Kinh nghiệm quốc tế về mô hình tăng trưởng: Giá của tăng trưởng nóng

Theo Quỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

Theo gần như bất kỳ cách tính nào, thành tích kinh tế của Trung Quốc trong 4 thập kỷ qua cũng ấn tượng không khác gì Vạn Lý Trường thành. Kể từ cuối những năm 1970, Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn bất cứ nước nào trong lịch sử. Nhưng cũng giống như Vạn Lý Trường Thành không hiệu quả như người ta tưởng tượng, một nền kinh tế tăng trưởng nóng đã cho thấy những mặt hạn chế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Từ cuối những năm 1970 đến năm 2000, Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình hơn 9%. Tuy nhiên, về thực chất, tăng trưởng đó đạt được chủ yếu nhờ vào huy động tiền của và lao động, chứ không phải nhờ cải thiện nguồn nhân lực và đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ.

Điều đó có nghĩa là giờ đây Trung Quốc phải bỏ ra gấp 3 lần lượng vốn để tạo ra 1 đơn vị tăng trưởng kinh tế so với năm 2008. Kết quả là nợ bùng phát, lên đến 250% GDP năm 2016.

Tăng trưởng kinh tế phi mã của Trung Quốc đã giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói và tạo nên một tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, cái giá phải trả về môi trường sống của Trung Quốc cao hơn bất kỳ nước nào.

Kể từ năm 2007, Trung Quốc vượt qua Mỹ và trở thành nước xả khí thải nhà kính lớn nhất thế giới. Theo Dự án Carbon toàn cầu, 27% lượng khí thải toàn cầu năm 2014 đến từ Trung Quốc. Vào tháng 1/2013, Thủ đô Bắc Kinh trải qua tình trạng khói mù kéo dài khiến người dân nước này phải gọi đó là hiện tượng “tận thế không khí”.

Mật độ của các vật chất nguy hiểm trong không khí cao gấp 40 lần so với ngưỡng an toàn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra. Theo Tổ chức Greanpeace East Asia, ít nhất 80% trong 367 thành phố của Trung Quốc có chỉ số đo lường chất lượng không khí ở mức không an toàn vào 3 quý  năm 2015.

Ô nhiễm và khan hiếm nguồn nước cũng là một thách thức môi trường nghiêm trọng đối với Trung Quốc. Dân số Trung Quốc chiếm 20% dân số thế giới, nhưng nguồn nước ngọt của nước này chỉ chiếm 7%. Sử dụng quá mức và tình hình ô nhiễm nguồn nước dẫn đến thiếu hụt nước sử dụng.

Khoảng 2/3 các thành phố Trung Quốc thiếu nước sinh hoạt. Khi còn là Thủ tướng, ông Ôn Gia Bảo từng khẳng định: “Thiếu nước là một thách thức đe dọa sự tồn vong của Trung Quốc”. Việc phát triển công nghiệp gần các vùng cấp nước chính của Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh mối đe dọa với tăng trưởng kinh tế, ô nhiễm môi trường còn khiến kinh tế Trung Quốc thiệt hại khoảng 3 - 10% GDP. Số liệu năm 2010 của Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc tính toán rằng, các thiệt hại do ô nhiễm khoảng 1,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (227 tỷ USD), tức khoảng 3,5% GDP.

Ô nhiễm đã trở thành một vấn đề xã hội và thách thức chính trị lớn. Trung Quốc đã siết chặt thực hiện Luật Bảo vệ môi trường vào năm 2014; đồng thời yêu cầu 15.000 nhà máy, bao gồm các nhà máy của những doanh nghiệp nhà nước, phải công bố công khai các số liệu về khí thải và xả nước thải; cam kết đầu tư 275 tỷ USD trong 5 năm để làm sạch không khí, và 333 tỷ USD để xử lý các nguồn nước ô nhiễm; cam kết áp dụng chương trình toàn quốc về giới hạn và thu phí khí thải nhà kính bắt đầu từ năm 2017.

Cái giá đắt từ những hệ lụy của tăng trưởng nóng, thiếu bền vững chính là lý do khiến các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kiên quyết hạ thấp chỉ tiêu tăng trưởng và có những bước đi mạnh mẽ để đưa nền kinh tế hướng tới tăng trưởng bền vững.