Kinh tế bị lu mờ tại G20?

Theo nld.com.vn

Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thúc giục Trung Quốc giải quyết vấn đề thừa mứa công suất của các ngành công nghiệp trong nước

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trung Quốc đang hy vọng củng cố vị thế cường quốc toàn cầu khi họ đón tiếp lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 (nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) tại TP. Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang trong 2 ngày 4 và 5/9.

Nỗi lo của nước chủ nhà

Theo Reuters, nước chủ nhà muốn sử dụng hội nghị để công bố chiến lược rộng lớn cho tăng trưởng toàn cầu nhưng lo ngại sự kiện bị phủ bóng bởi tranh cãi về mọi thứ, từ tranh chấp lãnh thổ cho đến chủ nghĩa bảo hộ. Điều này thể hiện rõ qua những phát biểu công khai của giới chức Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh không muốn thấy những vấn đề “bên lề” chiếm chỗ hội nghị, nơi có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều lãnh đạo khác.

Chẳng hạn, Thứ trưởng Ngoại giao Lý Bảo Đông hồi giữa tháng 8 lớn tiếng nói Bắc Kinh không muốn G20 thảo luận các vấn đề chính trị, trong đó có tranh chấp ở biển Đông, mà chỉ tập trung vào kinh tế.

Đến tuần rồi, Bắc Kinh lại thúc giục Tokyo giữ vai trò “xây dựng” tại Hội nghị G20, qua đó phản ánh nỗi lo Nhật Bản can dự vào tình hình biển Đông giữa lúc 2 nước này chưa thôi căng thẳng vì vấn đề lịch sử và tranh cãi chủ quyền ở biển Hoa Đông. Chia sẻ quan điểm nước chủ nhà, ông Putin hôm 2-9 nhấn mạnh G20 không nên can dự vào những chính sách đối ngoại bởi đã có những diễn đàn khác dành cho công việc này. Theo nhà lãnh đạo Nga, Hội nghị G20 ra đời là để tập trung thảo luận những vấn đề kinh tế quốc tế.

Dù vậy, đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi bởi tâm điểm của một loạt cuộc gặp song phương hoặc đa phương bên lề hội nghị sẽ được dành cho các điểm nóng chính trị và an ninh, như chủ nghĩa khủng bố, bầu cử tổng thống Mỹ, xung đột Syria, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), tranh chấp lãnh thổ…

Thu hút nhiều quan tâm nhất có lẽ là cuộc gặp ngày 3/9 giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và ông Obama, người sẽ rời Nhà Trắng sau vài tháng nữa. Dù tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề như chống biến đổi khí hậu hoặc kiềm chế tham vọng hạt nhân của Iran nhưng hai nhà lãnh đạo này vẫn chưa thu hẹp được nhiều bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc; trong đó nổi bật là tranh chấp biển Đông, thương mại, an ninh mạng và mới nhất là kế hoạch triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ đến Hàn Quốc…

Chắc chắn những nội dung sẽ được hai nhà lãnh đạo bàn đến dù ông Michael Green, từng là cố vấn của cựu Tổng thống George W. Bush, đánh giá rằng khó có đột phá.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Một cuộc gặp đáng chú ý và không dễ dàng khác của ông Obama bên lề Hội nghị G20 là với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong ngày 4/9. Quan hệ 2 đồng minh NATO này đang căng thẳng vì chiến lược trongcuộc nội chiến Syria và cuộc trấn áp người chống đối ông Erdogan trong nước sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7. Nhà Trắng cũng để ngỏ khả năng có cuộc tiếp xúc không chính thức giữa ông Obama và ông Putin trong bối cảnh hai nhà lãnh đạo bất đồng sâu sắc về tình hình Ukraine, Syria.

Trong nỗ lực hướng G20 vào chương trình nghị sự chính, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu hôm 2-9 cho biết các thành viên G20 đã cam kết kết hợp các biện pháp chính sách - cải cách tiền tệ, tài chính và cấu trúc - để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.Theo ông Chu, đây là kết quả đạt được tại hội nghị các thống đốc ngân hàng và bộ trưởng tài chính G20 hồi tháng 7 qua và nó sẽ được trình cho các nhà lãnh đạo G20 xem xét.

Trong khi đó, ông Obama dự kiến thúc giục các nhà lãnh đạo G20 sử dụng chính sách tài chính và những công cụ khác để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như chú ý nhiều hơn đến những người cảm thấy bị bỏ lại phía sau.

Tuy nhiên, ngay cả trong vấn đề kinh tế, rắc rối cũng vây quanh nước chủ nhà. Bên cạnh việc bảo vệ và tìm kiếm thêm sự ủng hộ dành cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một trong những ưu tiên kinh tế hàng đầu khác của ông Obama tại Hội nghị G20 là thúc giục Trung Quốc giải quyết vấn đề thừa mứa công suất của các ngành công nghiệp trong nước để giảm tác hại đến thị trường quốc tế.

Ngoài ra, đây còn là dịp để Trung Quốc và phương Tây tìm cách giải tỏa lo ngại quanh những thương vụ đầu tư của Bắc Kinh ở hải ngoại và cáo buộc nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới “hắt hủi” nhà đầu tư nước ngoài.