Hậu phán quyết về biển Đông của PCA: Cơ hội làm mới các nỗ lực hòa bình

Theo daibieunhandan.vn

Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc, có trụ sở tại La Haye, Hà Lan, về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới vấn đề Biển Đông đã nhận được sự hoan nghênh của cộng đồng quốc tế, kèm theo nhiều lời kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết cuối cùng của PCA. Các nhà ngoại giao cho rằng, phán quyết của PCA mang lại cơ hội để làm mới các nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông.

 Cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN - Trung Quốc
Cuộc họp đặc biệt cấp Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN - Trung Quốc

Bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn”

Phán quyết của PCA đưa ra ngày 12/7 đã giúp làm sáng tỏ những tranh cãi giữa Philippines và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, khi khẳng định không có căn cứ pháp lý để Trung Quốc đòi “quyền lịch sử” ở Biển Đông; đồng thời, bác bỏ những yêu sách về “Đường chín đoạn” của Trung Quốc ở vùng biển này.

Nhiều bình luận cho rằng, phán quyết của PCA là thắng lợi của công lý, pháp lý quốc tế. Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, người dẫn đầu trong quá trình kiện Trung Quốc ra PCA cho rằng, việc PCA đưa ra phán quyết có lợi cho Philippines, đặc biệt là việc khẳng định những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là phi pháp theo UNCLOS, không chỉ là thắng lợi tinh thần đối với riêng Philippines, mà còn là thắng lợi chung cho những quốc gia khác đang phải đối mặt với những yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc.

Ông Albert cho hay, Philippines sẽ làm việc với Mỹ và các quốc gia khác tại các diễn đàn ngoại giao đa phương trên khắp thế giới, trong đó có LHQ, nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam hoan nghênh việc PCA đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12.7 vừa qua; đồng thời, khẳng định ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Tuy nhiên, việc Trung Quốc bác bỏ phán quyết của PCA, cũng như việc thiếu cơ chế thực thi phán quyết khiến nhiều người lo ngại phán quyết của PCA chỉ mang tính khích lệ về mặt tinh thần. Song, giới chuyên gia cho rằng, phán quyết của PCA mang tính ràng buộc về mặt ngoại giao.

Bởi lẽ, việc Trung Quốc không tôn trọng và chấp hành phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế cho thấy quốc gia này không tuân thủ luật pháp quốc tế. Điều này sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc, trong bối cảnh nước này đang theo đuổi tham vọng mở rộng ảnh hưởng chính trị và kinh tế trên trường quốc tế. Không nhận được sự tôn trọng và hợp tác các nước láng giềng, Trung Quốc khó trở thành cường quốc lớn tiến ra thế giới.

Cơ hội cho các nỗ lực hòa bình

Hoan nghênh phán quyết của PCA, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho rằng, phán quyết của PCA là đóng góp quan trọng vào mục tiêu chung nhằm đạt được thỏa thuận hòa bình trong giải quyết vấn đề Biển Đông.

Ông Kirby nhấn mạnh, cần coi phán quyết của tòa như cơ hội làm mới các nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cũng cho rằng, phán quyết của PCA có thể được dùng làm căn cứ để các bên liên quan tiến hành quá trình đàm phán, nhằm tiến tới việc đạt thỏa thuận một cách hòa bình nhằm giải quyết các tranh cãi trên Biển Đông.

Phản ứng sau khi PCA đưa ra phán quyết về Biển Đông, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi tất cả các bên liên quan giải quyết vấn đề Biển Đông một cách hòa bình và hòa giải thông qua đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ.

Ông Ban Ki-moon còn bày tỏ hy vọng, quá trình tham vấn đang diễn ra giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc về Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC), dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), sẽ dẫn tới sự gia tăng hiểu biết lẫn nhau giữa các bên có tranh chấp tại Biển Đông.

Phán quyết của PCA được xem là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực giải quyết vấn đề Biển Đông, đồng thời cũng đặt ra thách thức với ASEAN trong việc giải quyết vấn đề này. Các nhà phân tích cho rằng, ASEAN cần phải đoàn kết, phát huy sức mạnh và tạo sự đồng thuận để tiếp tục thúc đẩy các kênh đối thoại với Trung Quốc, nhằm đạt thỏa thuận về các nguyên tắc của COC, vận động Trung Quốc tích cực tham gia thực chất vào quá trình đàm phán và ký kết bộ quy tắc này.