Khi FED hạ lãi suất

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bước đi gây phấn khích cho giới đầu tư, cuối tháng 2 vừa qua, Ngân hàng dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ không tăng lãi suất cơ bản trước tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định đây là khúc dạo đầu để phần còn lại của thế giới chuẩn bị cho kịch bản tất yếu Mỹ tăng lãi suất.

FED tuyên bố sẽ không tăng lãi suất cơ bản trước tháng 6 năm nay. Nguồn: internet
FED tuyên bố sẽ không tăng lãi suất cơ bản trước tháng 6 năm nay. Nguồn: internet

Chủ tịch FED Janet Yellen cho biết, giới chức lãnh đạo FED sẽ tiếp tục kiên nhẫn trước khi tăng lãi suất nhằm giữ bình ổn giá cả và giúp thị trường lao động tiếp tục đà cải thiện. Theo nhìn nhận của FED, tỷ lệ lạm phát hiện ở mức dưới 2%/năm là tốt cho nền kinh tế. Những người chỉ trích cho rằng lãi suất thấp gần như bằng 0%, được duy trì suốt từ tháng 12.2009 tới nay, đang có xu hướng làm gia tăng lạm phát đồng thời khiến cho giá sinh hoạt leo thang vượt khỏi tầm kiểm soát và gây phương hại cho nền kinh tế.

Trong cuộc họp định kỳ mới đây, các nhà hoạch định chính sách của FED đánh giá đà phục hồi của kinh tế Mỹ đang tốt dần lên, nhưng chưa hài lòng với đà cải thiện của thị trường việc làm, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đang phát triển chậm lại, kinh tế Nhật Bản suy thoái trong khi kinh tế khu vực 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vẫn trì trệ. Sau những đánh giá này, hầu hết các chuyên gia nhận định FED có thể tăng lãi suất sớm nhất là trước giữa năm 2015.  

Theo các nhà kinh tế, trong 34 nền kinh tế giàu nhất thế giới của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Mỹ dẫn đầu với đà tăng trưởng cao và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất. Do đó, lãi suất ngắn hạn tại Mỹ do FED quyết định không thể giữ mãi gần bằng 0% kể từ sau cuộc khủng hoảng 2007-2009, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Không chỉ hạ lãi suất, FED đã bơm hàng nghìn tỷ USD để kích thích kinh tế. Kết quả kinh tế của Mỹ đã hồi phục, với thất nghiệp giảm tới 5,7% cùng đà tăng trưởng xấp xỉ 3%, thuộc loại khả quan nhất trong các nước phát triển. Từ tháng 5.2012, Chủ tịch FED khi đó là ông Ben Bernanke đã thông báo rằng Mỹ sẽ giảm dần để chấm dứt biện pháp bơm tiền và sẽ có lúc điều chỉnh lãi suất cho phù hợp với yêu cầu thực tế. Lời phát biểu ấy đã gây chấn động cho các thị trường tài chính thế giới vì ảnh hưởng rất lớn của kinh tế Mỹ.

Hệ quả từ động thái này của FED là rất rõ ràng nhìn từ hai góc độ. Thứ nhất, lãi suất tăng sẽ làm tỷ giá đồng USD tăng so với các ngoại tệ mạnh khác và điều ấy ảnh hưởng đến ngoại thương của các nước. Lý do là USD lên giá sẽ làm hàng của Mỹ đắt hơn và khó cạnh tranh hơn, khiến hàng nhập khẩu vào Mỹ có giá thành rẻ hơn và dễ bán hơn. Thứ hai, khi lãi suất tại Mỹ tăng thì các khoản vay mượn bằng đồng USD sẽ đắt hơn và là vấn đề cho các nước vay quá nhiều bằng đồng USD khi còn rẻ.

Một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS-Bank for International Settlements), thường được coi là Ngân hàng Trung ương của các Ngân hàng Trung ương trên thế giới cho biết, để chống đỡ với cuộc khủng hoảng 2007-2009, FED đã buộc hạ lãi suất, khiến tổng số nợ của các doanh nghiệp và chính quyền nước ngoài đã tăng gấp rưỡi lên tới 9.000 tỷ USD.  Mục đích là vì đồng USD quá rẻ và lãi suất tại Mỹ quá hạ nên muốn dùng đồng tiền này để đầu tư vào các thị trường có lãi suất cao hơn, kiếm lời nhờ sự chênh lệch lãi suất. Trong số này, dẫn đầu về đi vay là Trung Quốc.

Vì thế, nếu lãi suất tại Mỹ tăng, dù chỉ là 0,25%, thì cũng khiến con nợ phải trả chi phí đi vay cao hơn chưa kể là trả với đồng USD cao giá và hiếm hơn. Nếu các quốc gia này đang gặp khó khăn tài chính thì nguy cơ ảnh hưởng lan rộng qua các nước khác.

Không thể phủ nhận một thực tế là kinh tế Mỹ vẫn là thị trường ngoại thương lớn nhất cho giới xuất nhập khẩu và thị trường tài chính sâu rộng nhất cho giới đầu tư. Vì vậy, không tránh khỏi những tác động khi lãi suất và tỷ giá đồng USD tại Mỹ tăng. Cụ thể, châu Âu và Nhật Bản, là hai nền kinh tế trong nhóm công nghiệp hóa, có lợi thế khi đồng USD lên giá vì đồng bạc của họ, đồng euro hay đồng yen, sẽ rẻ hơn và hàng hóa dễ xuất khẩu hơn. Nhờ vậy, biện pháp tăng lãi suất tại Mỹ có hiệu ứng tích cực.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nền kinh tế mới nổi sẽ gặp khó khăn. Sự chênh lệch lãi suất với lãi suất cơ bản của Mỹ càng lớn tỷ lệ thuận với xu hướng đi vay bằng đồng USD thay vì bằng đồng nội tệ của mình để tối đa hóa lợi nhuận. Điển hình ở đây là trường hợp của Trung Quốc với khoản vay ước tính khoảng 1.000 tỷ USD. Theo báo cáo của BIS, các nước này đều e sợ giảm phát nên cố kích thích kinh tế bằng cách hạ lãi suất của mình. Tuần qua, Trung Quốc lại hạ lãi suất, lần thứ ba trong 3 tháng.

Tóm lại, lượng tiền yết giá bằng USD trên thế giới hiện đang giảm dần và trở thành đắt hơn so với trước đây. Nếu Mỹ tăng lãi suất thì xu hướng thủy triều rút về Mỹ sẽ có đà gia tốc mạnh hơn và gây nguy cơ suy giảm kinh tế của các nước đã vay quá nhiều bằng tiền Mỹ.

Kinh tế Mỹ năm 2014 được đánh giá là điểm sáng nhất trong nền kinh tế toàn cầu với tốc độ tăng GDP trong quý III đạt 5% và cả năm 2014 đạt 2,4%. Nền kinh tế Mỹ trong ba tháng gần đây tạo ra được hơn 1 triệu việc làm mới, ghi dấu ấn chuỗi ba tháng có số việc làm mới được tạo ra nhiều nhất kể từ năm 1997. Tháng 1.2015 là tháng thứ 11 liên tiếp nền kinh tế lớn nhất thế giới này tạo ra được 200.000 việc làm mới mỗi tháng. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ hiện vẫn ở mức cao 5,6%, nhưng đã giảm mạnh so với mức thất nghiệp hơn 8% đầu năm 2013 và hơn 10% cuối năm 2009. Mục tiêu FED đặt ra là hạ tỷ lệ thất nghiệp xuống mức 5%.