Khi sự gắn kết không còn

Theo daibieunhandan.vn

Năm 2003, khi chiến tranh Iraq nổ ra, các nhà phân tích đã lo ngại về khả năng tan rã của một liên minh đầy quyền lực - Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Trong bối cảnh giá dầu liên tục giảm thời gian qua, một lần nữa, mối liên kết bấy lâu giữa các quốc gia thuộc tổ chức này lại bị đe dọa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ánh hào quang một thủa

Được thành lập năm 1960, OPEC có trách nhiệm thống nhất và phối hợp các chính sách về dầu mỏ của các quốc gia trong tổ chức. OPEC có khả năng điều chỉnh hạn ngạch khai thác dầu lửa của các nước thành viên, qua đó, có khả năng khống chế giá dầu. Kể từ khi ra đời, với quyền lực kiểm soát nguồn nhiên liệu số một trên thế giới, không ít lần, OPEC khiến cả thế giới lao đao. Thập niên 70 của thế kỷ trước, khi nguồn dầu từ các nướcnon - OPEC(không thuộc liên minh nhưng có trữ lượng dầu lớn) giảm, tổ chức này đã tận dụng cơ hội nâng giá thành phẩm.

Chưa hết, chiến tranh Iran - Iraq năm 1980 nổ ra càng khiến giá dầu tăng vọt. Giá trị sức mạnh của nguồn nhiên liệu trên thậm chí đã tạo ra khái niệm quen thuộc là nền “chính trị dầu hỏa”. Tuy mục tiêu chính thức được ghi vào hiệp định thành lập của OPEC là ổn định thị trường dầu mỏ, song nhiều biện pháp được đề ra lại bắt nguồn từ quyền lợi quốc gia. Chẳng hạn, trong các cơn khủng hoảng dầu, OPEC chẳng những không tìm cách hạ mà còn duy trì mức giá cao trong thời gian dài. Trên thực tế, mục tiêu của liên minh là một chính sách giá chung nhằm kiểm soát giá của loại nhiên liệu số 1 này.

OPEC dựa vào việc phân bổ hạn ngạch cho các thành viên để điều chỉnh lượng khai thác dầu, tạo sự khan hiếm hoặc dư nguồn cung, qua đó có thể tăng, giảm hoặc giữ giá dầu ổn định. Vì thế, có thể coi OPEC như một liên minh độc quyền luôn tìm cách giữ giá nhiên liệu ở mức có lợi nhất cho các thành viên.

Khó tìm tiếng nói chung

Tuy nhiên, do sự bùng nổ sản lượng khai thác dầu từ đá phiến ở Bắc Mỹ, cùng với sự tăng trưởng kinh tế chậm chạp ở Trung Quốc và châu Âu, tính từ giữa tháng 6.2014 đến nay, đà lao dốc của “vàng đen” là tương đối lớn. 10 năm trước, Ảrập Xêút là nước sản xuất dầu mỏ số một thế giới với sản lượng gần gấp đôi Mỹ. Song trong những năm gần đây, cuộc cách mạng đá phiến đã định hình lại cục diện ngành năng lượng thế giới. Mỹ đang sản xuất dầu thô ở mức ngang với quốc gia Trung Đông này. Nguồn cung ồ ạt từ Mỹ cùng nhiều tác động khác đã đẩy giá cả từ hơn 100 USD/thùng vào giữa năm 2014 xuống chỉ còn khoảng 35 USD/thùng như hiện nay.

Giá dầu giảm làm tổn thương đặc biệt đến các nước có sức ảnh hưởng nhỏ hơn trong OPEC như Algeria, Angola, Ecuador, Nigeria và Venezuela. Trong nội bộ liên minh, Ảrập Xêút là nhân vật nắm quyền lực hơn cả. Họ cung cấp tới 1/3 lượng dầu cho thế giới và là thành viên có ảnh hưởng nhất OPEC với lượng dự trữ ngoại hối lớn khoảng 700 tỷ USD nên không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi sự sụt giảm. Thậm chí, “người anh cả” còn cho rằng, giá dầu giảm có thể giúp hãm bớt đầu tư của các đối thủ khai thác dầu đá phiến ở Mỹ vốn rất đắt đỏ. Trong khi đó, các nước khác trong liên minh đang đối mặt với những tổn thất nghiêm trọng bởi giá dầu giảm sâu. Ngân sách của Venezuela dựa trên dầu ở mức giá 120 USD/thùng. Ngay cả trước khi giá giảm, nước này đã phải chật vật để trả nợ. Cùng với đó, các quốc gia trong tổ chức đang phải chống chọi với thực tế: dự trữ ngoại tệ giảm dần, lạm phát cao…

Do những khác biệt trên, nội bộ OPEC đang bị chia rẽ sâu sắc. Theo CNN, 13 nước thành viên đang đứng trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng nội bộ tệ nhất trong 55 năm sau thành lập. OPEC dường như bị chia rẽ thành hai phe chính. Một nhóm có 9 thành viên, trong đó có Algeria, Venezuela, những quốc gia muốn từ bỏ cuộc chiến giá cả do anh cả Ảrập dẫn đầu nhằm vào các nước không là thành viên. Nhóm bốn quốc gia còn lại gồm Ảrập Xêút, Kuwait, Qatar và UAE, là những nước muốn tiếp tục cuộc chiến giành thị phần. Bốn nước này nắm gần như toàn bộ năng lực của OPEC, do đó lá phiếu của họ có sức ảnh hưởng hơn. Trang CBS News ngày 16.1.2015 giật tít: “Sự sụt giảm của giá dầu báo hiệu hồi kết cho OPEC?”. Còn ông Bill Witte, Phó giáo sư kinh tế tại Đại học Indiana khẳng định, nội bộ OPEC sẽ xuất hiện nhiều rạn nứt trong cuộc đối đầu với dầu thô Mỹ. Lý do nằm ở chỗ họ quá phụ thuộc vào Ảrập Xêút, trong khi quyền lợi và mức độ thiệt hại của 12 thành viên OPEC không tương xứng.

Hệ lụy khó lường

Gần đây, Ảrập Xêút liên tục bị chỉ trích vì vai trò của họ trong sự lao dốc của giá dầu thế giới, khi từ chối giảm sản lượng dầu thô. Tuy nhiên, cho đến nay, mọi nỗ lực kêu gọi nước này thay đổi chiến lược vẫn chưa có kết quả. Hồi đầu tuần, Bộ trưởng Dầu mỏ Ảrập Xêút cho biết: “Không có lý gì lãng phí thời gian cho việc cắt giảm sản lượng”. Dù trong tuần trước, giá dầu đã hồi phục sau khi Ảrập Xêút và các nhà sản xuất lớn khác thỏa thuận “đóng băng” sản lượng tại mức tương đương tháng 1.2016 nhằm hỗ trợ giá dầu. Tổng thư ký OPEC Abdullah al-Badri cho biết, tổ chức này có thể cân nhắc thực hiện “các biện pháp khác” nhằm chấm dứt tình trạng nguồn cung dư thừa trên thị trường dầu mỏ quốc tế nếu thỏa thuận “đóng băng” sản lượng được duy trì trong vài tháng.

Tuy nhiên, thỏa thuận trên chỉ là bước khởi đầu. Quan ngại về những bất đồng nội bộ, các nhà sản xuất châu Phi và Mỹ Latin đe dọa sẽ rời bỏ OPEC vì các khó khăn mà họ đã và đang phải đối mặt. Sức ép lên OPEC ngày càng tăng khi thu nhập từ dầu lửa chiếm hơn 90% xuất khẩu của các nước thành viên và chiếm từ 80% đến 90% ngân sách của họ. Các nhà sản xuất dầu đã quen với thực tế mức giá khoảng 100 USD/thùng nên đã không đa dạng hóa kinh tế, hoặc thực hiện động thái này quá chậm chạp. Trong trường hợp duy trì giá thấp với dầu mỏ, những bất đồng quan điểm không được giải quyết sẽ khiến cho sự sụp đổ của liên minh quyền lực một thời là hoàn toàn có thể.