Lênh đênh số phận tàu Mistral

Theo daibieunhandan.vn

(Taichinh) - Pháp đang ở thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể giao 2 chiếc tàu chiến lớp Mistral cho Nga, nhưng cũng không thể bán lại cho nước khác. Phá tàu có lẽ là biện pháp ít tốn kém nhất, nhưng điều đó sẽ ảnh hưởng đến tham vọng trở thành nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Paris.

Biếm họa của Vitaliy Podvitskiy. Nguồn: Political Cartoons
Biếm họa của Vitaliy Podvitskiy. Nguồn: Political Cartoons

Theo thỏa thuận năm 2011 dưới thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, Pháp cam kết đóng cho Nga 2 chiếc tàu chiến lớp Mistral mang tên Vladivostok và Sevastopol, lần lượt bàn giao vào năm 2014 và 2015.

Mỗi chiếc tàu này có thể chở 16 trực thăng chiến đấu, hơn 40 xe tăng hoặc 70 ô tô chiến đấu và tối đa 450 binh sĩ. Thời điểm đó Paris tham vọng việc thực hiện hợp đồng bán vũ khí lớn đầu tiên của phương Tây cho Nga kể từ thời Liên Xô sụp đổ này sẽ là bước đi đầu tiên trên con đường trở thành nhà sản xuất vũ khí hàng đầu.

Tiếc rằng Tổng thống đương nhiệm Francois Hollande buộc phải đình chỉ chuyển giao các tàu Mistral, sau khi Nga sáp nhập Crimea và xuất hiện những cáo buộc cho rằng Moscow can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine. Moscow tất nhiên không chấp nhận chịu thiệt, và đưa ra 2 lựa chọn: giao tàu hoặc trả lại tiền kèm tiền phạt.

Chắc chắn Pháp không thể bàn giao tàu cho Nga, nếu không muốn đi ngược với ý chí chung của các thành viên NATO, đặc biệt là Mỹ và Ba Lan. Chưa kể Pháp còn đang đàm phán ký kết các giao dịch quốc phòng tổng trị giá tới 6,7 tỷ USD với 2 nước này. Nhưng số tiền trả cho Nga cũng phải nằm trong giới hạn chấp nhận được, trong bối cảnh nền kinh tế Pháp đang gặp nhiều khó khăn.

Theo các nguồn tin từ cả 2 phía, Moscow muốn 1,163 tỷ euro bao gồm 800 triệu là tiền Nga đã trả và số tiền bồi thường cho chi phí mua sắm thiết bị cần thiết và huấn luyện thủy thủ. Số tiền này thấp hơn rất nhiều con số 5 tỷ euro, tức bao gồm cả tiền phạt chậm và phá vỡ hợp đồng.

Nhưng số tiền Pháp muốn trả chỉ là 785 triệu euro. Nga gọi đây là đề nghị không thể chấp nhận được, và cuộc đàm phán giữa 2 nước cuối tháng 5 vừa qua đã kết thúc chóng vánh đến mức phái đoàn Pháp không cần nhận phòng ở Moscow.

Hiện có thông tin cho rằng Pháp đang đợi chiếc Sevastopol hoàn thành, dự kiến vào cuối tháng 6 này, rồi mới nối lại đàm phán với Nga. Trong lúc đó, Đặc phái viên Pháp Louis Gautier đã đề nghị Nga cân nhắc hoặc cùng chia sẻ chi phí phá tàu với nước này, hoặc để Paris bán tàu cho bên thứ 3. Canada và Singapore đang được xem xét, ngoài ra còn có cả Ai Cập là nước vừa mua nhiều chiến đấu cơ và tàu chiến Pháp.

Ngoài ra, cũng đã xuất hiện nhiều tin đồn về việc Trung Quốc có hứng thú với 2 chiếc tàu này. Hồi tháng 5, một phái đoàn Hải quân Pháp trong đó có 1 tàu chiến lớp Mistral đã tới Trung Quốc. Trong khi cần nhớ rằng, cả Vladivostok và Sevastopol đều được thiết kế phù hợp với việc chuyên chở và cất cánh của trực thăng Kamov Ka-27 của Hải quân Nga.

Trung Quốc thì đang sở hữu khá nhiều loại máy bay này. Tuy nhiên khả năng Pháp chọn Trung Quốc không lớn. Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, bán tàu chiến cho Bắc Kinh đồng nghĩa với làm mếch lòng cả Tokyo và Washington.

Thêm nữa, theo quan chức quân đội cấp cao Nga Yury Yakubov, Nga không đồng ý lựa chọn thứ 2 vì 2 chiếc tàu được sản xuất theo các yêu cầu đặc biệt của Hải quân Nga, do đó chứa đựng bí mật quốc phòng. Theo một số nhà phân tích thì đây có thể chỉ là một chiêu thức mặc cả khác của Moscow.

Phó trưởng Ủy ban Công nghiệp Quốc phòng Nga Oleg Bochkaryov từng tuyên bố nước này không còn muốn lấy 2 chiếc tàu, vấn đề là Moscow được nhận lại bao nhiêu tiền. Chỉ vài ngày sau tuyên bố trên đã bị bác bỏ.

Theo một nguồn tin, Phó thủ tướng Dmitry Rogozin đã khiển trách nặng ông Bochkarev, đồng thời ra quy định mới cấm thành viên Ủy ban Công nghiệp - Quốc phòng phát biểu trước báo chí mà không có sự cho phép của Chủ tịch Ủy ban này.

Dù sao nếu muốn bán tàu cho bên thứ 3, Pháp sẽ phải tự chi tiền sửa chữa lại 2 con tàu. Việc này sẽ tốn hàng trăm triệu euro và chắc chắn Chính phủ Pháp không thể mặc kệ công ty sản xuất tàu DCNS tự chi trả các khoản này. Tình trạng dằng dai như hiện nay cũng không thể cứ kéo dài, bởi vận hành 2 chiếc tàu tiêu tốn của Pháp 5 triệu euro mỗi tháng.

Theo Cố vấn quốc phòng của cố Tổng thống Francois Mitterrand, Tướng Christian Quesnot, lựa chọn ít tốn kém nhất về mặt tiền bạc có lẽ là đánh chìm 2 con tàu.

Nhưng việc này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Pháp, ảnh hưởng đến tham vọng trở thành nhà cung cấp vũ khí hàng đầu của Paris, đồng thời ảnh hưởng đến hàng nghìn người lao động. Dường như hai con tàu Mistral đang trở thành con tin của mối quan hệ căng thẳng Nga - phương Tây.