IMF cảnh báo rủi ro mới về tăng trưởng toàn cầu

Theo vneconomy.vn

(Tài chính) Trong một báo cáo ra ngày 19/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nói rằng, các nền kinh tế phát triển tránh cắt giảm quá nhanh các chính sách kích thích bởi nền kinh tế toàn cầu còn yếu và một số thị trường mới nổi gần đây trải qua những biến động bất thường.

 IMF cảnh báo rủi ro mới về tăng trưởng toàn cầu
IMF khuyến nghị ngân hàng trung ương của các nước giàu phối hợp với nhau trong việc rút lui khỏi các gói hỗ trợ tăng trưởng. Nguồn: internet
Hãng tin Reuters cho biết, IMF khuyến nghị ngân hàng trung ương của các nước giàu phối hợp với nhau trong việc rút lui khỏi các gói hỗ trợ tăng trưởng. Khuyến nghị này của IMF đồng điệu với lời kêu gọi mà các nhà hoạch định chính sách ở một số nền kinh tế mới nổi đưa ra trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng QE3.

Được biết, đây là một báo cáo ngắn mà IMF chuẩn bị cuộc họp của bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G-20) sắp diễn ra ở Sydney, Australia vào ngày 22-23/2. Trong báo cáo này, IMF duy trì dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,75% trong năm nay và 4% cho năm 2015, không thay đổi so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.

Tuy nhiên, bản báo cáo nhấn mạnh những rủi ro mới đối với kinh tế toàn cầu, từ mức lạm phát rất thấp ở khu vực Eurozone, cho tới việc các thị trường mới nổi cần áp dụng những chính sách kinh tế thích hợp và tỷ giá hối đoái linh hoạt để đối phó với những biến động gần đây trên thị trường.

“Các dòng vốn rút đi, lãi suất gia tăng, và sự mất giá mạnh của đồng tiền ở các nền kinh tế mới nổi vẫn là một mối quan ngại chính. Ngoài ra, tình trạng thắt chặt kéo dài trên thị trường tài chính có thể dẫn tới suy giảm đầu tư và tăng trưởng ở một số quốc gia, xét tới mức độ dễ chịu tổn thương của các doanh nghiệp”, báo cáo có đoạn viết.

Đến nay, một số nhà hoạch định chính sách từ các nền kinh tế mới nổi đã đưa ra quan điểm cho rằng, chính việc FED cắt giảm QE3 đã dẫn tới những xáo trộn lớn trên thị trường nước họ hồi tháng 1 vừa qua cũng như trong năm ngoái. Trong vòng 2 tháng, FED đã cắt giảm quy mô của gói QE3 xuống còn 65 tỷ USD/tháng từ mức 85 tỷ USD/tháng trước đó. Động thái này được cho là kéo theo việc các nhà đầu tư rút vốn từ các thị trường mới nổi về Mỹ để đón đầu sự gia tăng của lãi suất.

Trong báo cáo lần này, IMF cho rằng, các ngân hàng trung ương hoàn toàn có thể thảo luận rộng rãi hơn về vấn đề rút lui khỏi các chính sách kích thích, và phối hợp chặt chẽ hơn khi cắt giảm các biện pháp tiền tệ chưa từng có tiền lệ của mình. IMF cũng thúc giục FED nên thận trọng với việc cắt giảm QE3 quá nhanh chóng.

“Với triển vọng cải thiện dần, điều quan trọng là các nước, bao gồm cả Mỹ, cần tránh rút lui quá sớm khỏi chính sách nới lỏng tiền tệ”, báo cáo viết. Bản báo cáo khuyến nghị Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nên nới lỏng thêm chính sách và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nên áp dụng cách tương tự nếu những nỗ lực đạt mục tiêu lạm phát 2% bị đảo ngược hay rơi vào trì trệ.