IMF: Khủng hoảng kéo dài ít nhất 10 năm nữa

Theo TTVN/CNBC

“Đây không phải là 1 thập kỷ mất mát nhưng chắc chắn kinh tế thế giới sẽ phải mất ít nhất là 1 thập kỷ để lấy lại trạng thái trước đó”. Đây là nhận định của Olivier Blanchard, chuyên gia kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

IMF: Khủng hoảng kéo dài ít nhất 10 năm nữa

Kinh tế thế giới sẽ phải đợi ít nhất là 10 năm nữa mới có thể phục hồi từ sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008. Ông Olivier Blanchard khẳng định trong 1 cuộc trả lời phỏng vấn vào hôm qua (3/10).

Blanchard nhận định người Đức sẽ phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn cùng với sức mua thực tế tăng lên do đây chính là 1 phần giải pháp nhằm giải quyết những vấn đề của châu Âu.

Tuy nhiên, mặc dù hiện nay mọi sự tập trung đều đổ dồn vào châu Âu, Mỹ với vấn đề về ngân sách cũng là mối lo ngại lớn của kinh tế toàn cầu.

“Đây không phải là 1 thập kỷ mất mát. Nhưng chắc chắn kinh tế thế giới sẽ phải mất ít nhất là 1 thập kỷ để lấy lại trạng thái trước đó”, ông nói.

Blanchard cũng bổ sung thêm rằng Nhật Bản đang gặp phải tình trạng cực kỳ khó khăn về ngân sách và vấn đề này phải mất nhiều thập kỷ mới có thể giải quyết. Trung Quốc cũng cần phải cẩn trọng với tình trạng tài sản bùng nổ nhưng tăng trưởng chậm lại rõ rệt. Tuy nhiên, ông cho biết IMF không dự báo Trung Quốc sẽ thực sự hạ cánh cứng.

Vì NHTW châu Âu giữ lạm phát của toàn eurozone ở mức 2%, các nước trong vùng lõi có thể có mức lạm phát cao hơn 2%. Theo ông, tỷ lệ lạm phát tăng lên ở Đức có thể được nhìn nhận 1 cách đơn giản là cần thiết. Với các điều kiện về lực cầu như hiện nay cùng với quyết tâm giữ vững giá cả của NHTW châu Âu, chắc chắn Đức sẽ không phải đối mặt với siêu lạm phát.

Đối với khủng hoảng nợ, Blanchard cho rằng giảm nợ là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, hành động này nên được thực hiện cẩn trọng để không làm tổn hại đến tăng trưởng. Theo ông, nếu như các chính phủ hành động quá chậm chạp, họ sẽ bị nhìn nhận là không nghiêm túc. Ngược lại, nếu hành động quá nhanh, họ sẽ giết chết nền kinh tế. Do đó, mỗi nước cần phải tìm ra 1 con đường thích hợp và riêng biệt.

Ông cũng cho rằng chỉ sử dụng các chính sách liên quan đến lãi suất là chưa đủ. Ở thời điểm hiện tại, lạm phát có thể ở mức thấp và ổn định. Tuy nhiên, sản lượng đang ở mức quá thấp và toàn bộ hệ thống tài chính tích tụ quá nhiều rủi ro.