Iran: Nguyên nhân và những tác động của sự sụt giá đồng rial

Theo TTXVN

Các biện pháp của chính quyền ông Donald Trump đã tác động tiêu cực đến kinh tế Iran, nhưng sự sụt giảm bất ngờ của đồng rial là do sự điều hành kém hiệu quả của Tehran và cơ cấu nền kinh tế ốm yếu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đồng nội tệ của Iran, đồng rial, đã mất 2/3 giá trị trong 6 tháng qua, đặc biệt là sau khi Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân hồi tháng 5/2018.

Ở Washington, việc đồng rial sụt giảm được nhìn nhận một cách rộng rãi là hậu quả của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và là dấu hiệu cho thấy sự sụp đổ kinh tế có thể khiến chế độ Iran suy yếu. Mặc dù khẳng định thứ nhất nhìn chung là đúng, nhưng nó đã bị cường điệu hóa, và khẳng định thứ hai lại dựa trên các giả định sai lầm.

Một sự hiểu biết đúng đắn về các nhân tố vốn làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoàng này cho thấy những khó khăn trầm trọng của nước này có thể giảm bớt hoặc biến mất khi Iran thích nghi với tình hình mới. Cần phải hiểu thị trường ngoại hối của Iran trong bối cảnh riêng của nước này để tránh sai sót phổ biến là đánh đồng sự sụt giảm của đồng rial trên thị trường tự do với sự sụp đổ kinh tế.

Trong những tháng sau khi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA)bắt đầu có hiệu lực vào tháng 1/2016, có sự lạc quan rất lớn ở Tehran. Các nhà điều hành châu Âu có mặt khắp các khách sạn 5 sao để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, và dịch vụ taxi sân bay đã nâng cấp đội xe của họ để phù hợp hơn với các khách hàng nước ngoài của mình.

Trong năm tài khóa 2016-2017 (3/2016-3/2017) của Iran, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng 12,5%, ngay cả khi một số biện pháp trừng phạt của Mỹ vẫn còn hiệu lực.

Nhưng đến giữa năm 2017, điều ngày càng trở nên rõ ràng là JCPOA ở trong tình trạng “nguy kịch” và Iran sẽ không đàm phán lại thỏa thuận này. Bóng ma của các biện pháp trừng phạt đã lấy đi triển vọng của nền kinh tế.

Thậm chí trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố từ bỏ JCPOA, các nhà điều hành phương Tây đã bắt đầu gói ghém đồ đạc của họ. Đối với các công ty quốc tế lớn, rủi ro của việc mất quyền tiếp cận các thị trường của Mỹ lớn hơn nhiều so với những khoản lợi nhuận không chắc chắn ở Iran.

Tổng vốn cố định sụt giảm, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm lại, hoạt động sản xuất suy yếu và các khu vực khác dậm chân tại chỗ. Trường hợp ngoại lệ là sản lượng dầu mỏ đã tăng lên vào thời điểm khi mà người mua vội vàng chớp lấy chuyến dầu mỏ Iran cuối cùng trước khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ ảnh hưởng đến khu vực dầu mỏ vào tháng 11.

Trong khi một cú sốc kinh tế tiêu cực từ việc áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt của Mỹ là điều không thể tránh khỏi, một vài sai lầm về chính sách đã khiến cuộc khủng hoảng trở nên trầm trọng thêm. Điều rõ ràng nhất trong số này là quyết định duy trì tỷ giá hối đoái không đổi trong 6 năm qua, từ năm 2012 đến 2018, trong thời gian này giá cả của Iran cao gần gấp đôi so với các đối tác thương mại của họ.

Điều này dẫn đến việc tiền tệ của Iran bị định giá cao hơn 100%, gây tổn hại đến hàng xuất khẩu và việc làm không thuộc ngành dầu mỏ. Việc định giá cao quá mức là điều bình thường ở các nền kinh tế xuất khẩu dầu mỏ như Iran.

Thường thì cần một cú sốc bên ngoài để điều chỉnh tỷ giá hối đoái có lợi cho các nhà xuất khẩu, như các biện pháp trừng phạt đã thể hiện vào năm 2012 (khi đồng rial sụt giá 200%) và giờ đây chúng đang làm vậy một lần nữa.

Chính phủ Iran đã mắc phải sai lầm thứ hai khi công khai đánh giá thấp mối đe dọa của các biện pháp trừng phạt và tác động của chúng đối với đồng rial. 

Thay vì đảm bảo với các nhà đầu tư rằng chính phủ nhận thức được vấn đề và có các kế hoạch đối phó với những hậu quả kinh tế của nó, thì các quan chức lại gọi việc đồng rial sụt giá là “bong bóng” do các nhân vật mờ ám ở trong và ngoài Iran gây ra và hướng sự chú ý đến thặng dư thương mại và dự trữ ngoại hối dư dả của Iran. 

Những đảm bảo này là không đáng tin cậy đối với người dân Iran, vốn bị mất các khoản tiết kiệm của họ trong cuộc khủng hoảng năm 2012, khi mà theo sau sự phủ nhận của chính phủ là việc đồng rial đã sụt giá 200%. 

Vào tháng 4/2018, chính quyền Rouhani cố định giá trị đồng rial ở mức 42.000 rial/USD, chỉ giảm 10%, và đóng cửa toàn bộ thị trường ngoại hối, buộc những người giao dịch phải tìm đến chợ đen.

Đây cũng là một sai lầm. Điều trớ trêu là các biện pháp trừng phạt của Mỹ đến tháng 8/2018 mới chính thức có hiệu lực mà chỉ trong một vài tháng, Chính phủ Iran đã phá hoại ngoại thương của nước này.

Chúng thường bắt đầu với một cuộc khủng hoảng tiền tệ, rồi lan sang phần còn lại của nền kinh tế. Quy trình của sự lan truyền này tương đối khác ở Iran, nơi mà nhờ có dầu mỏ, chính phủ là bên kiếm lời chủ yếu từ ngoại tệ, nhiều hơn so với ở các nước như Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, nơi mà điều này là không đúng.

Chẳng hạn, ở cả Argentina lẫn Thổ Nhĩ Kỳ, các ngân hàng tư nhân vay những khoản nợ lớn được định giá bằng đồng USD từ các chủ nợ nước ngoài.

Sau một cú sốc, việc thanh toán và trả lãi các khoản nợ này nhanh chóng trở nên tốn kém hơn. Để ngăn không cho các ngân hàng phá sản, chính phủ đẩy cao lãi suất, gây tổn hại tới sản lượng, hoặc gia hạn tín dụng cho các ngân hàng, gây ra lạm phát.

Điều kỳ lạ là không giống như ở Argentina hay Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Iran có thể giúp ích cho hệ thống ngân hàng của nước này. Điều này không phải là vì các ngân hàng Iran vững mạnh hơn - trái lại, họ đã vỡ nợ trong nhiều năm - mà vì các khoản nợ lớn của họ được tính bằng đồng rial, và lạm phát có thể xóa bỏ chúng. 

Các ngân hàng đã và đang phải chịu những tác động tiêu cực do bất động sản Iran sụt giá cách đây 5 năm. Tuy nhiên, tình trạng sụt giá đã khiến lạm phát gia tăng rất nhanh, có khả năng vượt ngưỡng 50% trong năm nay, làm gia tăng giá trị của bất động sản và các tài sản khác do các ngân hàng sở hữu.

Tương tự, tác động của tình trạng sụt giá đối với thu nhập ở Iran không giống như ở một quốc gia điển hình. Chính phủ Iran có thể phân bổ ngoại hối mà họ thu được từ dầu mỏ để trợ cấp cho các khu vực hoặc các nhóm dân cư cụ thể. 

Ở Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ, chính phủ là bên mua ròng ngoại hối, do vậy họ không thể làm điều đó. Đó là lý do giải thích tại sao việc đề cập tới tỷ giá hối đoái ở Iran, như điều người ta thường làm, lại dẫn tới sai lầm.

Hiện tại, Iran có 3 tỷ giá hối đoái khác nhau. Thứ nhất là tỷ giá trên thị trường tự do, vốn có quy mô khá nhỏ và, theo một quan chức thuộc ngân hàng trung ương, chỉ chiếm 3% lượng tiền tệ được giao dịch. Gần đây, tỷ giá này dao động ở mức 140.000 rial đổi 1 USD. 

Thứ hai là tỷ giá trên thị trường nơi các nhà xuất khẩu và nhập khẩu được cấp phép giao dịch với nhau. Tỷ giá trên thị trường này trong thời gian gần đây ở vào khoảng 90.000 rial đổi 1 USD.

Cuối cùng, chính phủ bán tới một nửa thu nhập từ kinh doanh ngoại hối với tỷ giá thấp hơn nhiều - 42.000 rial đổi 1 USD - để nhập khẩu các nhu yếu phẩm gia dụng cơ bản và hàng hóa cần thiết cho sản xuất công nghiệp.

Vì có những tỷ giá hối đoái khác nhau này nên tình trạng sụt giá tác động không đồng đều đến tất cả các khu vực. Từ tháng 4/2018, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do giảm hơn 60%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 16%.

Do đó, việc đánh giá mức độ sụt giảm về tiêu chuẩn sống dựa trên mức độ sụt giảm về giá trị của đồng rial sẽ dẫn tới sai lầm.

Chính phủ Iran đã phản ứng trước các điều kiện kinh tế đang xấu đi bằng các chương trình gia tăng sự bảo vệ đối với người nghèo trước những hậu quả tồi tệ nhất của các biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ vẫn là vấn đề kinh tế lớn hơn.

1/3 nam giới và 1/2 nữ giới dưới 30 tuổi có bằng đại học đang thất nghiệp. Đồng rial giảm giá có thể giúp chính phủ tạo công ăn việc làm bằng cách gia tăng nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu ngoài dầu mỏ của Iran.

Tuy nhiên, vẫn có hạn chế trong việc tạo công ăn việc làm chừng nào các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ còn ngăn chặn Iran tiếp cận hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Giờ đây, Iran phụ thuộc vào Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nga để được tiếp cận các thị trường toàn cầu, khi các cường quốc này tìm cách cứu vãn những gì còn sót lại của thỏa thuận hạt nhân mà trong đó họ là các bên tham gia. Liệu các cường quốc này có thể mở đường sống cho nền kinh tế Iran hay không vẫn là một câu hỏi mở.

Việc Mỹ áp dụng trở lại các biện pháp trừng phạt đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Iran, nhưng không thể thực sự đánh giá nó dựa trên mức độ sụt giá tiền tệ của Iran. Những gì diễn ra với nền kinh tế Iran phần lớn phụ thuộc vào ảnh hưởng của sự sụt giá tiền tệ đối với tình trạng công ăn việc làm và thu nhập thực tế. 

Ngay cả khi đó, việc công chúng Iran sẽ phản ứng ra sao trước khó khăn về kinh tế vẫn là ẩn số lớn hơn: Người dân Iran sẽ hối thúc các nhà lãnh đạo của họ nhượng bộ trước những đòi hỏi của Mỹ như chính quyền Trump hy vọng, hay họ sẽ từ bỏ nền chính trị cử tri và các mối quan hệ với phần còn lại của thế giới như những người Iran theo đường lối cứng rắn hy vọng?