.

Tháng 11 vừa qua đánh dấu sinh nhật đầu tiên của Abenomics.  Mặc dù vẫn còn không ít hoài nghi, nhưng những thống kê mới nhất cho thấy nền kinh tế xứ Phù Tang đang phát đi những tín hiệu tích cực, chứng tỏ sự thành công bước đầu của kế hoạch táo bạo này. Thị trường chứng khoán khởi sắc với chỉ số Nikkei liên tục tăng điểm. Tính đến đầu tháng 11.2013, chỉ số này đã tăng điểm khoảng 40%, để trở thành chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới trong năm.

Các số liệu mới nhất vừa được công bố cũng cho thấy chi tiêu tiêu dùng và sản lượng công nghiệp của Nhật Bản đều tăng, trong khi tỷ lệ thất nghiệp lại giảm. Trong tháng 9, chi tiêu tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật Bản đã tăng 3,7%. Đây là mức cao nhất trong 6 tháng qua và vượt xa so với dự báo tăng 0,5% của các nhà phân tích trước đó, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Thu nhập trung bình của các gia đình cũng tăng 0,9% trong tháng 9, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 4%, so với mức 4,1% của tháng trước đó. Sản lượng công nghiệp của Nhật Bản tăng 1,5%. Tình hình doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, đặc biệt là ô tô và thiết bị điện tử, được cải thiện rõ nét nhờ đồng yên suy yếu so với USD.  

Nền kinh tế Nhật Bản đang trên đà đạt được mục tiêu lạm phát 2%, nhờ có sự cải thiện trong thị trường tài chính, kinh tế cũng như sự mong chờ của người dân dưới tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ. Trong báo cáo về triển vọng cho 3 năm tới, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn giữ nguyên dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng 1,9% trong tài khóa 2015. BOJ cũng dự báo về chỉ số đóng vai trò thước đo lạm phát này trong tài khóa 2013 và 2014 lần lượt là tăng 0,7% và 1,3%, lý do chủ yếu bởi lương tăng trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi một phần.

Bộ Tài chính Nhật Bản cũng đánh giá chung về nền kinh tế nước này trong quý II tài khóa 2013 là đang phục hồi. Đây là lần đầu tiên trong sáu năm gần đây, Bộ Tài chính Nhật Bản đưa ra nhận định lạc quan này.

Tuy nhiên, tâm lý chung của người dân và các nhà kinh tế Nhật Bản khi đánh giá về Abenomics là sự lo âu xen lẫn kỳ vọng. Sự kết hợp giữa chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, kích cầu bằng chi tiêu công và cải cách kinh tế sâu rộng đã đem tới một sự khởi sắc chưa từng có ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Nền kinh tế một thời lớn thứ ba thế giới đang bước vào một cuộc cải cách mạnh mẽ, và chính sách kinh tế Abenomics được kỳ vọng sẽ là một liều thuốc hiệu quả để đưa đất nước này thoát khỏi quỹ đạo của sự tăng trưởng èo uột, chấm dứt 15 năm giảm phát của nền kinh tế.

Sau những kết quả bước đầu, hiện nay, Thủ tướng Abe đang thực hiện các bước tăng thuế và cắt giảm các chương trình an sinh xã hội, nhằm giảm bớt gánh nặng nợ công, được ví đã cao như núi Phú Sĩ của Nhật Bản.

Abenomics được đánh giá khá linh hoạt vì có những thay đổi sâu sắc hơn để khuyến khích phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động, tạo điều kiện để người lao động có tuổi nghỉ việc, nới lỏng các hạn chế đối với ngành nông nghiệp và dịch vụ. Hiện nay, chỉ có 1/3 các bà mẹ Nhật đi làm. Tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động của Nhật Bản đang thấp nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Nếu phụ nữ Nhật cũng đi làm như đàn ông, dự đoán GDP Nhật Bản sẽ tăng thêm 1.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, Abenomics thất bại, đồng nghĩa với việc khối nợ công khổng lồ của Tokyo sụp đổ, kéo theo những cơn chấn động lớn trong nền kinh tế toàn cầu. Ở mức gần 2,5 lần GDP, nợ công của Nhật Bản hiện nay lớn hơn nhiều so với mức nợ công của bất kỳ nền kinh tế lớn nào khác trên thế giới.

Nếu Abenomics không hiệu quả như kỳ vọng, khi đó, để tránh vỡ nợ, Tokyo có thể tạo áp lực buộc BOJ tiếp tục mua nợ, một quy trình dẫn tới siêu lạm phát, nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng và lãi suất tăng vọt. Điều này sẽ gây hiệu ứng lan tỏa trong khu vực và gây tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu, vốn dĩ đã mong manh. Đây chính là kịch bản mà IMF lo ngại.

Cái đích quan trọng nhất mà chính sách Abenomics được kỳ vọng là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dài hạn, tạo nền tảng vững chắc cho sự trở lại vị trí siêu cường của đất nước Mặt trời mọc. Đến nay, IMF vẫn đưa ra những nhận xét lạc quan khi cho rằng nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này sẽ tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Và những tín hiệu vui ban đầu cho phép người ta tin vào sự thần kỳ của Nhật Bản có thể, một lần nữa sẽ lặp lại.