Kế sách 'hút' vàng trong dân của Ấn Độ

Theo thoibaonganhang.vn

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley vừa cho biết Ấn Độ sẽ sớm công bố kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ bằng vàng và đưa ra một cơ chế để huy động hàng tấn vàng đang được tích trữ trong dân.

Ấn Độ tiêu thụ 1.000 tấn vàng/năm để sản xuất trang sức, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng hoặc để đối phó với lạm phát. Nguồn: internet
Ấn Độ tiêu thụ 1.000 tấn vàng/năm để sản xuất trang sức, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng hoặc để đối phó với lạm phát. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia phân tích, mục đích của động thái này là tìm cách kéo nhà đầu tư khỏi thị trường vàng vật chất và cắt giảm mạnh nhập khẩu vàng.

Ấn Độ tiêu thụ 1.000 tấn vàng/năm để sản xuất trang sức, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng hoặc để đối phó với lạm phát. Các đình đền và hộ gia đình Ấn Độ đã “hấp thụ” hơn 20.000 tấn vàng.

Tuy vậy, Bộ trưởng Jaitley cho biết đối tượng chủ yếu mà kế hoạch trên hướng tới là những người mua vàng như một tài sản đầu tư. Phát biểu sau một cuộc họp của nội các Ấn Độ, ông Jaitley cho hay đây là một kênh an toàn hơn và có tính sinh lợi cao.

Lượng vàng nhập khẩu khổng lồ được coi là nguyên nhân khiến thâm hụt tài khoản vãng lai của Ấn Độ tăng lên mức kỷ lục 190 tỷ USD năm 2013, buộc chính phủ nước này phải tăng thuế nhập khẩu vàng lên 10%, mức cao nhất trong lịch sử.

Tuy vậy, không rõ là liệu kế hoạch “hút” vàng trong dân này sẽ có thể hạn chế hoạt động nhập khẩu kim loại quý đó hay không. Một kế hoạch tương tự được khởi động vào năm 1999 đã thất bại một phần do lãi suất thấp.

Các ngân hàng lo ngại kịch bản này có nguy cơ tái diễn nếu chính phủ không tài trợ để các ngân hàng có điều kiện triển khai chương trình trên. Còn ông Jaitley từ chối cung cấp chi tiết về cách thức nâng cao mức độ hấp dẫn của kế hoạch này đối với các ngân hàng.

Trước đó, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã họp với các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp, trong một nỗ lực nhằm giúp New Delhi phòng tránh những ảnh hưởng tiêu cực từ sự biến động trên thị trường toàn cầu và việc kinh tế Trung Quốc tụt dốc. Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ (FICCI) Jyotsna Suri cho hay Thủ tướng Modi nói đó là một “cơ hội để New Delhi tận dụng thu hút đầu tư”, song vấn đề nằm ở chỗ có bao nhiêu người sẵn sàng chấp nhận rủi ro để nắm lấy cơ hội.

Ngoài ra, Thủ tướng Modi cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo kinh doanh, bao gồm cả chủ sở hữu của Reliance Industries (một trong những tập đoàn công nghiệp lớn nhất Ấn Độ) là Mukesh Ambani - người đàn ông giàu có nhất nước này - chấp nhận rủi ro lớn hơn và mở rộng quy mô đầu tư, trong bối cảnh những lo ngại về sự sa sút của kinh tế Trung Quốc đang gia tăng.

Đồng thời, Thủ tướng Ấn Độ cũng liên tục kêu gọi các công ty nước ngoài đặt nhà máy tại Ấn Độ, qua đó cung cấp việc làm cho tầng lớp lao động đang ngày càng trẻ hóa tại quốc gia này. Nhà lãnh đạo Ấn Độ đang kỳ vọng có thể thu hút thêm nhiều luồng vốn ngoại tệ đang chảy ra khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng đây là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, trong bối cảnh Ấn Độ, vốn nổi tiếng với nạn quan liêu và những quy định đầu tư rối rắm cùng nền tảng cơ sở hạ tầng yếu kém, đang tự làm giảm sức hút đầu tư của mình.

Với dự báo tăng trưởng kinh tế 8% trong năm nay, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Ấn Độ là một điểm sáng trong số các nền kinh tế lớn và đang trở thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp và hãng chế tạo nước ngoài. Tuy nhiên, đó lại là một mối lo ngại lớn đối với các doanh nghiệp nội địa khi họ sẽ phải đối mặt với một sự cạnh tranh lớn hơn.