Khiêu chiến

Theo Ngọc Khánh/daibieunhandan.vn

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chỉ thị cho đại diện thương mại Mỹ áp thuế lên khoảng 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế doanh nghiệp Bắc Kinh đầu tư vào nước này, nhằm đòi lại công bằng cho thương mại Mỹ. Đây là động thái tuyên chiến mới nhất của ông Trump với cái mà Nhà Trắng gọi là “sự lạm dụng thương mại” của Trung Quốc. Tuy nhiên, động thái này càng làm gia tăng lo ngại, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể rơi vào chiến tranh thương mại.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Phát súng khơi mào

Đặt bút ký vào bản ghi nhớ công bố các biện pháp thương mại áp lên Trung Quốc hôm 22/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, đây mới chỉ là hành động đầu tiên trong nhiều bước đi tiếp theo. Bản ghi nhớ viện dẫn Điều 301 Luật Thương mại Mỹ năm 1974, cho phép Tổng thống thực hiện mọi hành động thích hợp nhằm vào bất cứ Chính phủ nào cản trở, hạn chế thương mại Mỹ.

Các khoản thuế mới của Mỹ sẽ tác động tới khoảng 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, được tung ra sau khi chính quyền Mỹ tiến hành cuộc điều tra kéo dài 7 tháng về hành vi ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, vốn là vấn đề gây tranh cãi lâu nay trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung.

Nhà Trắng cho hay, đã tìm ra hàng loạt động thái cho thấy Trung Quốc dường như đã và đang có những chính sách thiếu công bằng với doanh nghiệp Mỹ, như gây áp lực buộc các công ty này phải chuyển giao công nghệ và tài sản sở hữu trí tuệ để có thể kinh doanh và đầu tư tại Trung Quốc.

Giới chức Mỹ cho biết, sẽ công bố các loại thuế cụ thể áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trong vòng 15 ngày và doanh nghiệp Mỹ sẽ có 30 ngày để đóng góp ý kiến trước khi danh sách cuối cùng các mặt hàng bị áp thuế được chốt và đi vào hiệu lực. Biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ sẽ nhắm vào khoảng 1.300 dòng sản phẩm của Trung Quốc, từ sản phẩm gia dụng, quần áo, mỹ phẩm tới các mặt hàng điện tử, công nghệ.

Mặt khác, Chính phủ Mỹ còn đề ra thời hạn 60 ngày để Bộ Tài chính Mỹ đề xuất các biện pháp nhằm hạn chế khoản đầu tư từ Trung Quốc vào nước này; đồng thời trình lên Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) một số bằng chứng cho thấy những điều khoản thiếu công bằng của Trung Quốc với doanh nghiệp Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhấn mạnh, đây là bước đi đặc biệt quan trọng nhằm bảo vệ các ngành công nghệ Mỹ, có ý nghĩa đáng kể tới tương lai của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, giới quan sát lo ngại nguy cơ nổ ra cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn. Ngay lập tức phản ứng trước các biện pháp thương mại của Mỹ, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đang cân nhắc áp dụng thuế lên các hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ ước tính trị giá lên tới 3 tỷ USD.

Trong đó, Bắc Kinh lên kế hoạch áp 15% thuế lên các mặt hàng như hoa quả tươi, rượu và ống thép và áp 25% thuế lên thịt lợn, nhôm tái chế nhập khẩu từ Mỹ. Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đã lên danh sách 128 sản phẩm của Mỹ bị áp dụng biện pháp đáp trả thương mại. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại Trung Quốc còn tuyên bố, sẽ kiện lên WTO nhằm giữ vững sự cân bằng thương mại toàn cầu. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cảnh báo, chiến tranh thương mại sẽ không có lợi cho bất kỳ ai và ngỏ ý giải quyết vấn đề này thông qua thương lượng.

Gậy ông đập lưng ông

Mặc dù khiêu chiến với Trung Quốc, nhưng Tổng thống Trump có vẻ không rõ hậu quả của những biện pháp này đối với nền kinh tế Mỹ ra sao. Các nhà kinh tế cảnh báo, việc kiểm soát và áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chủ yếu là những mặt hàng tiêu dùng như điện tử, quần áo và đồ chơi, sẽ không chỉ gây ra tác động chính trị mà còn ảnh hưởng tới người tiêu dùng Mỹ, trong bối cảnh tiêu dùng của hộ gia đình đạt trên 68% GDP.

Mặc dù là nước xuất khẩu mặt hàng điện tử lớn sang Mỹ, nhưng Trung Quốc chỉ hưởng lợi 4% giá thành sản phẩm, do nước này chủ yếu lắp ráp linh kiện sản xuất ở nhiều nước khác. Trong khi đó, việc áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến giá trị sản phẩm leo thang và người tiêu dùng Mỹ là đối tượng chịu thiệt trước tiên.

Hơn nữa, biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ không làm hồi sinh đáng kể việc làm trong ngành chế tạo Mỹ. Chi phí lao động cao, cộng với tình trạng thiếu công suất sản xuất và lắp ráp ở Mỹ, cùng với những mắt xích chặt chẽ trong dây chuyền sản xuất ở Đông Á... sẽ khiến Mỹ khó có thể tiến hành cuộc cách mạng trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng cao cấp.

Trong khi đó, tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến các công ty Trung Quốc và Đài Loan, vốn đang chi phối lĩnh vực lắp ráp hàng điện tử, chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang những nước khác có chi phí gia công rẻ hơn.

Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng của Mỹ, nhất là các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu nành. Giới doanh nghiệp dự báo mặt hàng có thể trở thành “nạn nhân” tiếp theo hứng chịu các biện pháp trả đũa thương mại của Bắc Kinh.

Trung Quốc hàng năm nhập khẩu lượng đậu nành trị giá 14,2 tỷ USD. Nếu mặt hàng này bị áp thuế, nông dân và các nhà sản xuất đậu nành lớn của Mỹ sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề. Trong khi đó, đây lại chính là nhóm đối tượng đáng kể trong số cử tri bỏ phiếu cho ông Trump.