Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số nước

Theo Báo Đại biểu Nhân dân

Việc thành lập Công ty quản lý tài sản (AMC) để giải quyết nợ xấu ngân hàng là một trong những biện pháp đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia trên thế giới. Theo các chuyên gia quốc tế, để AMC hoạt động thành công, cần có một khung khổ pháp lý đặc thù cụ thể để AMC đủ quyền năng và trách nhiệm; đồng thời, AMC cần được xây dựng với nhiệm vụ rõ ràng, kế hoạch tỷ mỉ, minh bạch và các biện pháp thực hiện nhanh gọn. Cùng với đó, các AMC cũng cần được bảo đảm tính độc lập, đầy đủ nguồn lực và nhân lực có trình độ để thực hiện nhiệm vụ.

Kinh nghiệm xử lý nợ xấu của một số nước
Ảnh minh họa. Nguồn:Internet
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 02 Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó đã giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì xây dựng Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản Việt Nam (VAMC) như là một công cụ quan trọng trong quá trình xử lý nợ xấu tại các ngân hàng. Theo Phó vụ trưởng Vụ Chính sách an toàn hoạt động ngân hàng (NHNN) Nguyễn Trọng Du, hiện Đề án này đã được tham vấn ý kiến của các chuyên gia, đang được xin ý kiến các thành Chính phủ và các cấp lãnh đạo. Về nguyên tắc, VAMC là một doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, hoạt động theo cơ chế lấy thu bù chi và phi lợi nhuận, với mô hình tinh gọn. Đặc biệt, VAMC có thể phát hành trái phiếu dưới sự bảo lãnh của Chính phủ để tạo nguồn lực mua các khoản nợ xấu. Ngoài ra, một Nghị định xác lập khung khổ pháp lý cho các hoạt động của VAMC cũng đang được xây dựng.
 
Ý tưởng thành lập VAMC cũng đã được khởi động cách đây vài năm và trước tình hình nợ xấu của Việt Nam đang ở mức báo động như hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế tài chính trong nước đều đề xuất thành lập VAMC như là chìa khóa quan trọng trong công cuộc xử lý nợ xấu ngân hàng. Tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nợ và xử lý nợ quá hạn đối với Việt Nam do Tổ chức Tài chính Quốc tế tại Việt Nam (IFC) vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên quốc tế đã chỉ các nguyên tắc và kinh nghiệm thực tiễn để các AMC có thể phát huy hiệu quả. Với mỗi quốc gia, AMC này có thể có các quy mô khác nhau, được sở hữu bởi Nhà nước hoặc tư nhân. Đối với Trung Quốc, AMC được sở hữu 100% bởi 4 ngân hàng Nhà nước lớn nhất; đối với Malaysia và Indonesia, các AMC được sở hữu bởi Nhà nước trong khi tại các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, có sự phối hợp giữa các AMC nhà nước và các AMC tư nhân trong và ngoài nước.
 
Nợ xấu được bán cho ai? Theo Tổng giám đốc công ty kiểm toán PwC Malaysia Chui Sum Lee, trong quá trình xử lý nợ xấu, bên cạnh việc các AMC trực tiếp mua lại, thì nợ xấu ở các nước được bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tùy quy định cụ thể của từng nước mà tỷ lệ nợ xấu tối đa bán cho các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khác nhau. Đồng thời, tùy quan niệm cụ thể của mỗi nước mà có các quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài sở hữu các AMC khác nhau. Chẳng hạn, Trung Quốc quy định các AMC được bán cổ phần, quyền sở hữu nợ trong các công ty không niêm yết; Malaysia quy định tối đa 49% số nợ khó đòi được bán cho các nhà đầu tư nước ngoài, còn lại 51% là các nhà đầu tư trong nước trong khi các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan thì không giới hạn tỷ lệ này. Phương pháp bán nợ xấu phổ biến nhất được các quốc gia áp dụng chính là đấu giá.
 
Nguồn vốn của các công ty AMC trên thế giới cũng rất khác nhau. Theo bà Chui Sum Lee, các AMC quốc doanh của các quốc gia thường được cấp vốn từ ngân sách (trường hợp Indonesia, Thái Lan) hay phát hành trái phiếu (trường hợp Trung Quốc, Malaysia). Còn các AMC tư nhân thì nguồn vốn chủ yếu từ các tổ chức mua bán nợ và các nhà đầu tư trong và ngoài nước (trường hợp Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Trong quá trình xây dựng và hoạt động của các AMC này, một số quốc gia đã gặp phải các lực cản như thiếu khung khổ pháp lý, thiếu tính minh bạch cũng như sự chậm trễ trong quá trình triển khai.
 
Về đội ngũ chuyên môn của các AMC, Giám đốc khối xử lý nợ và giải thể doanh nghiệp, phát triển môi trường đầu tư, IFC, ông Mahesh Uttamchandani cho rằng, ban điều hành của AMC nên là các chuyên gia giỏi thay vì các nhà chính trị. Đồng thời, thống kê cho thấy, những nền kinh tế có quy định về trình độ chuyên môn tối thiểu trong xử lý nợ thường có mức thu hồi nợ cao hơn. Việc nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ chuyên xử lý nợ là yếu tố quan trọng bảo đảm quy trình xử lý nợ hiệu quả. Ông Mahesh Uttamchandani khuyến nghị, Việt Nam cần đặc biệt lưu ý và bảo đảm nguồn nhân lực đủ trình độ, kỹ năng và tính chuyên nghiệp trong quá trình xây dựng VMAC.
 
Theo các chuyên gia quốc tế, hiện tại thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam còn nhiều hạn chế trong việc công khai, minh bạch các con số, đặc biệt là các khoản nợ xấu cụ thể trong theo từng lĩnh vực, loại hình doanh nghiệp, đối tượng vay vốn nên khó đưa ra được các biện pháp xử lý phù hợp. Giám đốc khu vực của tổ chức IFC Simon Andrews nhận định, theo kinh nghiệm quốc tế, quốc gia nào có được những số liệu chính xác về con số nợ xấu, con số cụ thể về các lĩnh vực nợ quá hạn thì khả năng thành công trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ cao hơn. Việc bảo đảm minh bạch, rõ ràng trong quá trình hoạt động của các AMC cũng là cách để hạn chế các tiêu cực phát sinh có thể xảy ra.
 
Để AMC không trở thành kho lưu giữ nợ xấu của hệ thống tài chính, tạo tiền lệ xấu cho các tổ chức tín dụng, các chuyên gia quốc tế khuyến cáo cần có quy định cụ thể “vòng đời” hoạt động của các AMC này. Các quy định ưu đãi, khuyến khích trong quá trình xử lý nợ cũng cần có một lộ trình nhất định, không nên kéo dài. Cũng có ý kiến cho rằng, thay vì kết thúc hoạt động của các công ty AMC sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải quyết nợ xấu, có thể định hướng hoạt động để các công ty này trở thành các ngân hàng đầu tư hoặc các định chế tài chính như trường hợp Mỹ và Hàn Quốc đã thực hiện.
 
Với tình hình nợ xấu hiện tại và đặc thù của thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam, các chuyên gia trong và ngoài nước đều khuyến khích Việt Nam nên thành lập công ty Quản lý tài sản Việt Nam, hay còn gọi là Công ty mua bán nợ xấu quốc gia. Các chuyên gia cũng cho rằng, sẽ không có một biện pháp xử lý đơn nhất nào thực sự hiệu quả, xử lý nợ xấu cần những biện pháp tổng hợp. Trong đó, những đối tượng trực tiếp gây ra nợ xấu phải có trách nhiệm chính trong quá trình giải quyết nợ xấu. Chính phủ có vai trò hỗ trợ và giám sát quá trình giải quyết nợ xấu, nhằm bảo đảm một nền tài chính quốc gia lành mạnh, bền vững.