Hy Lạp trưng cầu dân ý về cứu trợ: Bóng sang sân cử tri?

Theo Thành An/daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Trong một bước đi bất ngờ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã tuyên bố sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về kế hoạch cứu trợ (bao gồm cả những biện pháp cải cách khắc khổ) trong trường hợp Athens đạt được một thỏa thuận với các chủ nợ quốc tế. Đây có thể coi là cú đẩy bóng thoát hiểm ngoạn mục của Thủ tướng Hy Lạp khi bị kẹt giữa áp lực của các chủ nợ đòi cải cách và sự phản đối của người dân đối với các chính sách thắt lưng buộc bụng.

Ảnh minh họa. Nguồn: occupy.com
Ảnh minh họa. Nguồn: occupy.com

Trách nhiệm công dân

Thủ tướng Hy Lạp Tsipras đã quyết định để người dân Hy Lạp tự lựa chọn tương lai của mình trong trường hợp Athens đạt được thỏa thuận với “bộ ba” chủ nợ gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đây là lựa chọn được ông Tsipras đưa ra sau khi từ chối kế hoạch cứu trợ mới trị giá 12 tỷ euro của bộ ba chủ nợ kèm theo các điều kiện cải cách hà khắc.

Thông tin về cuộc trưng cầu khiến người dân Hy Lạp không khỏi lo lắng. Trong một phản ứng đầu tiên, ngay từ rạng sáng, rất nhiều người đã xếp hàng để đợi rút tiền từ các máy ATM tại các khu vực ở Thủ đô Athens. Họ lo ngại các nguồn vốn sẽ bị thắt chặt kiểm soát kể từ ngày 29.6, bất chấp việc Thứ trưởng Cải cách hành chính George Katrougkalos khẳng định Chính phủ không có bất cứ kế hoạch nào nhằm áp đặt các quy định kiểm soát nguồn vốn, và các ngân hàng sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường.

Trong khi đó, phe đối lập tại Hy Lạp cho rằng Chính phủ đang đánh bạc với cuộc một trưng cầu dân ý có thể dẫn tới những rối loạn tài chính, chính trị và xã hội. Còn theo báo giới, nhiều thành viên Nội các tin tưởng người dân sẽ bỏ phiếu chống và phản đối các yêu cầu của chủ nợ, ép nước này phải thực hiện các biện pháp khắc khổ.

Bảo vệ cho quyết định của mình, Thủ tướng Tsipras khẳng định mọi người dân Hy Lạp đều có trách nhiệm lịch sử đối với tương lai của đất nước và tương lai của các thế hệ mai sau. Chính khách trẻ tuổi này tuyên bố sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân.

Ông đồng thời khẳng định những yêu cầu của các chủ nợ đã vi phạm các quy tắc xã hội và các quyền nền tảng của châu Âu, bóp nghẹt nền kinh tế Hy Lạp và là sự sỉ nhục người dân nước này.

Cú phản đòn đối với EU

Quyết định tổ chức trưng cầu dân ý của chính quyền Athens đã giúp Thủ tướng Tsipras thoát khỏi thế gọng kìm khi phải dung hòa giữa một bên là các lợi ích của người dân và một bên là sức ép của các chủ nợ để tránh nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ.

Theo ông Wolfgango Piccoli, chuyên gia phân tích đến từ Teneo Intelligence, nguy cơ về một Grexit hiện đã tăng từ 20% lên 50% bởi nhiều khả năng cử tri Hy Lạp không đồng tình với kế hoạch thắt lưng buộc bụng. Thủ tướng Tsipras đã sử dụng trưng cầu dân ý như một là bài mặc cả quan trọng nhằm buộc các chủ nợ, vốn lo ngại về nguy cơ Grexit (Hy Lạp rời EU), nhượng bộ và đưa ra một thỏa thuận có lợi hơn cho Hy Lạp.

Thực tế, Athens tuy nợ nần chồng chất nhưng không phải là không có quân bài để mặc cả với Brussels. Hy Lạp chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong nền kinh tế thế giới, nhưng vai trò của nước này trong rổ tiền tệ lớn trên thế giới khiến việc rút khỏi Eurozone không phải chuyện “rũ bỏ là xong”.

Các thị trường chứng khoán biến động mỗi khi có những đồn đoán về việc có thỏa thuận nào đó đạt được hay không, và nhiều khả năng sẽ hỗn loạn hơn nữa nếu Hy Lạp rời Eurozone. Các chủ nợ của Hy Lạp như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và các nước châu Âu khác cũng sẽ đối mặt với các khoản thua lỗ.

Một nhân tố nữa là Hy Lạp, cùng với Italy, đã phải gánh chịu làm sóng dân di cư từ Trung Đông và Bắc Phi sang. Việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone sẽ làm cho tiến trình hợp tác và xử lý vấn đề trên trở nên khó hơn. Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos từng đe dọa sẽ cho châu Âu “ngập lụt” người nhập cư nếu Hy Lạp bị đẩy vào thế vỡ nợ. Mối lo lắng then chốt khác là việc Hy Lạp rời khỏi sẽ làm thay đổi cách nhìn về việc sử dụng một đồng tiền tệ chung.

Từ góc nhìn này, quyết định tổ chức trưng cầu dân ý có thể coi là cú phản đòn của Athens trước những sức ép của các chủ nợ. Đây không phải là lần đầu tiên Hy Lạp viện tới một cuộc trưng cầu dân ý. Năm 2011, cựu Thủ tướng George Papandreou đã từng lấy ý kiến người dân về các yêu cầu của chủ nợ.

Khi đó, người dân xứ sở thần thoại đã lựa chọn ở lại Eurozone. Chính phủ của ông Papandreou đã buộc phải từ chức sau đó và được thay thế bằng một nội các gồm các nhà kỹ trị. Lần này, tình hình trở nên phức tạp hơn khi các cuộc thăm dò gần đây cho thấy có tới 70% số cử tri tuyên bố ủng hộ lập trường cứng rắn của Chính phủ trong đàm phán với các chủ nợ để bảo vệ phẩm giá đất nước.