Kinh tế thế giới năm 2017 và triển vọng năm 2018

PGS., TS. Nguyễn Thị Tường Anh, TS. Phạm Thị Mỹ Hạnh, NCS. ThS. Nguyễn Thị Minh Thư

Dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018, hầu hết các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế đều nhận định sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2017. Cụ thể, theo các chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018 có thể đạt 3,7%, cao hơn mức tăng trưởng của năm 2017 (3,6%), trong đó, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển dự kiến đạt mức tăng trưởng cao nhất (4,9%).

Dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018, hầu hết các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế đều nhận định sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2017.. Nguồn: Internet
Dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2018, hầu hết các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế đều nhận định sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn so với năm 2017.. Nguồn: Internet

Tình hình kinh tế thế giới năm 2017

Tổng quát lại tình hình năm 2017 có thể thấy, kinh tế thế giới có nhiều biến động theo chiều hướng tích cực. Bên cạnh một số sự kiện chính trị - xã hội nổi bật, thị trường tài chính – tiền tệ toàn cầu đã có những tác động không nhỏ đến tốc độ phát triển của kinh tế thế giới. Cụ thể sau:

Nền kinh tế toàn cầu khởi sắc

Năm 2016 là năm kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng thấp nhất (3,2%) kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008. Tuy nhiên, bước sang năm 2017, kinh tế thế giới đã khởi sắc hơn và đạt mức tăng trưởng 3,6% (theo dự báo của IMF tháng 10/2017).

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các khu vực, quốc gia trên thế giới trong năm 2017 không đồng đều, trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển đạt mức tăng trưởng 4,6%, thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của tiểu vùng Sahara châu Phi và Trung Đông chỉ đạt 2,6% - tốc độ tăng trưởng không cao nhưng nếu so sánh với mức tăng trưởng 1,4% của khối này vào năm 2016 thì đây là một tín hiệu đáng mừng.

Năm 2017 các nền kinh tế Mỹ La Tinh và Caribe đạt mức tăng trưởng với mức tăng trưởng 1,2%, mức tăng trưởng ấn tượng hơn nhiều năm 2016 (năm 2016, các nền kinh tế Mỹ La Tinh và Caribe đạt mức tăng trưởng - 0,9%). Trong đó, Brazil đã đảo ngược tình thế, khi từ mức tăng trưởng -3,6% (năm 2016) đã vươn lên đạt mức tăng trưởng 0,7% năm 2017.

Hình 1: Biến động giá dầu mỏ thế giới năm 2017
Hình 1: Biến động giá dầu mỏ thế giới năm 2017

Mặc dù, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển hầu hết ở dưới mức mục tiêu đặt ra nhưng cũng cho thấy sự phục hồi kinh tế tốt. Cụ thể, mức tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2017 đạt khoảng 2,2% trong khi mức tăng trưởng của Nhật Bản là 1,5%, Anh đạt 1,7%,  Đức đạt 2%. Tuy tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển không quá ấn tượng so với mức tăng trưởng của toàn cầu là 3,6% nhưng những con số này cho thấy, sự gia tăng lớn về sản lượng của nền kinh tế.

Nhờ đó, cầu trên thị trường thế giới và thương mại toàn cầu cũng được phục hồi, từ đó lan toả tới các nước đang phát triển và các nền kinh tế mới nổi khác. Ấn tượng nhất là mức tăng trưởng kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan lần lượt đạt 5,1% và 3,8%. Về tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2017, Hồng Kông đạt mức tăng trưởng 3,5%, trong khi Hàn Quốc, Đài Loan lần lượt đạt mức tăng trưởng 3% và 2%.

Điển hình nhất về tốc độ tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á là Trung Quốc, khi nền kinh tế này đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017 - mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% mà Chính phủ nước này đã đề ra. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc năm 2017 cũng tăng thêm 129 tỷ USD, đạt mức 3,14 nghìn tỷ USD cho cả năm 2017.

Những con số này khẳng định sự tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế Trung Quốc. Trong năm 2017, Trung Quốc đã tổ chức thành công Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ XIX. Các chuyên gia dự báo, sau Đại hội Đảng lần thứ XIX, Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm đối phó với chính sách tái cân bằng cán cân thương mại Mỹ - Trung mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang quyết tâm thực hiện.

Hình 2: Biến động tiền ảo Bitcoin năm 2017
Hình 2: Biến động tiền ảo Bitcoin năm 2017

Cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, lạm phát tại các nước phát triển, đang phát triển và nền kinh tế mới nổi đều có những tín hiệu tăng cao. Theo IMF, tại các nền kinh tế phát triển, lạm phát ở mức trung bình 1,7% do đà hồi phục của tổng cầu cũng như sự gia tăng của giá tiêu dùng từ giữa năm 2016.

Trong khi đó, mức lạm phát tại các nước đang phát triển và nền kinh tế mới nổi năm 2017 đạt 4,2%. Giá nhiên liệu tăng cao cũng như sự phục hồi về cầu là nguyên nhân chính khiến lạm phát ở khu vực châu Âu tăng từ 0,2% năm 2016 lên tới 1,5% vào năm 2017. Thêm vào đó, do hệ quả của Brexit ở Anh đã tác động mạnh tới giá trị đồng Bảng khi đồng tiền này rớt giá và đẩy mức lạm phát của Anh lên mức 2,6% trong năm 2017 (lạm phát năm 2016 ở Anh chỉ ở mức 0,7%). 

Thị trường tài chính phục hồi

Năm 2017 đánh dấu sự phục hồi của thị trường chứng khoán trên thế giới, khi các chỉ số S&P 500, Euro Stoxx, TOPIX tại các nước phát triển cũng như các chỉ số chứng khoán tại các nước mới nổi đều có xu hướng tăng. Điều này cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp đã được cải thiện cùng với sự ổn định của thị trường. Chỉ số giá cổ tức đã tăng từ 20% vào năm 2016 đến trên 22,5% vào năm 2017 tại Mỹ và đều đạt trên 15% tại Nhật Bản và Đức.

Một sự kiện nổi bật trong năm 2017 là Mỹ áp dụng chính sách tiền tệ bình thường hóa để vực dậy nền kinh tế kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mục tiêu đề ra của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) là giảm dần lượng tiền đã bơm ra thị trường. Tuy nhiên, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ nhanh hơn sẽ khiến cho lãi suất dài hạn của Mỹ tăng, trong khi đồng USD có xu hướng giảm giá (tỷ giá thực của đồng USD đã giảm khoảng 7% kể từ tháng 3 đến trung tuần tháng 9/2017).

Cùng với đó, lãi suất danh nghĩa của trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm 20 điểm từ tháng 3, trong khi lãi suất danh nghĩa của trái phiếu chính phủ Nhật Bản hay Đức lại khá ổn định. Điều này có thể gây ra sự đảo chiều về vốn đối với các thị trường mới nổi có xu hướng tăng so với đồng USD như: Mexico tăng 10%, Ba Lan hơn 2%, Hungary 4%.

2017 cũng được nhìn nhận là một năm có nhiều biến động trên thị trường dầu mỏ. Các sự kiện chính trị nổi bật như Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, sự lên ngôi của cánh hữu trong hàng loạt các cuộc bầu cử ở châu Âu, Saudi Arabia bị cô lập bởi các nước trong khu vực và những căng thẳng với Quatar cũng như xung đột ngày càng leo thang với Iran, điều này ảnh hưởng nhất định đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường dầu mỏ nói riêng.

Hình 3: Tốc độ tăng trưởng toàn cầu 2012-2017  và dự báo 2018-2019
Hình 3: Tốc độ tăng trưởng toàn cầu 2012-2017 và dự báo 2018-2019

Trong 3 tháng đầu năm 2017, giá dầu mỏ khá ổn định dao động từ 54 - 58 USD/thùng, do Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và ngoài OPEC đạt được thoả thuận cắt giảm sản lượng dầu thô từ cuối năm 2016. Tuy nhiên, diễn biến giá dầu thô bắt đầu giảm và “rơi” xuống đáy vào cuối tháng 6/2017 với mức giá dưới 44 USD/thùng, do OPEC chưa thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng, thậm chí còn quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác.

Thêm vào đó, sản lượng khai thác dầu mỏ của Mỹ, Nigeria và Lybia liên tiếp tăng, hay như Iraq không muốn tham gia thoả thuận cắt giảm sản lượng với động thái gia tăng xuất khẩu dầu mỏ từ trước khi đợt 1 của thoả thuận này kết thúc vào tháng 6/2017.

Trái ngược với diễn biến giá dầu mỏ thế giới 6 tháng đầu năm, trong 6 tháng cuối năm 2017, giá dầu mỏ đạt mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 60 USD/thùng vào cuối tháng 11/2017- mức tăng cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Nguyên nhân khiến giá dầu mỏ tăng cao vào những tháng cuối năm 2017 là do dữ trự dầu thô của Mỹ có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, thoả thuận cắt giảm dầu mỏ của các nước thành viên OPEC tiếp tục kéo dài thời gian thực thi. Cùng với đó, những lo ngại về việc gián đoạn nguồn cung do sản xuất dầu mỏ ở Oklahoma bị gián đoạn.

Ngoài ra, cơn bão Harvey tràn qua bang Texas vào tháng 8/2017 cũng đã khiến nhiều nhà máy lọc dầu tại bang này bị thiệt hại. Giá dầu tăng cao và là một tín hiệu tốt với các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn trên thế giới như Liên bang Nga, bởi giá tăng đồng nghĩa với kim ngạch xuất khẩu tăng cao vlà một nguồn đóng góp quan trọng cho GDP cũng như tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia này. Tuy nhiên, với lượng tiêu thụ dầu khổng lồ mỗi năm của các nước trong khu vực đồng Euro, giá dầu tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới lạm phát tăng cao ở khu vực này.

Hưởng lợi từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang làm thay đổi và cải thiện hiệu quả quá trình sản xuất - trao đổi - phân phối - tiêu dùng, làm tăng thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân toàn cầu. Đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là con người.

Nói cách khác, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 giúp giảm đáng kể chi phí giao thông, vận chuyển và thông tin; dịch vụ hậu cần và chuỗi cung ứng sẽ hoạt động hiệu quả hơn; các chi phí thương mại sẽ giảm bớt, qua đó, giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, cuộc cách mạng này sẽ thay đổi cấu trúc thị trường lao động. Khi tự động hóa thay thế con người trong toàn bộ nền kinh tế, người lao động sẽ bị dư thừa, tạo ra một áp lực lớn do sự dịch chuyển của nguồn lực lao động.

Với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các chuyên gia dự báo, số việc làm được tạo mới sẽ ít hơn so với số việc làm bị mất đi. Ví dụ, robot thay thế con người trong nhiều lĩnh như bảo hiểm, môi giới bất động sản, tư vấn tài chính, vận tải dẫn tới hàng triệu lao động trên thế giới có thể bị thất nghiệp.

Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể thay thế 85% nhân công trong lĩnh vực dệt may ở những quốc gia đang phát triển trong vài thập kỷ tới. Nhìn chung, các nước cạnh tranh chủ yếu nhờ lợi thế nhân công giá rẻ đang và sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi các ngành sản xuất và công nghiệp dịch vụ có xu hướng quay trở lại các nước phát triển bằng việc sử dụng lao động “nhân tạo” (robot).

Sự bùng nổ của đồng tiền ảo Bitcoin

Năm 2017 chứng kiến sự bùng nổ của đồng tiền ảo Bitcoin. Với xuất phát điểm chỉ gần 1.000 USD/1 đồng Bitcoin vào ngày 1/1/2017, đồng tiền ảo này đã tăng giá liên tục trong suốt năm 2017 và đã đạt đỉnh 19.900 USD/1 đồng Bitcoin vào ngày 18/12/2017. Tính chung từ đầu năm đến cuối năm 2017, đồng Bitcoin đã tăng giá 20 lần (Hình 2). Nguyên nhân khiến đồng Bitcoin tăng giá phi mã là do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất đánh thuế chuyển tiền từ Mỹ sang Mexico và đặc biệt là sau khi Chính phủ Nhật Bản chấp nhận đồng tiền này là công cụ thanh toán.

Không những thế, việc chấp nhận giao dịch hợp đồng tương lai trên hai sàn giao dịch chứng khoán lớn tại Chicago (Mỹ) là CBOE và CME cũng là nhân tố đẩy giá đồng Bitcoin tăng cao. Sự suy yếu của đồng USD trong năm 2017 khiến các nhà đầu tư chuyển dần từ việc nắm giữ tiền mặt sang đầu tư vào các lĩnh vực khác, trong đó có tiền ảo Bitcoin.

Tuy nhiên, Bitcoin vẫn là chủ đề gây tranh cãi, khi nhiều người cho rằng đây là đồng tiền của tương lai. Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư nhận định, giá trị đồng Bitcoin sẽ tiếp tục phá mốc 40.000 USD/ 1 đồng Bitcoin, thậm chí tăng tiếp lên mốc 400.000 USD/1đồng Bitcoin trong thời gian tới và sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn trên thị trường tiền tệ. Phản ứng theo hướng ngược lại, nhiều Chính phủ, nhà nghiên cứu và cá nhân không chấp nhận đồng tiền này như một công cụ thanh toán. Năm 2018 sẽ là một ẩn số đối với sự phát triển của đồng Bitcoin.

Triển vọng năm 2018

Các tổ chức kinh tế, tài chính quốc tế dự báo, kinh tế thế giới năm 2018 sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2017. Các chuyên gia của IMF cũng nhận định, kinh tế thế giới năm 2018 sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 3,7% (so với mức tăng 3,6% của năm 2017), trong đó, các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ 4,9%, trong khi các nước phát triển chỉ đạt 2%.

Theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ và Trung Quốc trong năm 2018 vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới với con số tương ứng là 7% và 6%. Dự báo, năm 2019, tỷ lệ tăng trưởng của Ấn Độ tăng lên mức 7,4% trong khi tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt mức 6,4%. Các chuyên gia kinh tế nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới là Ấn Độ trong năm 2018 và 2019 chủ yếu nhờ tiêu dùng.

 Các nước khác cũng thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng nhanh trên thế giới là Ghana, Ethiopia, Uzbekistan, Nepal, Djibouti, Lào, Campuchia, Myanmar và Philippines. Năm quốc gia trong khu vực Đông Nam Á (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam) được dự báo có thể đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm 2018. Ngược lại, Nhật Bản và Brazil là 2 quốc gia được dự báo có mức tăng trưởng thấp nhất giống nhau (0,7%) trong năm 2018.

Nguyên nhân dẫn tới mức tăng trưởng thấp ở Nhật Bản là do tiêu dùng cá nhân thấp, trong khi tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, lao động thiếu hụt do dân số bị già hóa cùng với những bất ổn trong nội tại nền kinh tế. Hai tổ chức IMF và OECD có mức dự báo giống nhau khi dự báo tốc độ tăng trưởng của Hoa Kỳ và châu Âu năm 2018 lần lượt là 2,3% và 1,9%. Năm 2018, Anh được dự báo đạt mức tăng trưởng khoảng 1,5%, giảm 0,2% so với mức tăng trưởng của năm 2017, do tiến trình Brexit đang được Chính phủ hiện thực hóa.

Thị trường tài chính năm 2018 được dự báo là sẽ có những diễn biến phức tạp do các yếu tố sau: (i) Hệ thống tài chính toàn cầu có nguy cơ gặp rủi ro từ khoản nợ toàn cầu cao; (ii) Giá các tài sản tài chính quá cao, cao hơn cả những thời điểm khủng hoảng tài chính trước đây gây quan ngại trong giới phân tích về tình trạng “bong bóng” tài sản tài chính đang diễn ra và đặt khu vực tài chính, kinh tế toàn cầu trước rủi ro cao, đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính ở cấp độ toàn thế giới.

Cùng với những rủi ro đang tích lũy trong nội tại nền kinh tế Trung Quốc như tình trạng bất động sản dư thừa nhưng vẫn tăng giá, dẫn tới cầu về tín dụng cao trong thời gian gần đây. Điều này dấy lên nhiều lo ngại sẽ có đổ vỡ ở Trung Quốc trong tương lai không xa và sẽ lan ra phạm vi toàn cầu.

Dự báo nền kinh tế toàn cầu năm 2018 sẽ đạt mức tăng trưởng 3,7% - mức tăng trưởng cao nhất trong trong vòng 7 năm qua. Đây là cơ sở để Công ty PwC dự báo, 2018 sẽ là năm có nhu cầu cao nhất về năng lượng trong lịch sử kinh tế thế giới. Nền kinh tế toàn cầu có thể sẽ tiêu thụ gần 600 triệu tỷ đơn vị nhiệt Anh (khoảng 176 nghìn tỷ kilowatt giờ) trong năm 2018, mức cao nhất trong lịch sử và cao gấp đôi năm 1980. Ấn Độ và Trung Quốc có thể sẽ tiêu thụ đến 30% tổng số năng lượng toàn cầu.

Mặc dù, PwC dự báo giá dầu tính theo giá trị thực tế sẽ khá ổn định, khi mà OPEC và các nước thành viên sẽ tiếp tục cắt giảm khai thác 1,8 triệu thùng dầu/ngày đến hết năm 2018. Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD), ông Sergei Guriev dự báo, trong năm 2018, giá bán mỗi thùng dầu sẽ dao động trong khoảng từ 60 - 65 USD/thùng.

Cùng chung quan điểm này, các chuyên gia của ngân hàng đa quốc gia Goldman Sachs Group cũng dự báo, giá dầu năm 2018 tăng thêm 7% so với năm 2017, lên mức 62 USD/thùng trên cơ sở cam kết cắt giảm sản lượng của OPEC và Nga đến hết năm 2018. Các chuyên gia tài chính cũng nhận định rằng, giá vàng trên thị trường thế giới năm 2018 sẽ đạt mức khoảng 1.300 USD/ounce, tăng khoảng 3% so với năm 2017 và ít thay đổi so với mức giá vàng bình quân năm 2016.

Bên cạnh những dự báo tích cực trên, Liên Hợp Quốc cũng nhận định, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với những nguy cơ như sự thay đổi trong chính sách thương mại của các quốc gia, tình hình tài chính toàn cầu suy giảm và sự gia tăng những căng thẳng địa chính trị. Bên cạnh đó, những nguy cơ về chính sách và địa chính trị cũng cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018. Đây là những thách thức mà các nền kinh tế thế giới phải đối mặt trong năm 2018.       

Tài liệu tham khảo:

1. United Nations, World Economic Situation and Prospects 2018;

2. Goldman Sachs Group Inc, Global Economic Analyst 2018;

3. OECD, November 2017, Economic Outlook;

4. IMF, October 2017, World Economic Outlook;

5. World Bank, Global Economic Prospects, June 2017;

6. PwC-Global economic growth in 2018 on track to be fastest since 2011;

7. Các website: www.petrotimes.vn, www.ccn.com.