Hậu bầu cử Italy, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ leo thang?

Theo TBKTVN

Italy đang bước vào một giai đoạn chính trị bất ổn kéo dài khi không một đảng phái đứng ra tranh cử nào nhận được đủ số phiếu để đứng ra thành lập chính phủ.

Hậu bầu cử Italy, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ leo thang?

Tuy nhiên, hãng tin CNN cho biết, theo giới phân tích, chừng nào chính phủ lâm thời của Italy còn duy trì các cải cách đã có từ trước, thì khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ không phải đối mặt với những bước leo thang mới của cuộc khủng hoảng nợ.

Đầu tuần này, cử tri của Italy đem tới cho thị trường toàn cầu một “cú sốc”. Một chiến thắng sát nút đã được dành cho liên minh trung tả của ứng cử viên Pier Luigi Bersani tại Hạ viện. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi và diễn viên hài Beppe Grillo với chủ trương được lòng dân là chống các biện pháp thắt lưng buộc bụng lại dành được tỷ lệ ủng hộ lớn hơn mong đợi ở Thượng viện. Chung cuộc, không một đảng phái đứng ra tranh cử nào nhận được đủ số phiếu để đứng ra thành lập chính phủ mới.

Trước khi diễn ra cuộc bầu cử, giới đầu tư và các nước đối tác của Italy ở châu Âu đã hy vọng ông Bersani có thể thành lập được một chính phủ liên minh mới với cựu Thủ tướng Mario Montin - người đã có công đưa Italy thoát khỏi bờ vực vỡ nợ vào năm ngoái bằng một loạt biện pháp khắc khổ bao gồm tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.

Kết quả bầu cử của Italy đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm, đẩy lãi suất vay vốn từ thị trường trái phiếu của Italy và các quốc gia nặng nợ khác trong Eurozone tăng cao. Các nhà đầu tư lo ngại, thế bế tắc chính trị mà Italy rơi vào có thể làm chệch hướng những cải cách đã có ở nước này, theo đó đẩy châu Âu vào một vòng xoáy khủng hoảng mới sau khi cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực có chiều hướng lắng xuống trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, giữa lúc bất ổn gia tăng trên thị trường, một sự kết hợp giữa các cải cách của ông Monti khi còn đương chức và lời cam kết của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ mua trái phiếu của các quốc gia ốm yếu trong Eurozone có thể vẫn sẽ đem đến cho Italy đủ thời gian để bầu ra một chính phủ ổn định.

“Chúng ta đã chứng kiến lợi suất trái phiếu tăng, và thị trường có thể gia tăng áp lực buộc Italy phải tìm ra một giải pháp chính trị ổn định và hiệu quả để tiếp tục lịch trình cải cách nền kinh tế”, chuyên gia kinh tế Raj Badiani của hãng nghiên cứu IHS nhận xét trên CNN.

Các nhà phân tích chính trị và chuyên gia kinh tế dự báo, ông Bersani sẽ nỗ lực thành lập một chính phủ liên minh rộng rãi với mục tiêu cải cách hệ thống bầu cử và các thể chế chính trị của Italy, bên cạnh các quyết định lớn liên quan tới kinh tế. Đây là một chủ trương có thể nhận được sự ủng hộ của tất cả các đảng phái chính trị ở nước này.

“Tình hình ở Italy hiện nay không tệ đến mức chúng tôi không thể chịu đựng được thế bế tắc chính trị kéo dài vài tháng khiến các cải cách kinh tế lớn tạm ngưng. Đã có nhiều cải cách được hoàn thành tính tới thời điểm này. Ưu tiên hàng đầu là phải tránh bất kỳ sự lùi bước nào”, chuyên gia kinh tế trưởng Marco Valli tại ngân hàng UnitCredit của Italy, nói.

Số nợ của Chính phủ Italy hiện ở mức khoảng 2 nghìn tỷ Euro, tương đương khoảng 127% GDP, một tỷ lệ nợ công cao thứ nhì Eurozone, chỉ sau Hy Lạp. Nền kinh tế lớn thứ ba của châu Âu này gần như không tăng trưởng trong mấy năm qua, tỷ lệ thất nghiệp hiện ở mức gần 12% và đang tăng, khiến cuộc sống của nhiều người dân chật vật.

Hiện Italy đang rất cần tới những cải cách mang tính cơ cấu để cải thiện năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và giảm đáng kể “núi” nợ công.

“Khủng hoảng sẽ trở lại nếu tất cả những điều này bị trì hoãn”, chuyên gia Badiani của IHS nói.

Theo dự báo mới nhất từ Ủy ban châu Âu (EC), Italy sẽ bắt đầu giảm được gánh nặng nợ nần vào năm 2014, và nước này đã tận dụng được niềm tin cải thiện của các nhà đầu tư để vay vốn trên thị trường trái phiếu, đảm bảo đủ 25% số vốn cần vay trong năm nay.

“Italy vẫn đang trong trạng thái khả quan hơn so với thời điểm ông Mario Montin tiếp quản quyền lực từ ông Silvio Berlusconi vào tháng 11/2011. Vấn đề then chốt đối với Italy là nước này phải đảm bảo những gì đã đạt được sẽ không bị đảo lộn, và cần phải kiểm soát được niềm tin và các kỳ vọng của thị trường”, chuyên gia kinh tế Azad Zangana của Schroders nói.

Một cuộc kiểm tra quan trọng đối với Italy sẽ diễn ra vào ngày 27/2 khi Chính phủ nước này phát hành số trái phiếu kỳ hạn 10 năm trị giá 3-4 tỷ USD. Các chiến lược gia thị trường dự báo lợi suất trái phiếu Italy có thể sẽ còn tăng thêm và thử vượt ngưỡng 5%. Tuy nhiên, mức lợi suất này còn thua xa mức đỉnh 6,6% thiết lập khi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ở giai đoạn căng thẳng.