Hợp tác về tài chính trong ASEAN

Đức Duy

Tiến trình hợp tác tài chính trong ASEAN tập trung vào các hoạt động: Thực hiện Lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN vào năm 2020; Thực hiện Cơ chế giám sát kinh tế ASEAN; Xây dựng Kế hoạch tổng thể hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào 2015; và các chương trình hợp tác tài chính ASEAN khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các mục tiêu chính và tình hình thực hiện

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, hệ thống tài chính ngày càng có vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia. Bên cạnh các chức năng chu chuyển vốn, trung gian thanh toán, hệ thống tài chính còn quyết định sự ổn định của mỗi nền kinh tế và toàn bộ khu vực.

ASEAN là một khu vực kinh tế năng động có diện tích: 4.435.670 km2; Dân số: 598.498.000 người; GDP: 1.850.855 triệu USD. Tại Tầm nhìn ASEAN 2020, được thông qua 12/1997, các nhà lãnh đạo ASEAN đã định hướng ASEAN sẽ hình thành một Cộng đồng, trong đó sẽ tạo ra một Khu vực Kinh tế ASEAN ổn định, thịnh vượng, có khả năng cạnh tranh cao, với hàng hoá, dịch vụ và đầu tư được lưu chuyển thông thoáng, vốn được lưu chuyển thông thoáng hơn, kinh tế phát triển đồng đều, nghèo đói và phân hoá kinh tế-xã hội giảm bớt.

Tiến trình hợp tác tài chính trong ASEAN tập trung vào các hoạt động: Thực hiện Lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN vào năm 2020; Thực hiện Cơ chế giám sát kinh tế ASEAN; Xây dựng Kế hoạch tổng thể hướng tới Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào 2015; và các chương trình hợp tác tài chính ASEAN khác.

- Lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN: Lộ trình hội nhập tài chính - tiền tệ ASEAN đã được các Nhà Lãnh đạo cấp cao ASEAN thông qua vào tháng 10/2003. Mục tiêu là hướng tới sự hội nhập thị trường tài chính- tiền tệ ASEAN sâu rộng vào năm 2020. Lộ trình tập trung vào 4 lĩnh vực: Phát triển thị trường vốn; Tự do hoá tài khoản vốn; Tự do hoá lĩnh vực dịch vụ tài chính ASEAN và Hợp tác tiền tệ ASEAN.

- Cơ chế giám sát ASEAN: Cơ chế giám sát kinh tế ASEAN (ASR) được thiết lập từ năm 1997 với nội dung (i) Kiểm điểm kinh tế định kỳ 2 lần/năm để đánh giá tình hình kinh tế và tài chính khu vực, đưa ra các khuyến nghị chính sách; (ii) cung cấp hệ thống cảnh báo sớm về các cuộc khủng hoảng tương lai nhằm có các biện pháp ứng phó kịp thời; (iii) trao đổi thông tin về diễn biến và triển vọng kinh tế thế giới.

- Các hợp tác tài chính ASEAN khác: Hiện nay, các nội dung hợp tác tài chính khác trong ASEAN bao gồm hợp tác về thuế, hợp tác hải quan (cơ chế một cửa, xây dựng danh mục AHTN, hải quan quan điện tử), chương trình xúc tiến đầu tư của các Bộ trưởng Tài chính ASEAN, hợp tác chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, cải cách hệ thống tài chính quốc tế…

Hợp tác tài chính ASEAN + 3 tập trung các hoạt động: (i) Triển khai Sáng kiến phát triển thị trường trái phiếu ASEAN+3 (ABMI); (ii) Triển khai Sáng kiến Chiềng Mai (CMI) và (iii) Thực hiện nghiên cứu trong khuôn khổ Nhóm nghiên cứu ASEAN + 3.

ABMI được khởi xướng vào năm 2003 với mục tiêu: (i) phát triển có hiệu quả và sâu rộng các thị trường trái phiếu trong khu vực; và (ii) tăng cường hợp tác qua biên giới giữa các thị trường.

CMI được các Bộ trưởng Tài chính ASEAN + 3 thông qua tháng 05/2000 nhằm tăng cường hợp tác và hỗ trợ trong khu vực để ngăn chặn hoặc/và đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Với mục tiêu: (i) hỗ trợ những khó khăn tạm thời về cán cân thanh toán của các nước trong khu vực; và (ii) bổ sung cho các thoả thuận hỗ trợ tài chính hiện hành của các tổ chức tài chính quốc tế.

ASEAN đã thành lập Quỹ Cơ sở Hạ tầng ASEAN (AIF); Văn phòng Giám sát Tài chính và Kinh tế Vĩ mô (MFSO) tại Ban thư ký ASEAN…

Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 19 (AFMM-19) và Hội nghị chung giữa Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ nhất tổ chức vào cuối tháng 3/2015, các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương ASEAN đã đạt được nhất trí cao trong việc tăng cường phát triển thị trường tài chính khu vực để hướng tới mục tiêu thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), đồng thời quyết tâm phối hợp chặt chẽ và thúc đẩy quá trình hội nhập tài chính, tiền tệ khu vực sau khi AEC được thành lập.

Các Bộ trưởng Tài chính ASEAN đã nhất trí phải tăng cường hoạt động của Diễn đàn Thuế ASEAN để thúc đẩy hơn nữa quá trình hài hòa thuế, ghi nhận những tiến bộ đạt được trong hợp tác hải quan, đặc biệt là việc thực hiện thành công dự án thí điểm thực hiện kết nối Cơ chế một cửa ASEAN được triển khai tại 7 nước thành viên. Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng đã ký Nghị định thư về Khung pháp lý cho việc triển khai Cơ chế một cửa ASEAN (PLF-ASW) nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại hàng hóa nội khối.

Trong lĩnh vực bảo hiểm, các Bộ trưởng ghi nhận những thành tựu mà các cơ quan bảo hiểm ASEAN đạt được trong việc xây dựng khung pháp lý điều hành để thúc đẩy các sản phẩm bảo hiểm, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, tăng tỷ lệ bảo hiểm và tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiệp hội giám sát bảo hiểm quốc tế trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu của AEC.

Quỹ cơ sở hạ tầng ASEAN (AIF) là một cấu phần trong những nỗ lực của ASEAN để tăng cường kết nối khu vực và thu hẹp khoảng cách phát triển cơ sở hạ tầng trong khối. Hiện Quỹ AIF có tổng nguồn vốn khoảng 485,3 triệu USD. Trong năm 2014, quỹ đã hỗ trợ dự án chuyển giao năng lượng và hệ thống nước sạch tại Indonesia, dự án liên kết năng lượng tại Việt Nam.

Những thách thức cơ bản

Khủng hoảng tài chính đã cho thấy những khác biệt lớn nhất của các nước ASEAN nằm ở vấn đề ổn định vĩ mô. Khác biệt về mức độ ổn định vĩ mô được thể hiện ở một số chỉ tiêu cơ bản như lạm phát, thâm hụt ngân sách, thâm hụt tài khoản vãng lai. Những khác biệt này, một phần, bắt nguồn từ trình độ phát triển của các nền kinh tế thành viên, song chắc chắn có quan hệ nhân quả với sự phát triển của khu vực tài chính.

Những khác biệt có thể kể đến là dịch vụ tài chính ở một số nước vẫn thiên về các sản phẩm truyền thống, chất lượng dịch vụ còn hạn chế; Do tiềm lực tài chính còn thấp, nên khả năng chống đỡ rủi ro của từng ngân hàng còn hạn chế; Vấn đề giám sát hoạt động của khu vực tài chính còn yếu, một mặt, do hệ quả của hạ tầng thông tin, chế độ kế toán, hạch toán, cơ chế phân loại tài sản, nợ… chưa đảm bảo việc phản ánh chính xác tình trạng tài chính của các định chế tài chính, hệ thống thông tin chưa kịp thời, đầy đủ. Mặt khác, sự phát triển nhanh của khu vực tài chính ngân hàng, tính chất phức tạp của các dịch vụ tài chính, nói chung thường đi trước so với vấn đề phát triển tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, các công cụ, phương tiện thanh tra, giám sát….

Từ những phân tích trên cho thấy những hạn chế này không chỉ tác động tới khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội giữa các nước, mà còn là rào cản đối với việc hội nhập và phát triển bền vững của khu vực. Do vậy, đẩy mạnh hợp tác, mở cửa cho phép các hoạt động tài chính – ngân hàng diễn ra ở tầm khu vực trong điều kiện trên đây sẽ cần nhiều giải pháp thận trọng và đồng bộ.