Kỷ lục dòng vốn mới chảy vào bất động sản thương mại toàn cầu

PV.

Theo báo cáo “Great Wall of Money”xuất bản lần thứ 12 của Cushman & Wakefield, dòng vốn đấu tư mới chảy vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) thương mại toàn cầu năm 2015 đạt kỷ lục mới, ở mức 443 tỷ USD.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo cáo ghi nhận giá trị của dòng vốn mới đổ vào lĩnh vực BĐS trên phạm vi toàn cầu và cho thấy dòng vốn này hiện không bị hạn chế vì các nhà đầu tư đang tìm kiếm cơ hội tại mọi thị trường trên thế giới.

Tuy nhiên, mặc dù hoạt động đầu tư đạt kỷ lục cao tại nhiều thị trường toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng của vốn huy động đang bị chậm lại. Theo đó, tốc độ tăng chỉ ở mức 3% trong năm 2015 so với 21% năm 2014 là mức tăng thấp hơn khá nhiều, phần nào phản ánh mức độ năng động của các nhà đầu tư trong việc dùng vốn của mình đầu tư vào thị trường ngày càng sôi động như hiện nay.

Sự tăng trưởng của vốn hiện có được ghi nhận trên cả 3 khu vực, trong đó châu Á đang dẫn đầu với 131 tỷ USD, tăng 8%, nhờ vào việc một số quỹ đã hoàn thành mục tiêu đầu tư trong năm 2015. Mặc dù là tăng trưởng song châu Á lại là khu vực thu hút vốn đầu tư ít nhất.

Trong khi đó, cả hai khu vực châu Mỹ và EMEA (Châu Âu, Trung Đông và châu Phi) đã cho thấy vốn mở rộng tăng ít hơn 2%. Khu vực EMEA có vốn đầu tư mới vào khoảng 143 tỷ USD trong khi châu Mỹ vẫn dẫn đầu việc thu hút vốn, đạt 169 tỷ USD.

Có một sự thay đổi so với năm ngoái đó là vốn huy động thực tế đã bắt đầu giảm - dù giảm ít hơn 1%, từ 408 tỷ USD còn 407 tỷ USD. Điều này cho thấy rằng các quỹ được huy động hiện đang tập trung nhiều vào việc triển khai vốn. Điều này đã được kiểm chứng tại EMEA, nơi vốn huy động đã giảm 4% so với năm trước, còn 131 tỷ USD. Ngược lại, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương có sự tăng trưởng khiêm tốn là 3% và Châu Mỹ tăng ít hơn 1%.

Carlo Barel di Sant’Albano, Giám đốc điều hành bộ phận Đầu tư thị trường vốn & kinh doanh dịch vụ đầu tư của Cushman & Wakefield toàn cầu cho biết: “Khi thị trường chứng khoán toàn cầu đối mặt với sự bất ổn định ngày càng tăng, các yếu tố như “nới lỏng định lượng” và “lãi suất thấp hơn khi kéo dài lâu hơn” sẽ duy trì sự hấp dẫn tương đối của lĩnh vực BĐS thương mại, giúp duy trì dòng vốn đổ liên tục vào BĐS và các quỹ liên quan. Với nguồn vốn hiện tại đang ở mức cao kỷ lục, việc triển khai nó hiệu quả trở thành một mối quan tâm lớn đối với các nhà đầu tư. Điều này sẽ có lợi đối với các thị trường lớn và phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và Đức. Chúng tôi cũng kỳ vọng đà tăng trưởng mạnh mẽ từ các dòng vốn đầu tư xuyên quốc gia sẽ tiếp tục khi các nhà đầu tư tìm cách đa dạng hóa trên khắp các thị trường”.

Kỷ lục dòng vốn mới chảy vào bất động sản thương mại toàn cầu  - Ảnh 1
Trước xu hướng các quan điểm về tương lai của thị trường ngày càng trở nên khác nhau, Cushman & Wakefield dự báo sẽ có sự chuyển đổi mạnh hơn nữa trong cách thức phân bổ nguồn vốn. Các nhà đầu tư sẽ tập trung vào các quyết định giảm thiểu rủi ro và sẽ chọn các đơn vị quản lý vốn có kinh nghiệm.

Ngoài ra, xét đến việc một lượng vốn lớn được phân bổ vào bất động sản, các nhà đầu tư sẽ đánh giá giao dịch liên doanh và giao dịch điển hình như một cách để triển khai vốn dễ dàng hơn trên thị trường.
Bản báo cáo chỉ ra 58% các nhà đầu tư đang tập trung đầu tư vào một quốc gia đơn lẻ, và các quỹ đầu tư đa quốc gia chiếm 42% vốn còn lại. Những thay đổi trong chiến lược đầu tư đang được ghi nhận trên khắp các khu vực. Tại châu Mỹ, các quỹ đầu tư vào một quốc gia đơn lẻ chiếm 48%, trong khi tại châu Á Thái Bình Dương là 30% và tại EMEA là 22%.
Nigel Almond, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu thị trường vốn của Cushman & Wakefield, tác giả của bản báo cáo cho biết, vốn đầu tư xuyên quốc gia sẽ tiếp tục chuyển đổi thị trường BĐS trên toàn cầu. Đáng chú ý nhất, hơn 40% số vốn đang nhắm vào châu Á Thái Bình Dương và EMEA đến từ bên ngoài các khu vực này, đa số đến từ khu vực Bắc Mỹ.
“Mặc dù các quỹ đầu tư tại châu Á và EMEA đang triển khai lượng vốn huy động cao hơn tại đây, nhưng chúng ta vẫn thấy một lượng vốn đáng kể chảy ra khỏi khu vực này. Cơ hội đầu tư trên phạm vi toàn cầu và tại châu Á vẫn thu hút vốn từ châu Âu, trong khi vốn từ châu Á thì lại được rải khắp các thị trường trên toàn cầu, theo xu hướng đa dạng hóa của nhiều công ty châu Á trong những năm gần đây. Chúng tôi ước tính rằng khu vực châu Mỹ sẽ nhận được số tiền đầu tư trong nước lớn nhất, với 71% vốn có sẵn được huy động trong nước. Một phần khá lớn, gần ¼ số vốn huy động được dự kiến sẽ đến từ bên ngoài khu vực, chủ yếu là từ các nhà đầu tư châu Âu”, ông Nigel Almond nhận định.

Theo ông Alex Crane, Tổng Giám Đốc Cushman & Wakefield, tại Việt Nam, thị trường vẫn đang hấp dẫn các tổ chức đầu tư nước ngoài và nhu cầu đầu tư này sẽ tiếp tục trong năm 2016. Số lượng các thương vụ M&A đã tăng lên rõ rệt vào năm 2015, tăng khoảng 20% so với năm 2014, chiếm 10% tổng vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam.

"Tuy nhiên, ở phạm vi đầu tư cá nhân, chúng tôi vẫn chưa thấy nhiều sự tăng trưởng rõ rệt, ví dụ như các nhà đầu tư cá nhân nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực BĐS nhà ở chẳng hạn, nhưng ở góc độ tổ chức thì các công ty châu Á hiện đang hoạt động rất tích cực tại Việt Nam. Thị trường đang trở nên cạnh tranh hơn bao giờ hết giữa các Công ty trong nước và các tập đoàn nước ngoài trong việc sở hữu các dự án và các khoản đầu tư tốt nhất”, ông Alex Crane chia sẻ.

Một trong những thách thức lớn cho các nhà đầu tư và các nhà phát triển BĐS nước ngoài, dù cho vốn của họ có lớn đến đâu đi chăng nữa chính là việc tiếp cận quỹ đất, vì các quỹ đất lớn thường được sở hữu bởi Công ty Việt Nam, do vậy chuyên gia này hy vọng xu hướng liên doanh với các Công ty trong nước trong thời gian tới sẽ được tiếp tục để nhà đầu tư nước ngoài có thể tiếp cận quỹ đất này để phát triển dự án.