Xu hướng thay đổi

Dự trữ ngoại hối của một quốc gia bao gồm tiền gửi ngoại tệ và trái phiếu của chính phủ khác, vàng và quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), dự trữ ngoại hối toàn cầu quý I/2013 là 11.087,5 tỷ USD, tăng từ gần 1.000 tỷ USD vào các năm 1991- 1993, khoảng 2.000 tỷ USD vào năm 2000 và 4.000 tỷ USD vào năm 2005.

Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cũng ảnh hưởng đến cơ cấu dự trữ quốc tế. Trong đó, tỷ trọng đồng Euro đã giảm mạnh, nhường chỗ cho một số đồng tiền khác, nổi bật là đô la Canada và đô la Australia.

Trong dự trữ ngoại tệ, USD vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất là 62,2%, trong khi đó đồng Euro giảm từ 24,2% xuống 23,7%.

Trở ngại cho Đông Á

Trung Quốc là nước có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới. Trong quý I/2013, lượng dự trữ ngoại hối của nước này đã ở mức 3.440 tỷ USD (tương đương quy mô của cả nền kinh tế Đức) tăng từ 18 tỷ USD vào năm 1990 và 146 tỷ USD vào năm 2000. Trung Quốc là chủ nợ lớn thứ 2 của Mỹ, bên cạnh đó là một lượng lớn nợ của các chính phủ châu Âu.

Nhật Bản là nước có dự trữ ngoại hối đứng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc, với trị giá khoảng 1.300 tỷ USD. Tại Nhật, tài sản dự trữ ngoại hối chủ yếu liên quan đến chứng khoán và tiền gửi bằng ngoại tệ và vàng, cũng như quyền rút vốn đặc biệt tại IMF.

Tăng dự trữ ngoại hối là một cách nhằm bảo vệ nội tệ bởi một ngân hàng trung ương có thể bán dự trữ ngoại hối để ổn định giá trị nội tệ. Nhật Bản và Trung Quốc đã tăng cường tích góp USD để chống lại các biến động, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng 1997. Theo nhiều nhà phân tích, động thái này đã làm thay đổi thị trường tài chính theo hai hướng: Thứ nhất, các nước này có nhiều vũ khí chống lại bất ổn nhưng vấn đề đặt ra là họ lại ít biết cách sử dụng chúng. Thứ hai, Trung Quốc và Nhật Bản đang góp phần lớn khiến khu vực châu Á trở thành ngân hàng cho Mỹ.

Điều này sẽ không đến nỗi rắc rối nếu nước Mỹ không tranh cãi liên miên về việc nâng trần nợ công, khiến S&P phải hạ xếp hạng tín dụng nước này năm 2011 và làm thị trường hoảng loạn. Giờ đây, nếu nước Mỹ lại chiến tranh trần nợ một lần nữa, thị trường tài chính thế giới sẽ lại biến động, NDT sẽ mạnh lên so với USD, hậu quả là Trung Quốc sẽ mất hàng chục tỷ USD giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ.

Lo ngại của Trung Quốc không phải chỉ là USD hay Euro sẽ giảm mà đó còn là dự trữ ngoại hối sẽ khiến nền kinh tế tồn tại một lượng tiền lớn làm giá cả tăng, trong đó có bất động sản. Khi triển vọng thị trường bất động sản được cải thiện, nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào Trung Quốc gây ra hiện tượng “dòng tiền nóng”, nhân dân tệ sẽ tăng vọt ảnh hưởng đến kinh tế nước này.

Nhật Bản cũng lâm vào tình trạng tương tự. Trụ cột quan trọng trong chính sách của Thủ tướng Shinzo Abe để chấm dứt giảm phát và hồi sinh kinh tế là đồng Yen yếu. Nội tệ giảm giá 17% từ cuối năm ngoái đã giúp các hãng xuất khẩu nước này ăn nên làm ra. Tuy nhiên, đồng yen cũng sẽ mạnh lên lần nữa nếu Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm. Nỗ lực kích thích kinh tế của Nhật Bản sẽ trở nên vô nghĩa.

Các nước châu Á, trong đó có Nhật Bản và Trung Quốc nên ngừng việc coi dự trữ ngoại tệ khổng lồ là sức mạnh tài chính. “Chúng chỉ là cái bẫy làm phức tạp các chính sách kinh tế mà thôi. Đã đến lúc châu Á phải tìm ra lối thoái”.

Theo William Pesek, chuyên gia phân tích tại Bloomberg

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 8 – 2013

Khi dự trữ ngoại hối quá nhiều

Đức Minh

(Tài chính) Dự trữ ngoại hối thường được coi là thước đo tiềm lực tài chính của một nền kinh tế. Việc sở hữu lượng dự trữ ngoại hối lớn giúp quốc gia đó giữ được tỷ giá hối đoái ổn định. Tuy nhiên, những nước có dự trữ ngoại hối nhiều như Trung Quốc và Nhật Bản giờ đây cũng đang gặp phải nhiều trở ngại.

Xem thêm

Video nổi bật