Khốn đốn vì vàng

Hải An

(Tài chính) Sau 12 năm tăng liên tiếp, giá vàng thế giới hiện đã giảm gần 23% trong quý II/2013 và giảm đến 27% tính từ đầu năm 2013. Giá vàng giảm đang khiến nhiều nước khốn đốn…

Venezuela đang phụ thuộc quá nhiều vào vàng. Nguồn: internet
Venezuela đang phụ thuộc quá nhiều vào vàng. Nguồn: internet

T Venezuela…

Giá vàng đã trượt dài trong thời gian qua khi kinh tế Mỹ có dấu hiệu khởi sắc, đồng USD tăng giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu có thể sớm kết thúc gói nới lỏng định lượng số 3. Sự sụt giảm của giá vàng khiến nhiều ngân hàng Trung ương các nước, trong đó có Venezuela phải đối mặt với những khoản mất mát lớn.

Trong những năm cuối đời, cố Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã quyết định theo đuổi chính sách từ bỏ “chế độ độc tài của USD”, thay vào đó, tăng dự trữ vàng. Thế nhưng, việc cho phép vàng chiếm tới 70% dự trữ ngoại hối có thể là sai lầm của Venezuela khi giá vàng bắt đầu giảm mạnh. Theo Hội đồng Vàng thế giới, đến cuối 2012, lượng vàng trong dự trữ ngoại hối của quốc gia này cao nhất trong số các thị trường mới nổi và gấp hơn 50 lần so với lượng dự trữ của các nước láng giềng Colombia và Brazil.

Việc tăng dự trữ vàng thay USD đã giúp giá trị dự trữ của Venezuela tăng gần 4 lần trong vòng 1 thập kỷ qua, khi giá vàng tăng, tuy nhiên, đà giảm mới đây của kim loại này đã khiến kho dự trữ của họ gần như sụp đổ. Giá vàng giảm đã khiến dự trữ của ngân hàng Trung ương Venezuela giảm xuống dưới 25 tỷ USD (thấp nhất 8 tháng) từ gần 30 tỷ USD năm ngoái. Lượng dự trữ này có thể giảm tiếp nếu FED bắt đầu giảm nới lỏng tiền tệ khiến giá vàng giảm.

Trong khi đó, việc thiếu hụt đồng USD khiến nhiều công ty của Venezuela không thể nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô, linh kiện và thiết bị. Quá trình sản xuất của họ bị đình trệ. Kết quả là nhiều năm nay, người Venezuela đã quen với việc thiếu thuốc và nhiều mặt hàng thiết yếu như sữa, đường và thậm chí, hiện nay là thiếu giấy vệ sinh. Venezuela hiện cũng đang chịu đựng tình trạng cúp điện không thường xuyên, tỷ lệ lạm phát lên đến 20% (năm 2012), nợ các công ty tăng cao….

Xem ra Venezuela đang phụ thuộc quá nhiều vào vàng và trước đây họ đã chưa lường hết được những tác động của việc giá vàng giảm mạnh.

… Đến n Đ

Ấn Độ hiện là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới. Tổng số tiền mà Ấn Độ phải bỏ ra nhập vàng trong năm 2012-2013 là gần 54 tỷ USD (trong năm trước đó là 56,5 tỷ USD). Những con số này cho thấy, giá vàng sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm 2013 đã khiến người dân Ấn Độ chịu mất mát không nhỏ. Tuy nhiên, người dân Ấn Độ vẫn chưa “chán” vàng. Trong tháng 4/2013, tổng lượng vàng nhập khẩu của Ấn Độ đã lên tới 117 tấn, rồi tiếp tục đạt mức cao kỷ lục vào tháng 5/2013 với 162 tấn (bình quân cùng kỳ giai đoạn 2012- 2013 là 70 tấn/tháng).

Điều đang nói là mức độ vàng hóa cao đã đẩy Ấn Độ đối mặt với thâm hụt cán cân vãng lai, tác động bất lợi tới dự trữ ngoại hối cũng như đẩy đồng nội tệ Rupee liên tục mất giá. Theo hãng tin Reuters, thâm hụt cán cân vãng lai của Ấn Độ đã lên mức kỷ lục 4,8% GDP trong năm tài khóa 2012 - 2013 kết thúc vào tháng 3/2013 (so với mức 4,3% năm 2011 - 2012). Đồng Rupee đã mất giá chưa từng có, một phần do nhu cầu USD tăng cao. Trong khoảng thời gian từ 1/5 - 22/6/2013, đồng tiền này đã mất giá tới 6% và tính từ đầu năm đến ngày 8/7/2013, đồng Rupee đã mất giá 10%.

Để ứng phó với tình trạng trên, gần đây, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã có những biện pháp khá mạnh tay nhằm ổn định lại kinh tế. Một số chính sách đã được đưa ra như: cấm cho vay mua vàng; giảm tỷ lệ cho vay với tài sản thế chấp là vàng; hạn chế nhập khẩu vàng; tăng thuế nhập khẩu vàng (từ 6 lên 8%, so với mức thuế 2% vào tháng 1/2012)...

Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Chidaba - ram Palania - ppan gần đây tuyên bố, các chỉ số kinh tế như thâm hụt cán cân vãng lai sẽ được cải thiện mạnh mẽ nếu người dân không nhập khẩu kim loại quý trong 1 năm; các biện pháp này đang phát huy hiệu quả, tác động tích cực tới chứng khoán, tỷ giá, lãi suất...

Tuy nhiên, theo tờ Financial Times, hiện nay, tình trạng “khát vàng” của người dân Ấn Độ vẫn chưa được cải thiện. Hàng nghìn hiệu nữ trang khác trên khắp Ấn Độ, đã trở thành “chiến trường” giữa một bên là dân chúng khao khát mua vàng và một bên là Chính phủ nước này quyết tâm tìm cách hạn chế khao khát đó, nhằm chặn đà suy yếu của đồng nội tệ Rupee.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 7 - 2013