Khó như chớp cơ hội đầu tư ở các thị trường mới nổi

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Tài chính) Các thị trường mới nổi đang trải qua giai đoạn thử thách khắc nghiệt: một đợt bán tháo trong tháng 1 khiến lãi suất tăng đột ngột, sau đó thì hồi phục, nhưng giờ tình hình lại xấu trở lại do căng thẳng địa chính trị mà trung tâm là Crimea, Ukraine.

Khó như chớp cơ hội đầu tư ở các thị trường mới nổi
Các thị trường mới nổi đang trải qua giai đoạn thử thách khắc nghiệt. Nguồn: internet

Mỗi một đợt hỗn loạn như vậy đều tạo ra các cơ hội, nhưng dường như rất ít người chớp được chúng. Bài học về cơ hội trong khủng hoảng giờ được biết đến và được kiểm chứng nhiều ở các thị trường phát triển. Nhưng khi áp dụng ở các thị trường mới nổi, nó lại không mấy hiệu nghiệm.

Ít nhất, đó là bài học rút ra từ một nghiên cứu được công bố trong tháng trước bởi Elroy Dimson, Paul Marsh và Mike Staunton, 3 học giả của Trường Kinh doanh London. Đây là nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở báo cáo hàng năm về kết quả đầu tư toàn cầu của Credit Suiss.

Ba ảnh hưởng phía sau cơ hội đầu tư

Giống như các học giả khác, 3 giảng viên của Trường Kinh doanh London xác định 3 ảnh hưởng lặp lại ở các thị trường phát triển dẫn đến những kết quả đầu tư chiến thắng thị trường trong dài hạn. Chúng là những ảnh hưởng về giá trị (đối với các cổ phiếu giá rẻ), ảnh hưởng quy mô (đối với các cổ phiếu nhỏ) và ảnh hưởng quán tính (hoạt động mua - bán theo đà diễn biến của thị trường). Mặc dù còn có tranh cãi về bản chất của những ảnh hưởng này, rằng chúng liệu có bị chi phối bởi các hành động bất thường của con người hay chỉ là sự phản ứng với rủi ro, song không ai nghi ngờ về sự tồn tại của chúng.

Ở các thị trường mới nổi, ảnh hưởng giá trị thậm chí còn mạnh hơn so với ở thế giới phát triển. Nghiên cứu của Dimson/Marsh/Staunton, trên cơ sở dữ liệu từ năm 2000, nhận ra rằng, các công ty bị định giá rẻ trên cơ sở cổ tức đã tăng trưởng mạnh hơn thị trường 4,3 điểm phần trăm mỗi năm, so với mức 3,1 điểm phần trăm trội lên ở các thị trường phát triển.

Tuy nhiên, ảnh hưởng quy mô ở các thị trường mới nổi thì yếu hơn nhiều. Các doanh nghiệp lớn ở 6 thị trường mới nổi, trong cùng thời kỳ nghiên cứu, chỉ tăng trưởng vượt thị trường 1,9 điểm phần trăm, trong khi mức trội lên ở các thị trường phát triển là 6,6 điểm phần trăm.

Đối với ảnh hưởng quán tính - hành động mua thêm khi có lời và bán tiếp khi đã lỗ - dẫn đến mức tăng trội ở các nước phát triển là 0,78%, trong khi chỉ là 0,24% ở các thị trường mới nổi.

Có nên mua cổ phiếu Nga

Các ảnh hưởng cơ bản nói trên đang hoạt động ở các thị trường mới nổi, nhưng mức độ rất khác nhau. Hoạt động mua giá rẻ rốt cuộc sẽ kết thúc. Giao dịch theo quán tính, trong điều kiện tâm lý “trái gió giở trời” ở các thị trường mới nổi cùng thiên hướng đảo chiều đột ngột, thì ngày một khó khăn. Trong khi đó, việc mua cổ phiếu của các công ty nhỏ ở những thị trường thường xuyên bị chi phối bởi một số ít “tay to” lại là một vấn đề.

Về vấn đề này, giới giao dịch ở các thị trường mới nổi phàn nàn rằng, trong 4 năm qua, cả ảnh hưởng giá trị và ảnh hưởng quán tính đều không hoạt động. Các chứng khoán rẻ vẫn rẻ, trong khi thị trường giao dịch trong một phạm vi lớn mà không có định hướng rõ ràng.

Tình trạng phức tạp ở Nga là một ví dụ. Nga từng được biết đến với biểu tượng “Mua đi” trên các màn hình giá trị trong một thời gian. Cho đến đêm ngày thứ Sáu tuần trước, trước khi quân đội Nga chiếm đóng Crimea, cổ phiếu Nga là thấp nhất trong tất cả các thị trường mới nổi, theo MSCI, khi tính toán trên thu nhập cũng như giá trị sổ sách. Cổ phiếu Nga hiện thấp hơn 70% giá trị sổ sách, nhưng điều này không ngăn được hoạt động bán tháo hôm thứ Hai tuần này, khiến thị trường chứng khoán nước này còn một nửa so với mức cao trước khủng hoảng.

Diễn biến này dường như phản ánh ảnh hưởng quán tính theo chiều giảm. Nhưng chiến lược quán tính cũng bị chặn đứng bởi sự đảo chiều của giá trong 2 ngày gần đây nhất. Chỉ số RTS của Nga đã rơi 14% tại một thời điểm hôm thứ Hai, những đã tăng lại 9,5% sau đó 24 giờ.

Lãi suất tăng và bẫy quán tính

Vấn đề quán tính không chỉ bị giới hạn đối với Nga. Tình trạng bất ổn cũng đã đẩy tình hình trở nên khủng hoảng ở 2 nước khác trong vòng 6 tháng qua, là Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Trong tất cả các trường hợp, lãi suất đều được các ngân hàng trung ương đẩy lên cao hơn nhằm hạn chế dòng tiền chảy ra.

Thời gian biểu chính trị ở các thị trường mới nổi từ giờ đến hết năm cũng không thảnh thơi hơn mấy. Các cuộc bầu cử quan trọng dự kiến sẽ được tiến hành ở Colombia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Ấn Độ, Nam Phi, Indonesia và Brazil. Dự đoán chủ nghĩa dân túy, hay có lẽ là các chính sách tài khóa sẽ tăng lên ở các quốc gia này. Tương tự, cũng sẽ có những lời hứa được đưa ra ở cuộc bầu cử tại Ukraine.

Những diễn biến chính trị căng thẳng như vậy, và việc các thị trường bị gián đoạn, tất cả sẽ khiến chiến lược đầu tư quán tính không thể phát huy được. Trong khi đó, lãi suất lên cao sẽ làm tăng phần bù rủi ro đối với cổ phiếu. Khi đó, chẳng lẽ nhà đầu tư lại chọn chiến lược quán tính đi xuống, để rồi bất thình lình “ngã ngửa” với những phiên đảo chiều đột ngột.