Kinh tế Nga trả giá vì MH17

Theo vnexpress.net

(Tài chính) Thảm kịch bắn rơi máy bay Malaysia Airlines tại Ukraine đang khơi mào cho các bên kêu gọi trừng phạt kinh tế Nga và giới tài phiệt nước này.

 Kinh tế Nga trả giá vì MH17
Nga đang đứng trước nguy cơ chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây. Nguồn: internet

Trong cuộc điện đàm tối qua với Tổng thống Nga - Vladimir Putin, Thủ tướng Anh – David Cameron cho biết hành động "gây bất ổn" của Nga tại miền đông Ukraine một phần nguyên nhân của thảm kịch MH17. Vì vậy, ông sẽ đóng băng tài sản của giới tỷ phú Nga tại London trừ phi Nga ngừng trợ giúp cho lực lượng ly khai tại Ukraine.

Còn theo Moscow Times, Canada hôm qua cũng tuyên bố sẵn sàng áp dụng lệnh trừng phạt lên các cá nhân, tổ chức và toàn bộ nền kinh tế Nga sau sự việc MH17. Bộ trưởng Ngoại giao Canada - John Baird cho biết các biện pháp này sẽ tương tự Mỹ.

Trước tai nạn một ngày, ngày 16/7, Mỹ thậm chí đã công bố thắt chặt trừng phạt lên Nga để cảnh cáo các hành vi được cho là can thiệp vào Ukraine. Lệnh trừng phạt nhằm vào những doanh nghiệp chủ chốt của Nga, trong đó có ngân hàng Gazprombank và tập đoàn dầu khí Rosneft, cùng nhiều công ty quốc phòng.

Hiện tại, Mỹ và châu Âu lại chuẩn bị cho một vòng trừng phạt mới, dự kiến thông báo tuần này, nhằm vào các tỷ phú Nga có quan hệ với Tổng thống Putin. Theo các chuyên gia, biện pháp trừng phạt mới sẽ mở rộng lệnh cấm đi lại và đóng băng tài khoản với nhiều tỷ phú và công ty Nga hơn trước đây.

Những thông tin tiêu cực liên tiếp đã khiến thị trường tài chính Nga gần đây lao đao. Chỉ số chứng khoán Micex giảm 6 phiên liên tiếp, xuống thấp nhất 4 tháng hôm qua, khi ông Putin ngày càng chịu áp lực lớn từ quốc tế về trách nhiệm trong vụ MH17. Cổ phiếu Sberbank - ngân hàng lớn nhất Nga giảm mạnh nhất với 4,6%.

Đồng ruble Nga hôm qua cũng mất 0,2% so với USD. Đây là phiên giảm thứ 6 trong 7 phiên gần đây của đồng tiền này. Phí bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu kỳ hạn 5 năm của Nga đã lên trên 2% trong tháng này, cao nhất trong nhóm nước mới nổi BRIC, theo Bloomberg.

Từ sau khi sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3, Nga đã bị Mỹ và châu Âu áp đặt nhiều lệnh trừng phạt. Để đối phó với các ảnh hưởng tiềm tàng, nước này đã áp dụng nhiều biện pháp tăng tính độc lập của nền kinh tế, như thiết lập hệ thống thanh toán riêng hay mở rộng sang dùng các tiền tệ khác ngoài USD.

Hôm qua, Bloomberg cho biết Quốc hội Nga cũng đang soạn thảo dự luật yêu cầu các công ty nhà nước và cơ quan Chính phủ ưu tiên dùng sản phẩm của các hãng công nghệ nội địa, nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, trước nguy cơ tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế. Họ cho rằng phần mềm ngoại có thể chứa các mã độc có khả năng lấy thông tin mật của Nga. Việc này sẽ làm giảm doanh thu của các đại gia máy tính như Microsoft, IBM hay HP tại đây.

Giới tài phiệt của nước này cũng có vẻ đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Họ lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt, Igor Bunin - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ chính trị tại Moscow cho biết trên Bloomberg. Một tỷ phú Nga giấu tên cho biết nếu Nga không có động thái chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine sau sự kiện MH17, ông Putin có thể bị quốc tế ruồng bỏ, như Aleksandr Lukashenko của Belarus. Những gì đang diễn ra rất bất lợi cho nền kinh tế và toàn bộ nước Nga, ông nói.

Từ đầu năm, 19 người giàu nhất Nga đã mất 17,4 tỷ USD tài sản, trong khi con số này tại Mỹ lại tăng. Nhà đầu tư toàn cầu cũng đã rút 348 triệu USD khỏi thị trường trái phiếu và các quỹ đầu tư chứng khoán Nga từ cuối tháng 2.