Hàng hóa giảm giá: Kẻ khóc, người cười

Theo vnexpress.net

Giá nhiều loại hàng hóa giao dịch trên thị trường thế giới đã xuống mức thấp kỷ lục kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2007 -2009. Đây cũng là mức thấp nhất trong gần 100 năm qua do lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm mạnh sẽ kéo nhu cầu đối với năng lượng và các loại nguyên vật liệu khác giảm sút. Tuy nhiên, bên cạnh nỗi lo của các nước xuất khẩu, giá cả giảm cũng là tin vui, nhất là với người tiêu dùng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cơn sốc giá từ Trung Quốc

Theo báo cáo của Standard & Poor’s về thị trường và giá cả, Trung Quốc hiện chiếm 40 - 50% nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của thế giới. Khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cố gắng chuyển dịch cơ cấu từ mô hình phát triển kinh tế dựa vào đầu tư sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, điều tất yếu xảy ra là giá cả được điều chỉnh giảm ở mức hợp lý.

Vì thế, theo các chuyên gia của Standard & Poor’s, khi kinh tế Trung Quốc phát đi những tín hiệu đáng báo động về tốc độ tăng trưởng, những cơn sốc giá hàng hóa là không tránh khỏi.

Trước tiên là dầu mỏ - nguyên liệu thô quan trọng nhất thế giới - đã giảm khoảng 50% chỉ trong vòng một năm. Quặng sắt cũng giảm tương tự. Các hàng hóa khác, từ than đá tới đồng, đậu tương, đường... cùng giảm từ 20 - 40%.

Theo ông Julian Jessop, nhà kinh tế trưởng toàn cầu và đứng đầu nhóm nghiên cứu hàng hóa Capital Economics có trụ sở tại London, giá hàng hóa nói chung đã giảm mạnh, nếu tính gộp cả giá dầu. Trong khi một số nguyên liệu thô đã bắt đầu giảm giá từ năm 2011 khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bắt đầu chững lại, giá dầu mỏ vẫn duy trì đà tăng do những quan ngại về biến động nguồn cung, xuất phát từ việc các nước Trung Đông, Bắc Phi bị cuốn vào vòng xoáy “Mùa Xuân Ảrập”, khiến nhiều nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới bị chao đảo.

Tuy nhiên, khi những nguy cơ này không còn hiện hữu, nhường chỗ cho cuộc cách mạng khí đá phiến tại Mỹ và OPEC kiên quyết không cắt giảm sản lượng khai thác, dầu mỏ rơi vào tình trạng thừa cung. Kết hợp với sự suy giảm tăng trưởng tại Trung Quốc - nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới - giá dầu giảm là điều tất yếu.

Nỗi lo của các nước xuất khẩu

Các nước bị ảnh hưởng lớn nhất là Nga, tiếp đến là Brazil vốn đang nỗ lực đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng suy giảm và Canada mới đây đã tuyên bố rơi vào suy thoái trong 6 tháng đầu năm.

Giá dầu giảm cũng tác động không nhỏ tới nguồn thu của Algeria. Các công ty dầu mỏ cũng bị thiệt hại. Mới đây, Standard & Poor’s đã giảm xếp hạng của tập đoàn khai khoáng Glencore từ mức “ổn định” xuống mức “tiêu cực”.

Rõ ràng, khi giá dầu nói riêng và giá cả hàng hóa nói chung giảm, các nhà khai thác và những nước dựa vào xuất khẩu dầu mỏ sẽ bị thiệt hại, nhưng người tiêu dùng lại được hưởng lợi. Từ góc độ tiêu dùng, tác dụng ròng của xu thế này đối với nền kinh tế thế giới là tích cực khi người tiêu dùng tăng chi tiêu.

Nói cách khác, điều này phản ánh sự chuyển dịch sức mua từ các nhà sản xuất, khai thác năng lượng và nguyên liệu thô sang người tiêu dùng - nhận xét của ông Jan Randolph, chuyên gia đến từ trung tâm nghiên cứu IHS Economics. Tâm lý mua sắm sẽ trỗi dậy khi giá cả trở nên hợp lý hơn.

Bên được hưởng lợi nhất là phương Tây và các thị trường mới nổi vì họ được hưởng giá dầu rẻ hơn, nguyên liệu thô đầu vào rẻ hơn và người tiêu dùng được hưởng sản phẩm đầu ra có giá thành thấp hơn.

Các ngành công nghiệp hưởng lợi

Ở góc độ khác, giá dầu giảm cũng tạo thuận lợi cho các nước phải nhập khẩu nhiều dầu, trong đó các nước Tây âu và tạo thuận lợi lớn cho các ngành sản xuất công nghiệp nói chung, đặc biệt là công nghiệp hóa chất.

Riêng với Pháp, ngành công nghiệp hóa chất hằng năm phải chi gần 10 tỷ euro cho tiêu thụ dầu và khí đốt. Vì vậy, nếu giá dầu thế giới giao dịch quanh ngưỡng 50 USD/thùng thì ngành công nghiệp hóa chất của Pháp tiết kiệm được khoảng 1,5 tỷ euro/năm.

Các ngành công nghiệp như sản xuất giấy và công nghiệp nhựa cũng được lợi nhiều do giá dầu giảm vì công nghiệp nhựa sử dụng nhiều sản phẩm từ ngành công nghiệp hóa dầu. Lĩnh vực giao thông vận tải cũng được hưởng lợi vì chi phí nhiên liệu là một phần quan trọng trong giá thành các dịch vụ sản xuất và vận tải. Bên cạnh đó, chi phí vận tải trong các dịch vụ du lịch cũng giảm, góp phần kích thích phát triển ngành công nghiệp không khói.

Nghiên cứu của IHS Economics cũng chỉ ra rằng, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi ở châu Á phải nhập khẩu dầu mỏ, giá giảm là một quà tặng. Theo các chuyên gia, thực tế này kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc - nước tiêu dùng lớn nhất thế giới. Và Bắc Kinh phải cần nhiều năm để tái cân bằng nền kinh tế của mình.