IMF cảnh báo nguy cơ cuộc chiến thương mại ngày càng trầm trọng hơn

Theo TTXVN

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo việc Đức và Trung Quốc đạt thặng dư thương mại lớn, trong khi Mỹ liên tục hứng chịu thâm hụt thương mại có thể khiến cuộc chiến thương mại trầm trọng hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới không ngừng leo thang, IMF cảnh báo việc Đức và Trung Quốc đạt thặng dư thương mại lớn, trong khi Mỹ liên tục hứng chịu thâm hụt thương mại có thể khiến cuộc chiến thương mại trầm trọng hơn.

Trong báo cáo mới nhất công bố ngày 24/7, IMF đánh giá về mức thặng dư thương mại của các nền kinh tế lớn trên thế giới và cũng là những đối tác thương mại của Mỹ gồm Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu (EU), trong đó cho rằng Đức là nước có "mức thặng dư thương mại vượt trội mạnh mẽ hơn" so với quy mô kinh tế của nước này, trong khi Trung Quốc, Hàn Quốc và EU có "mức thặng dư thương mại vừa phải".

Cụ thể, trong năm 2017, thặng dư thương mại của Đức đạt 8% GDP. Berlin đạt được kết quả này là nhờ giá các mặt hàng xuất khẩu của Đức có sức cạnh tranh hơn nhờ đồng euro giữ ở mức giá thấp do kinh tế yếu kém của một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), như Hy Lạp.

Báo cáo của IMF cho rằng trong giai đoạn ngắn hạn, nếu mức thâm hụt thương mại của Mỹ vẫn tiếp tục tăng hơn so với mức 2,4% GDP ghi nhận trong năm 2017 và tình hình có thể nghiêm trọng hơn do tác động từ các biện pháp kích thích tài chính của chính quyền Tổng thống Trump và giá trị đồng USD không ngừng tăng, nhiều khả năng Washington sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp thuế quan nhằm giảm thâm hụt thương mại với các nước đối tác.

Điều này đồng nghĩa với việc cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ càng thêm trầm trọng.

Nhà kinh tế hàng đầu của IMF, Maury Ohstfeld cảnh báo nếu các tuyên bố đe dọa biến thành hành động cụ thể và làm sói mòn lòng tin, những tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế là điều không thể tránh khỏi.

Ông cho rằng viễn cảnh xấu nhất là kéo đà tăng trưởng kinh tế thế giới thụt lùi 0,5% vào năm 2020.