Khó xảy ra khủng hoảng tài chính ở Trung Quốc

TS. Lê Huy Khôi – Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường – Viện Nghiên cứu Thương mại

Gần đây, các hãng xếp hạng tín dụng quốc tế khi đánh giá về nền kinh tế Trung Quốc đều có nhận định, triển vọng tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc đang ngày một xấu đi. Liệu đây có phải là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối diện với một cuộc đại khủng hoảng?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Các số liệu mới nhất cho thấy, tăng trưởng GDP trong quý II/2016 của Trung Quốc đạt 6,7%. Mặc dù mức tăng trưởng này vẫn không vượt qua được quý I song lại vượt xa mong đợi của nền kinh tế Trung Quốc.

Vì vậy dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2016 sẽ ở mức 6,7%. Cũng với đà này, khả năng tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ còn đạt khoảng từ 3-4% trong hai đến ba năm tới, nếu nỗ lực hơn thì cũng chỉ có thể lên đến 5%…

Nợ cao hơn tăng trưởng

Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Năm 2015, GDP của Trung Quốc đạt 10.866,4 tỷ USD; tổng kim ngạch XNK đạt 3.963,6 tỷ USD, trong đó nhập khẩu đạt 1.681,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 2.281,9 tỷ USD.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, các vấn đề kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đang rơi vào tình trạng ngày càng xấu đi, điển hình là tình trạng nợ xấu (Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc đã tăng vọt từ 150% lên gần 260% trong một thập kỷ qua), dư thừa công suất, sụt giảm tăng trưởng, và có thể khiến nền kinh tế số hai thế giới rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài. Theo tính toán, tổng số nợ của một quốc gia tiệm cận mức 250% GDP thì cảnh báo nguy cơ xuất hiện khủng hoảng tài chính.

Hiện nay, nợ doanh nghiệp (DN) ở Trung Quốc đang tăng nhanh và tập trung chủ yếu ở những lình vực trước đây tăng trưởng nóng là bất động sản, xây dựng… Điều đáng nói là các khoản nợ này chủ yếu xảy ra ở những DN của nhà nước, điều này đã dẫn đến việc tình trạng mua bán, sáp nhập DN hoặc phá sản thường xuyên hơn trước đây. Chỉ riêng các DN nhà nước ngoài lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã chiếm khoản nợ lên đến gần 120% GDP và tốc độ vay của các công ty này tăng gần 20%/năm.

Có thể thấy, nợ của Trung Quốc đang cao hơn mức tăng trưởng kinh tế. Theo tính toán thì nợ công của Trung Quốc đã tăng khoảng 4 lần trong vòng 7 năm trở lại đây. Với đà này, tới năm 2020 nợ công của nền kinh tế thứ hai thế giới có thể lên tới 300%. Như vậy, với khoản nợ hiện nay, dường như Trung Quốc đang đứng trước những nguy cơ khủng hoảng.

4 lý do khó xảy ra khủng hoảng

Theo các chuyên gia, một cuộc khủng hoảng về tài chính sẽ khó có thể xảy ra với Trung Quốc trong vòng hơn 1 năm tới, vì nền kinh tế nước này vẫn còn rất nhiều nguồn lực để vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay. Cụ thể:

Thứ nhất,ngành ngân hàng của Trung Quốc có quy mô lớn nhất, với tài sản tương đương 40% GDP toàn cầu

Thứ hai, thị trường chứng khoán, dù trải qua đợt sụt giá mạnh năm ngoái, nhưng vẫn có mức vốn hóa lên tới khoảng trên 6.000 tỷ USD, chỉ sau Mỹ và tỷ lệ tiết kiệm rất cao của người dân trong xã hội, thị trường trái phiếu của Trung Quốc cũng đạt con số khoảng 7.500 tỷ USD, đứng thứ 3 toàn cầu và có mức tăng trưởng rất nhanh.

Thứ ba,dự trữ ngoại hối của Trung Quốc mặc dù đã sụt giảm gần 110 tỷ trong 2015, nhưng vẫn ở mức khổng lồ, khoảng gần 3.300 tỷ USD.

Thứ tư, trong hơn 3 thập kỷ cải tổ, lãnh đạo Trung Quốc đã chứng minh được rằng một khi phát hiện được vấn đề, họ có đủ quyết tâm và kỹ năng để khắc phục. Bên cạnh đó là khả năng kiểm soát hệ thống tài chính của Chính phủ thông qua sở hữu các ngân hàng lớn giúp Trung Quốc có đủ tiềm lực và thời gian để xử lý vấn đề.

Mặc dù, khó có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng về tài chính ở Trung Quốc trong vòng một vài năm tới; tuy nhiên tất cả những yếu tố đó chỉ có thể giúp kinh tế Trung Quốc không phải đối diện với một cuộc khủng hoảng toàn diện ngay trước mắt mà thôi, chứ không thể giải quyết các vấn đề vĩ mô của nước này đang trong tình trạng ngày càng xấu đi.

Nền kinh tế Trung Quốc đang bước vào giai đoạn suy giảm do chuyển đổi mô hình tăng trưởng, việc làm đang ngày càng ít đi do các nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng rời khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, nhu cầu hàng hóa trên thế giới giảm đi do kinh tế khó khăn.

Dự báo, tăng trưởng kinh tế sẽ sụt giảm đột ngột khá mạnh theo chiều đi xuống nhanh, nhưng sau đó nó sẽ dần ổn định lại và duy trì ở một tỷ lệ tăng trưởng thấp theo chiều ngang. Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc là nước cho vay ròng, nhưng dự báo rủi ro có thể sẽ đến từ các yếu tố bên trong và khi đó, những tác động từ cuộc khủng hoảng tài chính, tín dụng xảy ra sẽ là rất lớn.