Kinh tế châu Á năm 2017: Hứa hẹn khởi sắc

Theo daibieunhandan.vn/National Interest

Nếu như kinh tế thế giới được dự đoán tiếp tục đối mặt với khó khăn, thì kinh tế châu Á lại hứa hẹn sự khởi sắc. Theo chuyên gia tư vấn kinh tế về châu Á - Thái Bình Dương Anthony Fensom, quan hệ Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - sẽ quyết định châu Á có thể trở thành nhân tố tăng trưởng chính của nền kinh tế thế giới trong năm 2017 hay không.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Dự báo kinh tế gần đây của các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, 2017 sẽ là năm thuận lợi cho khu vực châu Á, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 5,3 - 5,7%.

Trong khi đó, IMF dự báo mức tăng trưởng GDP của Mỹ chỉ đạt 2,2% trong năm nay. Tuy nhiên, vẫn có nhiều yếu tố “phủ bóng đen” lên triển vọng này. Đó là sự suy giảm liên tục của kinh tế Trung Quốc, ảnh hưởng của “Trumponomics” (dùng để chỉ các chính sách kinh tế dưới thời Donald Trump - người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20.1 tới) và hiệu ứng lan tỏa từ Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu).

Trung Quốc giữ ổn định

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ bảo đảm nền kinh tế lớn nhất khu vực đi đúng hướng, trước khi kỳ họp Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) thứ 19 diễn ra vào mùa Thu. Điều đó đã được phản ánh trong Hội nghị Kinh tế Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây, trong đó đề ra mục tiêu quan trọng cho năm 2017 là ổn định nền kinh tế bằng cách kiểm soát các rủi ro bất động sản và tài chính, thay vì cải cách cơ cấu. Ông Fensom cho rằng, việc Trung Quốc tập trung vào ổn định ngắn hạn là tín hiệu tốt cho triển vọng tăng trưởng của châu lục và Trung Quốc trong năm nay, mặc dù vẫn có một số nguy cơ dài hạn hơn.

Bất chấp kinh tế Trung Quốc đã suy giảm 6,7% trong năm 2016 nhưng OECD và ADB trong cập nhật mới nhất đã dự báo tăng trưởng GDP của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này trong năm 2017 là 6,4%. Tuy nhiên, để đạt được những kỳ vọng trên, Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với những thách thức như chính sách tăng lãi suất ở Mỹ và mối quan hệ có nguy cơ xấu đi với Tổng thống đắc cử Mỹ Trump.

Giới phân tích lo ngại, ông Trump có thể làm nổ ra cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, gây ảnh hưởng xấu tới triển vọng kinh tế của hai nước cũng như cả khu vực. Bên cạnh đó, thất bại của Bắc Kinh trong cải tổ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả cũng có nguy cơ dẫn đến vụ phá sản như Nhật Bản thời những năm 1990. Nợ của Trung Quốc hiện nay vượt quá 250% GDP và “núi nợ” này ngày càng tăng với tốc độ 30%/năm.

Nhật Bản hưởng lợi từ đồng yen giảm

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có nhiều lý do để cảm ơn ông Trump vì đồng bạc xanh tăng và đồng yen giảm giá, giúp chứng khoán Nhật Bản tăng vọt, mang lại lợi nhuận xuất khẩu và kéo theo tiền lương cũng tăng lên. Nhờ việc đồng yen liên tục rớt giá, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã đạt được tốc độ tăng trưởng mạnh hơn so với dự báo gần đây, với mức khoảng 1% trong năm 2017.

Điểm bất lợi cho Nhật Bản là nguy cơ chịu ảnh hưởng từ việc Tổng thống đắc cử của Mỹ giữ đúng lời hứa về tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đe dọa gây nên sự xáo trộn trên thị trường thế giới. Bất kỳ bất ổn toàn cầu nào cũng có thể khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản ít rủi ro, đẩy đồng yen lên cao trở lại và sẽ làm suy yếu chính sách kinh tế Abenomics.

Ấn Độ nhắm tới lợi ích dài hạn

Quyết định gây sốc của Ấn Độ khi loại bỏ 86% lượng tiền mặt lưu thông đã ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường đầu tư kinh doanh và nhu cầu tín dụng mà lẽ ra được dự báo sẽ tăng trưởng vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên, “cú shock” ngắn hạn mà các ngân hàng, doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước phải chịu đựng có thể sẽ dẫn đến những lợi ích dài hạn: Tăng trưởng trên diện rộng, cải thiện tài chính ngân hàng giúp tăng cường đầu tư tư nhân và chi tiêu cơ sở hạ tầng công nhờ doanh thu thuế được cải thiện.

Mặc dù ADB điều chỉnh hạ tốc độ tăng trưởng GDP của Ấn Độ năm 2016 từ 7,6% xuống còn 7%, nhưng tăng trưởng GDP năm 2017 của Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 7,8%, giúp nước này trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.

Thách thức đối với cường quốc Nam Á là rủi ro từ những cú sốc bên ngoài, vẫn phải kể đến việc lãi suất của Mỹ tăng cao và suy thoái ở Trung Quốc. New Delhi cũng sẽ cần để mắt tới các vấn đề khu vực, trong đó có Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan do Bắc Kinh đề xuất, trong bối cảnh cạnh tranh đang tăng nhiệt ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Dự báo lạc quan cho ASEAN

Các nhà phân tích kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng của khu vực Đông Nam Á, với tầng lớp trung lưu ngày càng tăng tại Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã thúc đẩy tăng trưởng GDP của khu vực lên 4,5% trong năm 2016 và dự báo khu vực này sẽ đạt tốc độ tương tự vào năm 2017. Tuy nhiên, lãi suất của Mỹ tăng lên đã làm rung chuyển thị trường châu Á và đe dọa nguy cơ rút vốn ồ ạt ra khỏi các nền kinh tế mới nổi.

Ước tính khoảng 80% trái phiếu nợ từ những người vay ở các thị trường mới nổi sẽ được định giá bằng đồng USD. Cùng với đó, việc giá đồng bạc xanh tiếp tục tăng sẽ khiến những người vay cá nhân trong khu vực chịu nhiều bất lợi, qua đó sẽ dẫn đến thắt chặt đầu tư tư nhân. Ngoài ra, còn những rủi ro mang hiệu ứng lan tỏa như suy thoái ở Trung Quốc, các mối đe dọa từ sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và Brexit sẽ gây thiệt hại cho thị trường xuất khẩu ở châu Âu.

Mặc dù vậy, theo chuyên gia Fensom, nhìn chung, sau những khó khăn của năm trước, khu vực châu Á sẽ có sự khởi sắc bất ngờ vào năm 2017 và hai nhân tố chính sẽ quyết định khởi sắc là Mỹ và Trung Quốc.