Hé lộ học thuyết chiến tranh phòng ngừa trong không gian mạng

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Tiết lộ của tờ New York Times cho biết, Tổng thống Barack Obama sẽ được trao nhiều thẩm quyền trong việc ra quyết định tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu trong không gian mạng, nếu Mỹ có bằng chứng đáng tin cậy về nguy cơ một cuộc tấn công kỹ thuật số quy mô lớn từ nước ngoài.

Hé lộ học thuyết chiến tranh phòng ngừa trong không gian mạng
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet

Trong vài tuần tới, giới chức ở Washington sẽ phê chuẩn những quy định, trong đó có khuôn khổ và cách thức mà quân đội được phép ngăn chặn hoặc đáp trả các cuộc tấn công quy mô lớn trong không gian ảo. Những quy định mới này còn cho phép các cơ quan tình báo tiến hành điều tra hoặc thâm nhập vào những hệ thống máy tính ở ngoài phạm vi lãnh thổ Mỹ nếu nhận thấy có dấu hiệu của các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Nếu được Tổng thống phê chuẩn, cơ quan chức năng của Mỹ có quyền mở các cuộc tấn công phủ đầu bằng cách cài virus có khả năng hủy diệt vào mạng máy tính khả nghi mà không cần phải chờ đến khi tuyên chiến.

Những quy định mới này được xếp vào dạng tuyệt mật, tương tự những quy định liên quan đến máy bay không người lái. John O. Brennan, cựu Cố vấn trong lĩnh vực chống khủng bố của Nhà trắng, người vừa được Tổng thống Obama đề cử vào vị trí Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), đóng vai trò trung tâm trong việc phát triển các chính sách của chính quyền liên quan đến cả máy bay không người lái và chiến tranh trên không gian mạng - hai vũ khí mới nhất và nhạy cảm nhất trong kho vũ khí của Mỹ.

Phát triển vũ khí tin học đang trở thành cuộc chạy đua vũ trang mới nhất và có lẽ cũng phức tạp nhất hiện nay. Lầu Năm Góc đã thành lập bộ chỉ huy quân sự trên mạng mới mang tên Cyber Command, và mạng máy tính chiến tranh là một phần trong các kế hoạch ngân sách quân sự. Khoản ngân sách này dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Giới chức cho biết, chính sách phòng thủ không gian mạng mới ra đời trên cơ sở sự phát triển của chính sách chống khủng bố kéo dài một thập kỷ qua, đặc biệt là việc phân chia thẩm quyền giữa quân đội và cơ quan tình báo trong việc triển khai vũ khí tin học.

Theo các quy định hiện hành của Mỹ, quân đội chỉ có thể mở các chiến dịch chống khủng bố ở những quốc gia mà Mỹ được phép hoạt động theo Luật Chiến tranh, ví dụ như Afghanistan. Tuy nhiên, các cơ quan tình báo có quyền tiến hành các cuộc không kích bằng máy bay không người lái, cũng như các chiến dịch biệt kích ở những nơi không phân biệt vùng chiến sự như Pakistan hay Yemen. Đây là điểm gây tranh cãi về xu hướng sử dụng máy bay không người lái.

Kể từ khi lên làm Tổng thống, ông Obama mới phê chuẩn một lần duy nhất việc sử dụng vũ khí tin học. Đó là khi Tổng thống Obama ra lệnh mở hàng loạt các cuộc tấn công leo thang nhằm vào các cơ sở làm giàu uranium của Iran, trong khoảng thời gian đầu nhiệm kỳ Tổng thống thứ nhất của ông. Chiến dịch trên, mang bí danh Olympic Games, ban đầu được triển khai bởi Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền cựu Tổng thống George W.Bush, sau đó đã nhanh chóng thuộc quyền chỉ huy của cơ quan tình báo lớn nhất của Mỹ là Cơ quan An ninh quốc gia, do Tổng thống trực tiếp chỉ đạo.

Cuộc tấn công tin học nhằm vào Iran, mà Chính phủ Mỹ chưa từng thừa nhận, đã cho thấy các cơ sở hạ tầng trọng yếu quốc gia có thể bị hủy diệt mà không cần bom đạn hay những kẻ đánh bom tự sát. Có rất nhiều mục tiêu tiềm năng của các cuộc tấn công tin học như quân đội, lưới điện quốc gia, hệ thống tài chính và mạng lưới thông tin liên lạc. Phức tạp hơn nữa, những kẻ tấn công lại không đại diện cho bất kỳ quốc gia cụ thể nào, như các tổ chức khủng bố hoặc các nhóm tội phạm quốc tế, có thể kết hợp nhiều cuộc tấn công cùng lúc và thường rất khó để kết luận ai là người chịu trách nhiệm.

Luật quốc tế cho phép bất kỳ quốc gia nào có quyền tự vệ trước các mối đe dọa và nước Mỹ đã áp dụng khái niệm này vào việc thực hiện các cuộc tấn công phủ đầu. Tuy nhiên, hành động này luôn gây nhiều tranh cãi về mặt pháp lý. Chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq năm 2003, do Tổng thống Bush phát động, được biện minh như hành động phủ đầu nhằm ngăn chặn mối đe dọa từ vũ khí hủy diệt là một ví dụ điển hình. Khái niệm tấn công phủ đầu trong không gian mạng đặt ra nhiều tình thế khó khăn hơn, bởi đối tượng bị tấn công phủ đầu rất dễ dàng tuyên bố rằng họ hoàn toàn vô tội. Trong khi đó, rất khó đưa ra những bằng chứng cho thấy mục tiêu trên là mối đe dọa tin học nguy hiểm.

Trong quá trình tiến hành các cuộc tấn công tin học nhằm vào các cơ sở của Iran, Tổng thống Obama đã quả quyết rằng các vũ khí tin học chỉ tấn công mục tiêu trong phạm vi rất hẹp và không ảnh hưởng tới những cơ sở hạ tầng thiết yếu như bệnh viện hay nguồn cung cấp điện. Đồng thời, ông Obama cũng thường xuyên bày tỏ quan ngại về tình trạng vũ khí tin học của Mỹ có thể bị các đối tượng khác sử dụng để nhằm vào chính nước Mỹ. Bằng chứng thực tế là virus Stuxnet, được sử dụng trong cuộc tấn công tin học nhằm vào các cơ sở làm giàu uranium của Iran, đã nhân lên hàng triệu con virus trên internet.

Theo hướng dẫn mới của Chính phủ Mỹ, Lầu Năm Góc không được phép tham gia ngăn chặn các cuộc tấn công tin học thông thường nhằm vào các công ty Mỹ hay cá nhân, tuy rằng ngày nay có rất nhiều công cụ trợ giúp ngăn chặn những cuộc tấn công này. Trong phạm vi trong nước, trách nhiệm phòng ngừa nguy cơ tấn công tin học thuộc về Bộ An ninh nội địa, và việc điều tra các cuộc tấn công hoặc trộm cắp trên mạng thuộc về Cục Điều tra liên bang (FBI).

Tuy nhiên, trong trường hợp phải đối mặt với nguy cơ “một cuộc khủng bố 11.9 trong không gian mạng”, quân đội, vốn bị cấm hành động trong phạm vi lãnh thổ nước Mỹ mà không có lệnh của Tổng thống, sẽ được phép tham gia các cuộc tấn công phòng ngừa này.