Khủng hoảng ở Ukraine: Khi “ông lớn” lao đao...

PV.

(Tài chính) Dù không còn sức mạnh kinh tế như trước kia nhưng Ukraine vẫn còn sức mạnh về vị trí địa lý. Đó là lý do để các nước lớn “nhúng tay” vào Ukraine, bất chấp những tổn thất không hề nhỏ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nga: lợi thì có lợi…

Có được Crimea nhưng Nga lại bị G8 loại ra khỏi nhóm. Nỗ lực của Nga để gia nhập Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cùng Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng bị “đóng băng”. Phương Tây đã áp dụng các lệnh trừng phạt ban đầu với Nga (không cấp thị thực, phong tỏa tài sản của một số quan chức cấp cao Nga) và có thể các lệnh cấm vận mới sẽ được mở rộng thêm. Trong bối cảnh trên, Chỉ số chứng khoán Micex của Nga đã giảm hơn 10% kể từ đầu năm. Đồng Rúp cũng đã suy yếu 7% so với USD trong năm nay, sau khi sụt đến 11% vào tháng 3.

Dòng vốn tư bản chảy khỏi Nga là điều không thể tránh khỏi. Thống kê của ngân hàng trung ương nước này cho thấy 64 tỷ USD tài sản đã bị người Nga chuyển ra khỏi nước này chỉ trong 3 tháng đầu năm nay.

Lượng vốn rời bỏ thị trường Nga trong quý I/2014 như vậy đã gần bằng cả năm 2013 và theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), con số này sẽ vào khoảng 150 tỷ USD nếu cuộc khủng hoảng tại Ukraine trở nên trầm trọng hơn.

Cuộc khủng hoảng ở Ukraine diễn ra giữa lúc kinh tế Nga đang yếu. Mức tăng trưởng của Nga bị giảm trong vài năm qua, từ 4,3% vào năm 2011 xuống còn 1,3% trong năm ngoái, và các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là quá phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng và không hiện đại hóa nền kinh tế. Việc luồng vốn đầu tư không ngừng chảy ra đã gây khó cho kinh tế Nga, khiến tăng trưởng ở mức thấp, lạm phát tăng nhanh, ngân hàng trung ương buộc phải tăng lãi suất để ngăn đà mất giá của đồng rúp.

Bộ Phát triển Kinh tế của Nga ước tính con số tăng trưởng kinh tế Nga trong năm 2014 là 0,6% và mức tháo vốn là 100 tỷ USD. Bi quan hơn, các hãng thông tấn Nga ngày 15/4 đã dẫn lời ông Siluanov, Bộ trưởng Tài chính Nga tại một cuộc họp Chính phủ: “Dự đoán tăng trưởng GDP khá thấp, chỉ là 0,5%. Có thể chỉ là 0%.”

EU cũng gặp khó

Mục tiêu của phương Tây trong vụ khủng hoảng lần này là lôi kéo Ukraine gia nhập NATO, chưa biết lợi, hại của sự gia nhập này sẽ thế nào nhưng trước mắt những tổn thất mà họ phải chịu là quá lớn trong bối cảnh tàn dư của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu chưa kết thúc.

Cái khó của EU là dầu mỏ và khí đốt của Nga chiếm 1/3 tổng lượng tiêu thụ của EU. 40% trong số này được trung chuyển qua Ukraine. Giá hai mặt hàng thiết yếu này có thể sẽ tăng mạnh trong thời gian tới nếu có gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga do không thông suốt hệ thống ống dẫn qua Ukraine.

Hơn thế, Nga cũng đang dùng năng lượng để ép EU trả nợ giúp cho Ukraine, khoản nợ 11 tỷ USD khí đốt. Để lôi kéo được Ukraine, Liên minh này buộc phải móc hầu bao, dù cho túi tiền của họ lúc này đang không rủng rỉnh.

Đồng Euro cùng với các thị trường chứng khoán của EU cũng sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn. Đồng Euro tăng giá sẽ làm cho chi phí sản xuất tăng, sức cạnh tranh của hàng hóa yếu đi. Các nhà xuất khẩu EU, đặc biệt là Đức, sẽ phải đối mặt với nguy cơ tụt giảm doanh số. Sự phục hồi kinh tế trong Eurozone như vậy sẽ lại bị đặt dấu hỏi lớn.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 - 2014