Khủng hoảng tài chính có trở lại?

Theo daibieunhandan.vn

Tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu đã bị một phen chao đảo do thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Hình ảnh những khuôn mặt hốt hoảng hay tuyệt vọng không rời màn hình tràn ngập các phương tiện truyền thông quốc tế. Không chỉ các nhà kinh doanh hoặc quản lý quỹ đầu tư, mà các nhà hoạch định chính sách kinh tế - tài chính cũng bắt đầu lo ngại trước nguy cơ sụp đổ thị trường chứng khoán Trung Quốc sẽ dẫn tới một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới.

Tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu đã bị một phen chao đảo do thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Nguồn: internet
Tuần qua, thị trường tài chính toàn cầu đã bị một phen chao đảo do thị trường chứng khoán Trung Quốc lao dốc. Nguồn: internet

“Cơn sốt” đỏ sàn mang tên Trung Quốc

Tại phiên giao dịch đầu tuần này, chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải (Shanghai Composite Index) đã giảm mạnh 8,5% và xu hướng tiêu cực này đã lan sang các thị trường tài chính trên toàn thế giới. Khoảng 812 tỷ USD đã bị “bốc hơi” tại Phố Wall, biến ngày 24.8 thành “ngày thứ Hai đen tối” đối với các cổ phiếu chủ lực tại thị trường chứng khoán Mỹ. Các thị trường chứng khoán ở châu Á cũng lập tức bị “lây nhiễm”, sụt giảm mạnh chưa từng thấy.

Ở châu Âu, thị trường chứng khoán Frankfurt (Đức) giảm mạnh do ảnh hưởng chứng khoán châu Á. Chỉ số DAX 30 lần đầu tiên xuống dưới mức 10.000 điểm. Thị trường Frankfurt đặc biệt nhạy cảm trước tình trạng tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi, nhất là Trung Quốc. Tại thị trường chứng khoán Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 bị giảm bốn phiên liên tiếp, xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm. Thị trường chứng khoán London, Madrid, Milano cũng nối gót giảm. Chỉ số Euro Stoxx 50 tập hợp các công ty lớn trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cùng chung số phận.

Nguyên nhân chủ yếu gây hoảng loạn trên thị trường chứng khoán châu Á và thế giới là do mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư về thực trạng và viễn cảnh không mấy sáng sủa của nền kinh tế Trung Quốc. Kết quả khảo sát sơ bộ mới nhất do Caixin/Market công bố cho thấy, hoạt động của các nhà máy Trung Quốc trong tháng 7 suy giảm mạnh nhất trong hơn 6 năm qua do nhu cầu nội địa và xuất khẩu yếu. Việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, tức Ngân hàng Trung ương) bất ngờ điều chỉnh giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT) được cho là nỗ lực nhằm thúc đẩy xuất khẩu và các hoạt động kinh tế của Trung Quốc, nhưng nó làm dấy lên lo ngại cũng như gây sốc cho thị trường.

Nhưng nếu chỉ dựa vào những vấn đề tại Trung Quốc hiện nay để giải thích cho những bất ổn trên các sàn giao dịch chứng khoán thế giới thì chưa đủ thuyết phục. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng mạnh trong một năm qua, ngay cả khi giảm mạnh hai tháng qua, chỉ số Shanghai Composite cũng vẫn tăng 43% so với cùng kỳ năm 2014. Kinh tế Trung Quốc xuất hiện những dấu hiệu suy giảm rõ rệt nhưng chưa đến mức báo động, đồng NDT bị phá giá nhưng chỉ 3 - 4%.

Tờ The New York Times (Mỹ) nhận định Bắc Kinh đã thực hiện những biện pháp chưa từng có để hỗ trợ thị trường trong vài tuần qua, mặc dù hầu như không đem lại kết quả. Theo báo này, điều đó chứng tỏ giới lãnh đạo Trung Quốc không đủ khả năng bảo đảm cho nền kinh tế hạ cánh nhẹ nhàng và đó mới là điều đáng lo ngại. Một số nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ quan ngại về “hiệu ứng lây nhiễm” từ sự lao dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc đối với nền kinh tế toàn cầu.

Dấu hiệu một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới?

Theo nhận định của một chuyên gia, giữa châu Âu không tăng trưởng và Trung Quốc đang có dấu hiệu xuống dốc, mọi điều kiện báo động sự sụp đổ mới đều đã hội tụ. Dù khó có thể dự đoán quy mô cuộc khủng hoảng sắp tới, nhưng nó cũng sẽ nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng xảy ra năm 2008.

Cho tới nay, cuộc khủng hoảng mới chỉ bắt đầu trên thị trường chứng khoán, nhưng hoàn toàn có thể nhanh chóng trở thành cuộc khủng hoảng tín dụng như năm 2008. Cách đây 7 năm, cuộc khủng hoảng xảy ra tại trung tâm của chủ nghĩa tư bản là Mỹ, giờ nó tác động tới một trong những “lá phổi” là Trung Quốc.

Hiện tại, nguồn vốn đầu tư - động cơ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc - đang giảm, buộc Bắc Kinh phải tập trung vào phát triển tiêu thụ nội địa, song cũng từ đó, nền kinh tế này lại tích tụ thêm nhiều “bong bóng” mới. Trước hết là bong bóng bất động sản, chiếm tới 15% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Tiếp theo là bong bóng chứng khoán. Tại sàn chứng khoán Thượng Hải (lớn nhất Trung Quốc), tích lũy vốn đã tăng từ 500 tỷ USD lên 6.500 tỷ USD từ tháng 6.2014 đến 6.2015.

Để tránh việc vốn đầu tư tăng thêm, tháng 6 vừa qua, Bắc Kinh đã siết chặt điều kiện giao dịch, trước khi nới lỏng trở lại ba tuần sau đó, sau khi 3.000 tỷ USD vốn bốc hơi. Đầu tháng này, Chính phủ đã 3 lần liên tiếp phá giá đồng NDT. Điều này chứng tỏ sự thất bại của chính sách tăng trưởng dựa trên nhu cầu và phân phối tín dụng tràn lan.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng thị trường đã phản ứng quá phóng đại trước tín hiệu tiêu cực từ Trung Quốc, một phần do các nhà đầu tư không tin tưởng các chính phủ sẽ ra tay cứu giúp. Theo tờ The Wall Street Journal (Mỹ), một trong những yếu tố khiến giới đầu tư mất lòng tin là việc các chính phủ trong vài năm qua luôn tìm cách kích thích nền kinh tế nên hiện tại hầu như đã cạn kiệt công cụ, trong khi nỗ lực của các ngân hàng trung ương cũng không bảo đảm sự tăng trưởng kinh tế vững chắc.

Tờ The Financial Times (Mỹ) dẫn lời chuyên gia Erik Nielsen, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng UniCredit, bình luận tình hình hiện nay “có vẻ giống cơn kịch phát của bệnh tưởng trên thị trường chứng khoán. Căn bệnh khó khỏi hẳn, nhưng có thể thuyên giảm nhờ những bài tập thở và đi bộ dài”.