IMF: Kinh tế toàn cầu 2013 chưa hết lao đao vì khủng hoảng nợ

Theo Vietstock

IMF nhận định khủng hoảng nợ và suy thoái kéo dài tại Eurozone cũng như tình trạng yếu kém tại Nhật Bản sẽ là rào cản đối với đà mở rộng của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2013. Tuy nhiên, tăng trưởng sẽ phục hồi trở lại vào năm 2014 với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 2010.

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_01_24/imf-kinh-te-toan-cau-2013-hinh-2.jpg


Trong Báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới công bố ngày thứ Tư (23/01), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2013 từ mức 3.6% trong tháng 10/2012 xuống còn 3.5% trước khi mở rộng 4.1% trong năm 2014 nếu kinh tế Eurozone phục hồi mạnh. Năm 2012, kinh tế thế giới tăng trưởng 3.2%.

Mức tăng trưởng ước tính trên 4% cho năm 2014 là cao nhất kể từ năm 2010 – thời điểm tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu mở rộng mạnh 5.1% khi khủng hoảng tài chính lắng dịu.

Chuyên gia kinh tế trưởng Olivier Blanchard của IMF nhận định trên CNBC rằng tình hình đã khả quan trở lại nhưng vẫn còn rất chậm. Phát biểu tại cuộc họp báo, ông cho biết niềm lạc quan đang rất cao, đặc biệt là trên các thị trường tài chính.

Ông nói thêm, các rủi ro nghiêm trọng đã suy giảm so với cùng kỳ năm ngoái khi Mỹ đã ngăn chặn được “vực thẳm tài khóa” và các động thái chính sách tại châu Âu cũng góp phần "ghìm chân khủng hoảng nợ.

Tổ chức này dự báo GDP Eurozone tiếp tục suy giảm 0.2% trong năm nay, trái với dự báo tăng 0.2% đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, IMF cảnh báo khủng hoảng nợ tại châu Âu tiếp tục đặt ra nhiều thách thức lớn đối với nền kinh tế nếu bùng phát trở lại và Quốc hội Mỹ có thể thắt chặt ngân sách quá mạnh.

IMF nhận định kinh tế Mỹ có thể đạt được mức tăng trưởng 2% trong năm nay nhờ đà bứt phá mạnh mẽ trong nửa cuối năm và đạt 3% trong năm 2014. Theo IMF, ưu tiên của Mỹ là tránh áp dụng các biện pháp củng cố tài khóa quá mạnh tay trong ngắn hạn, nhanh chóng nâng trần nợ và đi đến thống nhất về mục tiêu củng cố tài khóa đáng tin cậy cho trung hạn với tâm điểm là cải cách thuế.

Thách thức chính sách đối với châu Âu và Nhật Bản

Đối với các nền kinh tế phát triển, IMF cho biết các hoạt động có thể vẫn còn yếu trong năm nay với tăng trưởng chỉ đạt 1.4% trước khi tăng tốc lên 2.2% trong năm 2014. Ông Blanchard cho rằng đà tăng trưởng trong năm nay chưa đủ mạnh để hạ thấp tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế tiên tiến.

IMF nhận thấy rủi ro từ tình trạng trì trệ kéo dài tại Eurozone, đặc biệt là nếu khu vực đồng tiền chung không thể hoàn thành được cuộc cải cách tài khóa và ngân hàng. Liên quan đến các nền kinh tế lớn trong khu vực, IMF hạ ước tính tăng trưởng 2013 của Đức từ 0.9% xuống 0.6% và của Ý – quốc gia dự kiến tổ chức bầu cử vào tháng tới - từ âm 0.7% xuống âm 1%.

Theo dự báo của IMF, kinh tế Nhật Bản có thể đạt được mức tăng trưởng 1.2% trong năm nay nhờ các gói kích thích tài khóa, chính sách tiền tệ nới lỏng và đồng JPY yếu. Tuy nhiên, tổ chức này cảnh báo tăng trưởng có thể giảm tốc còn 0.7% trong năm 2014 và hối thúc Tokyo nới lỏng chính sách tiền tệ cũng như xây dựng kế hoạch thắt chặt ngân sách đáng tin cậy cho trung hạn.

Trong khi đó, sự mở rộng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có thể mạnh lên 5.5% trong năm nay và 5.9% trong năm 2014. IMF cho biết các chính sách hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng dù nhu cầu yếu kém từ các đối tác thương mại tiếp tục là một vấn đề nan giải đối với khu vực này.

Kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 8.2% trong năm nay và 8.5% trong năm 2014, cao hơn so năm 2012 nhưng vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng 10% trong năm 2010.

Các quốc gia đang phát triển châu Á, bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới với tốc độ 7.1% trong năm nay và 7.5% trong năm 2014.

Tiếp đó, với tăng trưởng có thể ở vào khoảng 5.8% trong năm 2013 và 5.7% trong năm tới, Nam Phi chính là nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ hai thế giới.

Dự báo chi tiết của IMF

http://static.tapchitaichinh.vn/w640/images/upload/tranngocanh/2013_01_24/imf-kinh-te-toan-cau-2013-hinh-1.jpg