Kinh tế toàn cầu đứng trước yêu cầu thay đổi mô hình tăng trưởng

Theo sbv.gov.vn

(Tài chính) Ngày 08/10/2013, Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đưa ra báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế toàn cầu. Trong báo cáo này, IMF dự báo kinh tế toàn cầu năm 2013 chỉ tăng 2,9%, thấp hơn mức tăng 3,2% trong năm 2012, nhưng sẽ tăng 3,6% trong năm 2014.

Phần lớn động lực tăng trưởng bắt nguồn từ các nước phát triển, trong khi các nền kinh tế mới nổi tăng chậm hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 7/2013, mặc dù vẫn tăng vững khi các chính phủ bắt đầu rút dần các gói kích thích tăng trưởng. Tại nhiều nền kinh tế mới nổi, tăng trưởng chậm dần còn bắt nguồn từ yếu kém mang tính cơ cấu liên quan đến hạ tầng cơ sở, thị trường lao động và hoạt động đầu tư. Chuyên gia kinh tế trưởng Olivier Blanchard cho rằng, các nền kinh tế mới nổi đang đối mặt với thách thức của đà tăng trưởng GDP chậm dần và điều kiện tài chính toàn cầu khắt khe hơn. Cụ thể là, những thay đổi trong chính sách tiền tệ của NHTW Mỹ (Fed) đã khiến lãi suất dài hạn tại Mỹ và nhiều nước khác tăng cao hơn kỳ vọng, đặc biệt là lãi suất trái phiếu, đây là rủi ro đáng quan tâm khi điều kiện tài chính không còn thuận lợi như trước.

Báo cáo cho rằng, tình trạng chính phủ Mỹ đóng cửa một phần chỉ gây tác động ngắn hạn và trần nợ công sẽ được nâng lên kịp thời. Kinh tế Mỹ có thể tăng 1,6% trong năm 2013 và 2,6% trong năm 2014, chủ yếu do thị trường nhà ở phục hồi và thu nhập cá nhân tăng dần.

Tại khu vực euro, các giải pháp chính sách đã giảm dần những rủi ro lớn và ổn định tình hình tài chính, mặc dù tăng trưởng kinh tế tại các nước ngoại vi còn thấp do thiếu vốn. Khu vực này sẽ dần thoát khỏi suy thoái và GDP năm 2014 sẽ tăng 1%.

Tại Nhật Bản, các biện pháp nới lỏng tài chính sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, việc rút dần các gói kích thích tài khóa và chi tiêu tái thiết cùng với quyết định tăng thuế tiêu dùng sẽ làm giảm tăng trưởng GDP từ 2% trong năm nay xuống 1,2% vào năm 2014.

Tại Trung Quốc, tăng trưởng GDP sẽ giảm từ 7,6% trong năm nay xuống 7,3% vào năm 2014, do các nhà tạo lập chính sách đang kiềm chế các biện pháp kích thích tăng trưởng nhằm ổn định tài chính và tái cân bằng cung cầu trong nước.

Về tổng thể, kinh tế tại các nước đang phát triển và mới nổi được kỳ vọng vẫn tăng vững quanh mức 4,5-5,1% trong hai năm 2013 và 2014, nhờ nhu cầu trong nước ổn định và điều kiện tài chính thuận lợi. Giá cả hàng hóa sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tại nhiều nước chậm phát triển, bao gồm các nước khu vực cận Sahara. Tuy nhiên, các nước Trung Đông và Bắc Phi, Afganistan và Pakistan sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi kinh tế và chính trị.

Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu (%)

 

2011

2012

2013

2014

Toàn cầu

3,9

3,2

2,9

3,6

Các nước phát triển

1,7

1,5

1,2

2,0

Mỹ

1,8

2,8

1,6

2,6

Khu vực euro

1,5

-0,6

-0,4

1,0

CHLB Đức

3,4

0,9

0,5

1,4

CH Pháp

2,0

0,0

0,2

1,0

Italia

0,4

-2,4

-1,8

0,7

Tây Ban Nha

0,1

-1,6

-1,3

0,2

Nhật Bản

-0,6

2,0

2,0

1,2

VQ Anh

1,1

0,2

1,4

1,9

Canada

2,5

1,7

1,6

2,2

Các nước phát triển khác

3,2

1,9

2,3

3,1

Các nước đang phát triển và mới nổi

6,2

4,9

4,5

5,1

Các nước Trung và Nam Âu

5,4

1,4

2,3

2,7

Cộng đồng các quốc gia độc lập

4,8

3,4

2,1

3,4

CHLB Nga

4,3

3,4

1,5

3,0

Các nước đang phát triển châu Á

7,8

6,4

6,3

6,5

Trung Quốc

9,3

7,7

7,6

7,3

Ấn Độ

6,3

3,2

3,8

5,1

ASEAN 5

4,5

6,2

5,0

5,4

Mỹ Latinh và Quần đảo Caribê

4,6

2,9

2,7

3,1

Brazil

2,7

0,9

2,5

2,5

Mexico

4,0

3,6

1,2

3,0

Khu vực Cận Sahara

5,5

4,9

5,0

6,0

Nam Phi

3,5

2,5

2,0

2,9

Trung Đông, Afganistan, Pakistan

3,9

4,6

2,3

3,6

Báo cáo nhấn mạnh, chính sách thắt chặt tiền tệ tại Mỹ và yếu kém tại các nước mới nổi có thể dẫn đến sự điều chỉnh tiếp theo trên qui mô toàn cầu, với rủi ro về giá tài sản có thể vượt quá giới hạn hoặc thậm chí phá vỡ sự cân bằng cán cân thanh toán. Đáng chú ý, mô hình tăng trưởng giống nhau đang làm tăng rủi ro tại các nền kinh tế mới nổi.

Trong khi đó, những rủi ro trước đây vẫn hiện hữu. Bao gồm, cải cách tài chính dở dang tại khu vực euro, tình hình nợ công và rủi ro tài chính tại nhiều nước phát triển khác, rủi ro địa chính trị lại nổi lên trong những tháng gần đây, những rủi ro này có thể tác động đến các nền kinh tế thông qua các giao dịch tài chính và thương mại quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, cần nhanh chóng đưa kinh tế toàn cầu thoát khỏi giai đoạn khó khăn và nâng cao hiệu quả kinh tế. Trước hết, các nước phát triển cần vượt qua những thách thức trước đây, các nước đang phát triển và mới nổi phải có chính sách tin cậy để dẫn dắt quá trình chuyển đổi.

Đối với các nước phát triển, báo cáo tiếp tục nhấn mạnh các thông điệp chính sách đưa ra từ những báo cáo trước đây. Khu vực euro cần điều chỉnh hệ thống tài chính và nhanh chóng thành lập liên minh ngân hàng. Chính phủ Mỹ nên giải quyết chia rẽ chính trị liên quan đến chính sách tài khóa và nhanh chóng nâng trần nợ công. Fed nên quản lý thận trọng để bình thường hóa qui trình chính sách tiền tệ, có tính đến triển vọng tăng trưởng, lạm phát và điều kiện tài chính. Nhật Bản và Mỹ cần hoàn thiện việc điều chỉnh tài khóa trung hạn và cải cách các chương trình an sinh xã hội. Nhật Bản và khu vực euro nên chấp nhận cải cách cơ cấu để hỗ trợ sản lượng tiềm năng.

Tại các nền kinh tế mới nổi, các nhà tạo lập chính sách nên có chính sách tỉ giá linh hoạt, đảm bảo cho tỉ giá hối đoái thích ứng với những thay đổi trong môi trường và giảm nhẹ tác động tiêu cực từ bên ngoài, đồng thời tránh biến dạng thị trường. Tại những nước có nền tảng chính sách tiền tệ kém bền vững, cần tập trung nỗ lực để neo tỉ giá danh nghĩa một cách vững chắc, áp dụng các biện pháp điều chỉnh và hành động thận trọng để chống bất ổn tài chính.

Đối với nhiều nền kinh tế mới nổi, cần tiếp tục thực hiện tái cơ cấu theo hướng tập trung vào xây dựng hạ tầng cơ sở, khai thác tiềm năng tăng trưởng kinh tế. Riêng Trung Quốc cần tái cân bằng tăng trưởng theo hướng giảm lệ thuộc vào vốn đầu tư đồng thời với tăng tiêu dùng, góp phần tái cân bằng kinh tế một cách bền vững.