Kinh tế toàn cầu năm 2014: Nhiều điểm sáng

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Nhờ sự phục hồi của các đầu tàu kinh tế như Mỹ, Trung Quốc, kinh tế toàn cầu năm 2014 được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh nhất 4 năm qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng sẽ có sự khác biệt giữa các nhóm, trong đó các nước phát triển sẽ tăng trưởng và thoát khỏi vùng đáy và là đầu tầu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong khi đó các nước mới nổi sẽ ổn định nhưng tăng trưởng ở mức thấp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Xu hướng tăng trưởng chiếm ưu thế

Các chuyên gia kinh tế đến từ các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới như Goldman Sachs, Deutsche Bank, Morgan Stanley dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ít nhất 3,4% trong năm 2014, so với dưới 3% năm 2013.

Trong khi đó, dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) và Reuters Breakingviews cho biết, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,03% trong năm 2014. Hai tổ chức này cũng đưa ra dự báo: Bắc Mỹ (gồm cả Hoa Kỳ và Canada) sẽ tăng trưởng 2,7%, Trung Quốc sẽ tăng trưởng gần 8%, các nền kinh tế châu Âu sẽ tăng trưởng khoảng 1,15% và Nhật Bản sẽ tăng trưởng khoảng 1,4%...

Các dự báo đều có chung nhận định, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phụ thuộc vào hai đầu tàu kinh tế hiện nay là Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù Mỹ chiếm 1/4 sản lượng kinh tế toàn cầu, còn Trung Quốc chiếm chưa đầy 1/10, song hai quốc gia này sẽ tạo ra gần một nửa mức tăng trưởng GDP của cả thế giới trong năm tới. Nhận định mới đây của Trung tâm nghiên cứu BIDV cho rằng, kinh tế Mỹ có thể sẽ tăng trưởng tốt hơn, đạt mức 2,7% trong 2014 so với năm 2013 (khoảng 1,6%), nhờ vào bốn yếu tố sau: Thứ nhất, ảnh hưởng của chính sách tài khóa đã qua khi mức tăng thuế và cắt giảm chi tiêu đã làm giảm tăng trưởng GDP của Mỹ trong năm 2013 giảm khoảng 1,17%; Thứ hai, ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính đã được giảm nhẹ, thị trường nhà ở hồi phục; Thứ ba, thị trường cổ phiếu hồi phục mạnh, thị trường lao động hồi phục khiến thu nhập của người dân tăng; và Thứ tư các doanh nghiệp đã tăng trưởng tốt.

Trong khi đó, đối với nền kinh tế Trung Quốc, Reuters Breakingviews khẳng định, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt gần 8%. Thậm chí, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng hoàng gia Scotland còn lạc quan cho rằng Trung Quốc có thể đạt 8,2%, so với 7,7% năm 2013.

Đối mặt với không ít thách thức

Yếu tố quan trọng đối với triển vọng phục hồi của kinh tế toàn cầu đó chính là khả năng hỗ trợ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn khác thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, những động thái này hiện nay cũng chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cũng có không ít lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2014. Một vài dự báo cho rằng, có thể tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không cao như kỳ vọng và chỉ đạt khoảng 7%. Cụ thể, theo dự báo Trung tâm nghiên cứu BIDV, kinh tế Trung Quốc khả năng sẽ tăng trưởng chậm lại và có thể chỉ đạt mức khoảng 7% trong hai năm 2014 và 2015 vì hiện Trung Quốc đang đối mặt với ba thách thức lớn, đó là: Thứ nhất, Trung Quốc khó có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao trong các năm tiếp theo trong bối cảnh các nước phát triển có thể thu hẹp chính sách kích thích kinh tế và sức cầu vẫn còn yếu; Thứ hai, Kế hoạch giảm bớt phụ thuộc vào tín dụng (chính sách giảm dần nợ) có thể khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn; và thứ ba, liệu Trung Quốc đã sẵn sàng và có đủ điều kiện để thực hiện cải cách triệt để, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư, các doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo sang mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào tiêu dùng, các doanh nghiệp tư nhân tham gia nhiều hơn.

Nhật Bản – một cường quốc kinh tế cũng đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 1,5% vào năm 2014 so với 1,8% năm nay cho dù có sự góp sức đắc lực của chương trình Abenomics. Có thể nói, tăng trưởng chậm lại ở Nhật Bản và Trung Quốc sẽ kìm hãm phần nào đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 ngay cả khi kinh tế Mỹ, Eurozone phục hồi.

Theo nhận định của Trung tâm nghiên cứu BIDV, kinh tế thế giới vẫn còn phải đối mặt với những thách thức khi các nước mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất. Theo đó, kinh tế thế giới sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn, đó là: Thứ nhất, các nước mới nổi và đang phát triển vẫn chưa thoát khỏi tình trạng tồi tệ nhất, trong đó rất nhiều nước đang loay hoay tìm mô hình tăng trưởng; kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong năm 2014; Thứ hai, hiện nay, khu vực châu Âu, đặc biệt là khu vực Eurozone đang phải đối mặt với tình trạng đình trệ tương tự như Nhật Bản trong những năm 1980-1998 khi rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm và giảm phát (do đồng Euro lên giá và rủi ro giảm phát) và thứ ba, chính sách tiền tệ nới lỏng có thể gây ra lạm phát hoặc giảm phát tại một số nước và khu vực.

Ngoài ra, cách đây không lâu các chuyên gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) cũng cảnh báo, căng thẳng xã hội leo thang tại Trung Đông và Bắc Phi cùng với gia tăng cách biệt trong thu nhập sẽ là những yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế thế giới. Dự báo được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính khiến tỷ lệ thất nghiệp tại nhiều nước thành viên Eurozone tăng vọt, ví dụ như tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha hiện là 26,6% và ở Hy Lạp là 27,6%, trong đó thất nghiệp trong thanh niên Hy Lạp lên tới 75%. Ngoài ra, WEF cảnh báo một thế hệ thanh niên thất nghiệp có thể khiến Eurozone “tan đàn xẻ nghé” nếu như các nước thành viên không có biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn nạn này.